Ở khu vực nông thôn, để thích ứng với trình độ của LLSX quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất mang tính hỗn hợp với nhiều hình thức đa dạng: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu cá thể tư nhân, sở hữu hỗn hợp. Chính vì vậy, trong nông nghiệp, nông thôn nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH cũng tồn tại nhiều thành phần kinh tế.
- Kinh tế nhà nước, đóng vai trò chủ đạo, định hướng các thành phần
kinh tế khác trong KTNT. Kinh tế nhà nước trong KTNT được biểu hiện dưới hình thức các nông, lâm, trường quốc doanh, các trạm, trại kỹ thuật nông nghiệp, các dịch vụ công…ở nông thôn. Nhiều cơ sở của kinh tế nhà nước
trong KTNT chỉ là một bộ phận đại diện của kinh tế nhà nước chung như chi nhánh ngân hàng, cửa hàng thương mại, trạm sửa chữa…nhưng lại gắn bó chặt chẽ với KTNT từng vùng, từng địa phương như là bộ phận cấu thành bên trong của nó. Chính các bộ phận đại diện của kinh tế nhà nước đó không thể thiếu được trong phát triển KTNT, và là cơ sở, điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ KTNT phát triển. Kinh tế nhà nước được mở rộng ra toàn bộ các ngành nghề cơ bản như nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, ngân hàng…Tuy nhiên, việc phát triển thành phần kinh tế nhà nước ở nông nghiệp, nông thôn cần được cân nhắc trong từng khâu, từng lĩnh vực cụ thể.
- Kinh tế tập thể: có ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế như nông
nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, tín dụng, thủ công nghiệp, dịch vụ…Các hình thức kinh tế hợp tác được phát triển đa dạng, từ trình độ thấp đến trình độ cao, đặc biệt là hình thức HTX kiểu mới. Kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước không ngừng phát triển, chính là cơ sở, là tiền đề, nền tảng cho KTNT phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến lượt nó, KTNT lại tác động làm cho kinh tế tập thể phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, góp phần nâng cao đời sống dân cư, xây dựng nông thôn mới. Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn phải trên cơ sở đảm bảo quyền tự chủ của kinh tế hộ, trang trại, hỗ trợ đắc lực cho chúng phát triển , gắn với tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Kinh tế cá thể, tiểu chủ: tồn tại ở nhiều ngành nghề ở nông thôn như
nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công – thương nghiệp, dịch vụ …Được biểu hiện cụ thể dưới hình thức kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại. Tỷ trọng của kinh tế cá thể, tiểu chủ trong nông thôn nước ta hiện nay còn khá lớn, là một bộ phận chủ yếu trực tiếp tạo ra các nông, sản phẩm cho nền kinh tế quốc dân. Trong quá trình phát triển KTNT, vấn đề đặt ra là phải quan tâm phát
triển kinh tế hộ và kinh tế trang trại vì chúng chính là chủ thể quan trọng để phát triển KTNT nước ta theo hướng kinh tế hàng hoá.
- Ngoài ba thành phần kinh tế trên, KTNT nước ta còn có sự tồn tại và phát triển của thành phần kinh tế tư bản tư nhân, tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế này là lực lượng quan trọng và năng động trong cơ chế thị trường, có khả năng về vốn liếng, về tổ chức quản lý, kinh nghiện sản xuất, khả năng ứng dụng tiến bộ KHCN, kinh doanh ngành nghề đa dạng, tăng cường năng lực chế biến, tiêu thụ nông sản, làm dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn. Trong những năm qua ở nước ta, những thành phần kinh tế này đã có vai trò to lớn đối với quá trình thúc đẩy KTNT phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần quân trọng để đưa KTNT nước ta từ sản xuất nhỏ, lạc hậu tiến lên sản xuất lớn, hiện đại.
Định hướng phát triển của các thành phần kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là thực hiện xã hội hoá sản xuất, phát triển LLSX, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế; tập trung xây dựng thành phần kinh tế nhà nước nhằm phát huy vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế này, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của kinh tế tập thể để cùng với kinh tế nhà nước tạo thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân nói chung, KTNT nói riêng. Đồng thời kích thích sự phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, cũng như các thành phần kinh tế khác để có thể giải phóng mọi sức sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.