1.5.1. Thuế
Việc tính toán luồng tiền thu nhập của một tài sản tài chính và tỷ lệ chiết khấu áp dụng để quy chúng về hiện tại cần phải tính đến yếu tố thuế. Công thức tính tỷ lệ chiết khấu theo mô hình CAPM hay APM đều chỉ tính đến thuế thu nhập công ty, chưa tính đến ảnh hưởng của thuế thu nhập cá nhân đối với các yếu tố trên.Do việc nhận tiền từ một tài sản có thể dẫn tới việc nhà đầu tư phải
nộp thuế cho khoản thu nhập đó, nên công tác định giá có thể được thực hiện trên cơ sở luồng thu nhập sau thuế cá nhân. Tuy nhiên, vì luồng thu nhập sau thuế cá nhân sẽ được chiết khấu bởi một tỷ lệ chiết khấu sau khi điều chỉnh thuế cá nhân nên tác động ròng đối với kết quả cuối cùng sẽ được trung hoà.
1.5.2. Lạm phát
Luồng tiền thu nhập danh nghĩa bao gồm cả yếu tố lạm phát dự tính. Quá trình đánh giá luồng tiền thu nhập danh nghĩa đòi hỏi phải ước tính không chỉ mức lạm phát của mặt bằng giá chung mà còn phải tính toán mức tăng giá của các mặt hàng mà công ty mua/bán.
1.5.3. Can thiệp của Chính phủ
Ở nhiều quốc gia đang phát triển, chính phủ thường can thiệp vào thị trường hối đoái và thị trường tiền tệ dẫn tới việc tỷ giá và lãi suất không phản ánh đúng giá cả của đồng tiền. Điều này làm cho vay nợ trên thị trường bị bóp méo và cần được tính đến khi xem xét tỷ lệ chiết khấu hợp lý cho tài sản tài chính
1.5.4. Sự khác biệt về chuẩn mực kế toán
Ngay cả khi sử dụng chung một phương pháp định giá, kết quả thu được vẫn có thể khác nhau, nguyên nhân là do các nhà phân tích sử dụng nhiều thông tin khác nhau để đưa ra ước đoán về thu nhập trong tương lai của công ty. Các quốc gia khác nhau có thể áp dụng các chuẩn mực kế toán khác nhau hoặc vận dụng một chuẩn mực kế toán theo cách riêng. Điều này dẫn tới việc hạch toán các khoản mục trong báo cáo tài chính có sự khác biệt, cơ sở đánh giá có sự khác nhau dẫn tới kết quả có sự khác biệt.Dẫn tới sự nhận định khác nhau về xu hướng phát triển, triển vọng tăng trưởng của công ty.
Chuẩn mực kế toán quốc tế quy định, các công ty khi lựa chọn một phương pháp kế toán kế toán thì phải sử dụng nó trong mọi kỳ kế toán, nguyên
tắc nhất quán.Tuy nhiên, không có nghĩa là công ty không được phép thay đổi phương pháp kế toán. Một khi nhận thấy rằng phương pháp kế toán cần thay đổi để đáp ứng bước tiến mới của sự phát triển, thì sự áp dụng một phương pháp kế toán mới có thể thay đổi số liệu về lợi nhuận trong báo cáo tài chính, và từ đó gây ảnh hưởng tới định giá cổ phiếu.
1.5.5. Một số yếu tố đặc thù khác
1.5.5.1. Người mua đặc biệt
Trong một số trường hợp đặc biệt, việc định giá cổ phiếu có thể bị tác động bởi sự có mặt của một “người đặc biệt”.Khi đó, cổ phiếu được mua bán với giá trị đặc biệt. Sự có mặt của người mua đặc biệt này có thể làm giá trị của cổ phiếu tăng lên một mức đáng kể hoặc sụt giảm phụ thuộc vào sự quan tâm đặc biệt này có rõ ràng hay không, vị trí vị thế của người đặc biệt này. Ví dụ, một Ngân hàng lớn mua lại Ngân hàng nhỏ, Ngân hàng Nhà Nước tham gia mua lại tổ chức tín dụng yếu kém,…
1.5.5.2. Sự thâu tóm kiểm soát
Khi một người muốn thâu tóm quyền kiểm soát, hoặc gia tăng tỷ lệ sở hữu, người đó có thể vấp phải sự phản đối của các đối thủ và phải bỏ ra chi phí lớn hơn để gia tăng sự kiểm soát đó của mình.Mức chi phí này phải được tính đến trong tỷ lệ chiết khấu thích hợp. Quyền kiểm soát công ty có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho người đó so với nắm quyền thiểu số như việc ra các quyết định điều hành lãnh đạo, quyết định về xu hướng phát triển, tỷ lệ chia cổ tức,… Do đó đây là yếu tố phải xem xét đến khi định giá cổ phiếu của một công ty.
1.5.5.3. Tính thanh khoản
Khả năng tìm kiếm người mua sẵn sàng chi trả hoặc đủ khả năng chi trả ảnh hưởng tới việc quyết định giá bán/mua cổ phiếu. Các hạn chế về việc chuyển đổi cổ phiếu, các quy định về sở hữu,… trong điều lệ công ty có thể tác động đến tỷ lệ chiết khấu lựa chọn. Qua đó tác động đến việc định giá cổ phiếu của công ty.