15 Luật bảo vệ môi trường (2020), Điều 3, khoản 3.
3.2.1. Tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam gần đây
3.2.1.1.Trong lĩnh vực xử lý chất thải, khí thải công nghiệp
Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xử lý chất thải, khí thải công nghiệp tiếp tục diễn biến nghiêm trọng ở nhiều địa phương, tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung các công ty, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất… Nhiều khu công nghiệp, nhà máy không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hoặc có xây dựng nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng khi có kiểm tra, thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Một số doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn như xây dựng hệ thống xả thải ngầm, xả thải vào ban đêm, khi triều lên, trời mưa, lén lút xả nước thải sản xuất vào đường thoát nước mưa… Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều doanh nghiệp lớn sử dụng thủ đoạn này, như nhà máy xử lý nước thải tập trung thuộc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai); nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Linh Trung 1 (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh); nhà máy Toyota (Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội), đặc biệt là công ty Fomosa Hà Tĩnh với sự cố môi trường năm 2016…. Vi phạm pháp luật về môi trường trong việc xả thải là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước các dòng sông, kênh rạch, ao hồ, phát sinh dịch bệnh cho người và các loài vật nuôi, cây trồng.
3.2.1.2. Trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng
Trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, nổi lên tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển, xuất khẩu cây cổ thụ, gỗ quý, cây bóng mát có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Một số đối tượng lợi dụng sơ hở trong quy định của pháp luật để khai thác các loại cây có nguồn gốc tự nhiên đưa về trồng tại vườn, sau đó xin giấy phép để hợp thức hóa việc vận chuyển, tiêu thụ, gây khó khăn cho công tác xử lý. Tình trạng hủy hoại rừng tiếp tục diễn ra công khai, nghiêm trọng ở các khu rừng quốc gia, dự án phát triển rừng nghèo, rừng sản xuất, rừng chuyển đổi mục đích… với thủ đoạn lợi dụng các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, dự án thủy điện, phát triển hạ tầng để khai thác gỗ trái phép. Đặc biệt, tại một số tỉnh miền Trung, Nam Bộ, Tây Nguyên, trước thông tin một số doanh nghiệp Trung Quốc thu mua sắn, khoai lang giá cao, nhiều hộ dân đã phá bỏ cây trồng trước đây, phá rừng lấy đất, mở rộng nương rẫy để trồng sắn, khoai lang. Nếu không có biện pháp quản lý, khoanh vùng kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ phá rừng tràn lan.
3.2.1.3. Trong công tác quản lý chất thải nguy hại
Công tác quản lý chất thải nguy hại đã và đang bị buông lỏng. Cả nước hiện có 80 doanh nghiệp được cấp phép xử lý chất thải nguy hại, phần lớn các doanh nghiệp này có công nghệ, thiết bị lạc hậu, ký kết hợp đồng xử lý chất thải nguy hại nhưng không xử lý hoặc có xử lý nhưng không đảm bảo yêu cầu rồi chôn lấp tại các khu xử lý chất thải sinh hoạt hoặc trong khuôn viên nhà máy. Tình trạng nhập khẩu phế liệu lẫn tạp chất và chất thải nguy hại qua các cửa khẩu lớn tại Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và qua tuyến biên giới một số tỉnh miền Tây Nam bộ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý trái phép chất thải nguy hại như dầu máy thải, ắc quy chì cũ, bùn thải và bã quặng kim loại vẫn diễn ra tràn lan, nhất là các cơ sở tái chế chất thải nguy hại quy mô nhỏ trong các làng nghề - một trong những tác nhân quan trọng làm ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
3.2.1.4. Trong lĩnh vực bảo vệ động vật quý hiếm, hoang dã
Theo ước tính hiện nay, có gần 1.556 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc có thể gần tuyệt chủng cần được bảo vệ. Tuy nhiên, do động vật quý hiếm, hoang dã có lợi nhuận cao nên vi phạm có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn che giấu ngày càng tinh vi. Nổi lên là hoạt động săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm như hổ, voi, tê tê, rùa, rắn… và các sản phẩm của chúng, thậm chí hình thành những đường dây buôn bán có sự cấu kết chặt chẽ, khép kín giữa các đối tượng ở trong nước và nước ngoài. Việc vận chuyển, buôn bán động vật quý hiếm, hoang dã khi bị phát hiện các đối tượng thường dùng thủ đoạn khai nhận chở thuê cho đối tượng không quen biết để gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.
3.2.1.5. Trong lĩnh vực y tế
Trong lĩnh vực y tế, việc bảo vệ môi trường tại các bệnh viện và cơ sở y tế chưa được chú trọng, đặc biệt là ở các bệnh viện, cơ sở y tế cấp huyện, công tác quản lý chất thải còn lỏng lẻo, sơ hở, hành vi mua bán chất thải bệnh viện còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh, dược phẩm sử dụng hóa chất, nguyên liệu, hương liệu… không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Công tác quản lý thực phẩm chức năng còn sơ hở, thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng vẫn được lưu thông, buôn bán tràn lan trên thị trường. Rác thải, nước thải y tế ở các bệnh viện, các cơ sở y tế, các khu trung tâm cách ly đối với các ca nghi lây nhiễm các bệnh về truyền nhiễm nhất là bệnh Covid -19 có lúc chưa được thu gom, xử lý đảm bảo theo quy định. Đây là nguyên nhân có thể gia tăng sự lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí hết sức nghiêm trọng.
3.2.1.6. Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm
Vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, gây ra nhiều bệnh nan y, nhất là các bệnh K. Mặt khác, nó gây gián tiếp làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, tự nhiên. Với các hành vi phổ biến như thu mua hàng giả, kém chất lượng rồi đóng gói mới, làm giả bao bì sản phẩm, dập lại hạn sử dụng những mặt hàng đã hết hạn sử dụng, vận chuyển, buôn bán các loại gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nam Bộ (chủ yếu khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia); nhập khẩu thực phẩm “bẩn”, kém chất lượng, sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục, phụ gia vượt quá liều lượng cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm.