Dùng quyền SHTT như một “công cụ” để phát triển quốc gia không phải là một ý tưởng mới. Chính những nước hiện nay đã phát triển cũng đã tích cực sử dụng công cụ này trong quá khứ. Chẳng hạn như từ năm 1790 đến 1836 thì Mỹ (lúc ấy là nước nhập khẩu công nghệ) chỉ cấp bằng phát minh cho cư dân Mỹ. Đến năm 1836 thì chính sách này mới được nới lỏng, và chỉ sau năm 1861 Mỹ mới cấp quyền SHTT cho công dân nước khác. Tương tự, một phần chiến lược “đuổi kịp” nổi tiếng của Nhật Bản cũng dựa vào du nhập công nghệ nước ngoài, qua một chế độ quyền SHTT thiên về phổ cập công nghệ hơn là phát minh công nghệ. Gần đây hơn, từ năm 1960 đến 1980, Đài Loan và Hàn Quốc đã khá lỏng lẻo trong vấn đề bảo hộ quyền SHTT, nhằm mục đích chủ yếu là để các nhà sản xuất của họ dễ bắt chước công nghệ nước ngoài (qua mô phòng và “công nghệ ngược”). Chỉ từ nửa sau những năm 80 của thế kỷ trước, vì áp lực của Mỹ, các quốc gia và lãnh thổ này mới thặt chặt bảo hộ quyền SHTT.
Dù nhiều quốc gia đã có kinh nghiệm như nêu trên, song tác động thực tế của quyền SHTT đến sự phát triển là không dễ phân tích. Một mặt, việc bảo hộ chặt chẽ quyền SHTT sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm. Ngoài ra, việc bảo hộ chặt sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao, hạn chế các xâm phạm như tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền, hay sản xuất hàng giả, hàng nhái và các xâm phạm khác. Xét về lâu dài, bảo hộ chặt chẽ quyền SHTT sẽ có tác dụng tốt trong việc phát triển công nghệ và kinh doanh lành
mạnh, đóng một vai trò tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế. Mặt khác, có một điểm đáng lưu ý là, xét trên một khía cạnh nào đó, hệ thống bảo hộ SHTT yếu lại cho phép một quốc gia phát triển công nghệ với chi phí thấp.
Khi trình độ phát triển trong nước của một quốc gia còn thấp thì bảo hộ công nghệ sáng chế là không có lợi ích trực tiếp, song bảo đảm nhãn hiệu, thương hiệu nước ngoài sẽ có ích lợi gián tiếp ở chỗ nó tạo cảm tình cho các công ty nước ngoài mà không hại gì cho quốc gia. Mặt khác, quyền SHTT cho những công nghệ mà quốc gia có thể mô phỏng thì có thể lỏng lẻo hơn, tạo cơ hội cho những nhà sản xuất nội địa. Tất nhiên, quốc gia cũng cần một quyền sở hữu đáng kể nhằm bảo vệ những người mô phỏng trong nước chống sao chép.
Nghiên cứu kinh tế lượng (điển hình là Park và Ginarte (1997)) cho thấy một nền kinh tế mở tăng trưởng nhanh cũng là có quyền SHTT ngày càng chặt chẽ. Lý do có thể là vì một nền kinh tế mở cần quyền SHTT để tăng chất lượng hàng hóa để cạnh tranh. Hơn nữa, công ty trong những nền kinh tế mở sẽ ít ngần ngại chấp nhận phí tổn chuyển giao công nghệ và thích ứng nó với hoàn cảnh địa phương. Đáng kể hơn nữa, quyền SHTT, độ mở của nền kinh tế, FDI, và sự tích lũy vốn con người hầu như cộng tác với nhau để tăng năng suất và tốc độ tăng trưởng.