CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
2.4. Phương pháp luận nghiên cứu
2.4.1. Cách tiếp cận:
* Tiếp cận hệ thống, tổng hợp:
Bờ biển là một hệ thống nhất của địa hệ đới bờ. Động lực biến đổi bờ biển xảy ra là do tổng hòa của các yếu tố tác động. Nghiên cứu động lực biến đổi bờ biển và khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ven biển phải được đặt trên cơ
sở đánh giá tổng hợp một cách có hệ thống các tác nhân gây biến động. Các tác động này xảy ra liên tục và có sự biến đổi theo không gian và thời gian nên ở mỗi vùng, mỗi đoạn bờ biển cụ thể có những đặc điểm diễn biến riêng. Song, nhìn chung các tác nhân gây biến động bờ biển đều có liên quan hữu cơ với nhau, tương tác qua lại lẫn nhau trong 1 hệ thống nhất, tuân theo quy luật tự nhiên và chịu sự chi phối sâu sắc của con người nhằm thiết lập nên sự cân bằng động giữa chúng. Chính vì vậy mà nhiệm vụ được triển khai sẽ dựa trên cách tiếp cận hệ thống, tổng hợp.
* Tiếp cận từ thực tế:
Cần tiến hành khảo sát thực tế bổ sung nhằm cập nhật và đánh giá hiện trạng xói lở, bồi tụ, hình thái bờ biển, khảo sát các loại công trình ổn định bờ biển, cửa sông, các công trình chỉnh trị nhằm phân tích đánh giá những mặt được và chưa được của các giải pháp; khảo sát thực tế hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên vùng ven biển khu vực nghiên cứu; khảo sát thực tế đo đạc một số đặc trưng động lực biến đổi bờ biển tại các khu vực chìa khóa: một số cửa sông của thành phố Hải Phòng nhằm kiểm tra các kết quả nghiên cứu và là số liệu đầu vào cho các mô hình số trị thủy - thạch động lực tính toán; dự báo biến động bờ biển.
* Tiếp cận lịch sử và kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có:
Tiếp cận lịch sử là cách tiếp cận truyền thống của hầu hết các ngành khoa học, đặc biệt trong khoa học tự nhiên, đó là cách nhìn lại quá khứ, phân tích hiện tại nhằm dự báo cho tương lai. Nhiệm vụ sẽ tiếp cận từ các tư liệu, tài liệu, số liệu trong quá khứ, trước và sau khi có công trình chỉnh trị. Các số liệu về diễn biến hình thái bờ biển được so sánh, kiểm tra bằng các ảnh viễn thám (vệ tinh, máy bay) theo các mốc thời gian. Trên cơ sở đó giúp cho việc đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên và hoạt động dân sinh kinh tế đến diễn biến bờ biển khu vực nghiên cứu.
* Tiếp cận kinh tế - sinh thái - môi trường nhằm phát triển bền vững: Đây là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Quan điểm về phát triển bền vững bao gồm khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên
thiên nhiên vùng ven biển Bắc Bộ nhằm giảm tác động tiêu cực, bảo đảm sự cân bằng, hài hòa giữa các bên tham gia, không gây thiệt hại cho các đoạn bờ lân cận, nâng cao chất lượng môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội, tức là sự kết hợp hiệu quả giữa các khía cạnh sinh thái tự nhiên, kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Nhiệm vụ sẽ quán triệt quan điểm trên trong việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ven biển khu vực nghiên cứu.
* Tiếp cận tích hợp:
Là bước phát triển tiếp theo của các tiếp cận nêu trên mà ở đó tất cả các khía cạnh liên quan đến vấn đề cần được giải quyết (kinh tế - xã hội, sinh thái, môi trường, đối tượng hưởng lợi, bối cảnh theo thời gian, không gian...) được xem xét một cách đầy đủ và đồng bộ. Các khía cạnh được tích hợp trong nhiệm vụ bao gồm:
Tích hợp liên ngành: Để giải quyết tốt mục tiêu đặt ra cần tập hợp được đội ngũ chuyên gia có trình độ từ các ngành, lĩnh vực khác nhau như: Địa lý, địa mạo, địa chất, khí tượng, hải văn, môi trường, địa kỹ thuật, công trình thủy... Hợp tác học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là với các chuyên gia của đối tác. Thông qua các hội thảo khoa học, trao đổi tương đương, các lớp tập huấn ... (tiếp cận chuyên gia).
* Tiếp cận tương tác cộng đồng:
Sự tương tác, tham vấn, trao đổi giữa các nhà khoa học thực hiện đề tài với các chuyên gia của các địa phương vùng nghiên cứu sẽ nâng cao tính xác thực của các kết quả nghiên cứu, và khả năng áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
* Tiếp cận theo thời gian và không gian:
Quá trình biến đổi bờ biển là quá trình có các chu kì ngắn (ngày, mùa, năm) và chu kì dài (nhiều năm). Đồng thời với thời gian thì các quá trình động lực cũng chịu tác động của các yếu tố khác nhau theo không gian (sóng, gió, thủy triều trên phạm vi rộng và các yếu tố cục bộ như địa hình, hình thái bờ, công trình...). Việc xem xét đầy đủ các phạm vi theo không gian và thời gian là
cần thiết để có bức tranh tổng thể về cơ chế, nguyên nhân biến đổi bờ biển và các giải pháp khai thác sử dụng hợp lý vùng ven biển khu vực nghiên cứu.
Tích hợp các phương pháp nghiên cứu: Để đạt được mục tiêu của đề tài cần sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu truyền thống và hiện đại nhằm xem xét thấu đáo, phân tích, đánh giá chính xác về hiện trạng, nguyên nhân và xu thế biến động để từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp và khả thi.