2000 đến nay
2.1. Những tiềm năng lợi thế của tỉnh Thanh Hóa trong xuất khẩu thủy sản
TỪ NĂM 2000 ĐẾN NAY
2.1. Những tiềm năng lợi thế của tỉnh Thanh Hóa trong xuất khẩu thủy sản thủy sản
2.1.1. Vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương hàng hóa với các nước
Thanh Hoá là tỉnh nằm ở cực Bắc vùng Duyên hải Bắc Trung bộ, cách Thủ đô Hà Nội 153km về phía Bắc, cách Thành phố Vinh tỉnh Nghệ An 138 km, về phía Nam cách thành phố Hồ Chí Minh 1.560 km. Thanh Hóa có đường biên giới với tỉnh Hủa Phăn – Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; và phía Đông giáp biển Đông.
Thanh hoá nằm trong vùng ảnh hưởng của những tác động từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Lào và vùng trọng điểm kinh tế Trung Bộ, ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, có hệ thống giao thông thuận lợi như: đường sắt xuyên Việt, đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ 1A, 10, 45, 47, 217, cảng biển nước sâu Nghi Sơn và hệ thống sông ngòi thuận lợi cho lưu thông Bắc Nam, với các vùng trong tỉnh và đi quốc tế. Thanh Hoá có sân bay Sao Vàng và mở thêm sân bay Thanh Hóa thuộc địa bàn 3 xã Hải Ninh, Hải An, Hải Châu huyện Tĩnh Gia phục vụ cho kinh tế Nghi Sơn và toàn tỉnh. Nhờ đó, Thanh Hóa vừa có điều kiện phát triển sản xuất, vừa có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ
Thanh Hóa có 6 huyện, thị xã chạy dọc ven bờ biển, với chiều dài 102 km từ huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương đến Tĩnh Gia. Chạy dọc theo bờ biển có tới 5 cửa lạch chính: Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng, Lạch Ghép là những nơi rất thuận lợi cho các tàu đánh cá ra vào. Có các vụng và vịnh như: Gầm (Sầm Sơn), vụng Thủy, vụng Biện Sơn, vụng Quyển, cùng các đảo Hòn Nẹ, Biện Sơn, Hòn Mê và các
đảo nhỏ lân cận tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền khai thác hải sản neo đậu và trú gió bão. Có cảng Cửa Môn là một cảng quan trọng – là nơi xuất khẩu hàng hóa đi các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapo…. Cảng Nghi Sơn là cảng nước sâu đang được đầu tư xây dựng để tàu hàng vạn tấn có thể ra vào cảng. Đây là nơi có triển vọng nhất trong việc khai thác cảng biển của Thanh Hóa.
Những thuận lợi về vị trí địa lý, về giao thông giúp cho việc lưu thông hàng thủy sản xuất khẩu của tỉnh sang các nước được dễ dàng hơn như: hệ thống đường sắt Bắc – Nam giúp cho việc lưu thông sang cửa khẩu Trung Quốc nhanh chóng, thuận tiện; hệ thống đường bộ giúp cho việc vận chuyển sang lào dễ dàng từ đó đi đến các nước như Thái Lan, Campuchia...; hệ thống đường biển giúp cho việc vận chuyển bằng tàu, thuyền sang nước Trung Quốc, Singgapho... nhanh chóng và giảm chi phí vận chuyển từ đó sẽ làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
2.1.2. Nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng
Thanh Hoá có bờ biển dài 102 km (từ cửa Càn, Nga Sơn đến Hà Nẫm, Tĩnh Gia); vùng lãnh hải rộng hơn 1,7 vạn km2. Vùng biển và ven biển Thanh Hoá có tài nguyên khá phong phú, đa dạng, trong đó nổi bật là tài nguyên thuỷ sản, tiềm năng xây dựng cảng và dịch vụ hàng hải.
Về tài nguyên thuỷ sản: Vùng biển Thanh Hoá chịu ảnh hưởng của các dòng hải lưu nóng và lạnh tạo thành những bãi cá, tôm có trữ lượng lớn so với các tỉnh phía Bắc. Tại vùng biển Thanh Hoá đã xác định có hơn 120 loài cá, thuộc 82 giống, 58 họ gồm 53 loài cá nổi, 69 loài cá đáy và các loại hải sản khác. Tổng trữ lượng hải sản ước khoảng 140.000 - 165.000 tấn; khả năng khai thác từ 60.000 - 70.000 tấn/năm, trong đó cá nổi chiếm hơn 60% và cá đáy chiếm gần 40%. Các ngư trường khai thác chính gồm:
Bãi cá nổi vùng Lạch Hới - Đông Nam Hòn Mê có trữ lượng 15.000 - 20.000 tấn, chủ yếu là cá lầm, cá trích, cá nục chiếm 60 - 70%, còn lại là cá thu, bạc má... Khả năng khai thác khoảng 7.000 - 10.000 tấn/năm. Bãi cá nổi ven bờ từ Nghệ An trở ra phía Bắc có trữ lượng khoảng 12.000- 15.000 tấn chủ yếu là cá lầm, cá trích chiếm khoảng 40 - 50%, còn lại là cá nục, cá cơm, cá lẹp... Khả năng khai thác khoảng 6.000 - 7.000 tấn/năm. Các bãi cá đáy phía Nam đảo Hòn Mê đến Lạch Ghép và Lạch Hới - Đông Nam Hòn Mê.
Tôm biển gồm 12 loài với trữ lượng hơn 3.000 tấn, trong đó tôm he chiếm khoảng 5 - 8%. Có hai bãi tôm chính là bãi tôm Hòn Nẹ - Lạch Ghép và bãi tôm Lạch Bạng - Lạch Quèn. Đây là bãi tôm có trữ lượng cao trong khu vực vịnh Bắc Bộ. Khả năng khai thác hàng năm khoảng 1.000 - 1.300 tấn tôm, trong đó chủ yếu là tôm bộp, tôm sắt và hơn 7.000 tấn moi biển.
Mực ở vùng biển Thanh Hoá và vùng phụ cận có chất lượng tốt, trữ lượng khoảng 10.000 tấn mực ống và 3.000 - 4.000 tấn mực nang. Khả năng khai thác hàng năm khoảng 3.000 - 4.000 tấn mực ống và 1.500 - 2.000 tấn mực nang.
Ngoài ra, vùng biển và ven biển Thanh Hoá còn có các loại hải sản đặc sản khác cũng rất phong phú như ốc hương, sứa, tôm hùm, cua, ghẹ... có giá trị kinh tế cao và đang được thế giới ưa chuộng. Với trữ lượng và khả năng khai thác lớn về thủy sản, đây là lợi thế không nhỏ để Thanh Hóa đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản tạo vốn tích lũy để phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.
Về nuôi trồng thuỷ sản: Thanh Hoá có trên 8.000 ha bãi triều (chưa kể diện tích bãi triều thuộc 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc mỗi năm được bồi thêm ra biển từ 8 - 10 mét) là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước lợ như tôm sú, cua, rau câu... Dọc ven biển còn có hơn 5.000 ha nước mặn ở vùng quanh đảo Mê, đảo Nẹ có thể nuôi thủy sản nước mặn theo hình thức lồng bè với các loại có giá trị kinh tế cao như cá song, cá cam,
trai ngọc, tôm hùm... Ngoài ra tại các vùng cửa lạch còn có những bãi bồi bùn cát rộng hàng ngàn ha có thể phát triển nuôi trồng hải sản, trồng cói, trồng cây chắn sóng và sản xuất muối.... Tiềm năng đó đã giúp Thanh Hóa nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản, hàng năm đạt trung bình trên 20 triệu tấn, trong đó trên 50% sản lượng được xuất khẩu ra hơn 20 nước và vùng lãnh thổ.
Về tiềm năng xây dựng cảng: Với bờ biển dài và nhiều cửa lạch, Thanh Hoá có tiềm năng rất lớn về xây dựng cảng và phát triển vận tải biển, trong đó đáng chú ý nhất là khu vực Nghi Sơn. Đây là khu vực được đánh giá có điều kiện thuận lợi nhất của vùng ven biển từ Hải Phòng đến Nam Hà Tĩnh. Tại đây đang khảo sát xây dựng cụm cảng nước sâu lớn trong vùng (gắn với Khu kinh tế Nghi Sơn) với 3 khu cảng chính là cảng tổng hợp Nghi Sơn, cảng cho khu liên hợp lọc hóa dầu và các cảng chuyên dùng cho nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện và nhà máy đóng tầu Nghi Sơn... tạo điều kiện để Thanh Hóa mở rộng giao lưu hàng hoá với các tỉnh trong nước và với thế giới.
Ngoài ra, dọc bờ biển còn có 5 cửa lạch lớn là Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép và Lạch Bạng, đã và đang là tụ điểm giao lưu kinh tế và là những trung tâm nghề cá của tỉnh, đồng thời cũng là những khu vực thuận lợi cho xây dựng cảng biển với quy mô khác nhau.
Tóm lại, Thanh Hoá có bờ biển dài, có tiềm năng lớn về khai thác, nuôi trồng thuỷ sản để hướng đến xuất khẩu đạt giá trị cao đây là lợi thế rất lớn để Thanh Hoá phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế thủy sản nói riêng để hội nhập mạnh với khu vực và thế giới.
2.1.3. Lao động dồi dào và tương đối có kinh nghiệm
Thanh Hóa là một tỉnh có quy mô dân số và lao động thuộc loại lớn của cả nước. Năm 2010, dân số toàn tỉnh là 3.406.805 người, chiếm xấp xỉ 35% dân số vùng Bắc Trung Bộ và 4,41% dân số cả nước. Nguồn nhân lực của Thanh Hóa khá dồi dào. Dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh năm 2010 là
2.070.000 người, chiếm 60,8% tổng dân số; số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 2.029,4 ngàn người, chiếm 98,0% lao động trong độ tuổi, trong đó phần lớn là lao động nông lâm nghiệp và thủy sản, chiếm tới 72% tổng số lao động xã hội; lao động công nghiệp và xây dựng chiếm 12,0% và lao động khu vực dịch vụ là 16 %; tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn trong tỉnh mới đạt 80,4%.Số lao động đang làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ cao (chiếm 81,3% năm 2000; năm 2005 chiếm 74%; năm 2010 chiếm 72%) so với ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ [10]. Mặc dù đã có sự chuyển dịch cơ cấu lao động nhưng không đáng kể. Trong những năm qua cùng với các chính sách phát triển nguồn nhân lực, ngành thủy sản đã phối hợp cùng với các cơ quan khác, tổ chức các lớp học nghề, đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề và thu hút một lượng lớn lao động tham gia, nhất là số lao động nông thôn, và vùng giáp biển.
Theo tổng kết của Sở thủy sản Thanh Hóa hiện toàn tỉnh có 50.848 lao động đang làm việc trong ngành thủy sản, chiếm 2,46% tổng số lao động. Trong đó, nghề khai thác cá biển có 25.488 người là lực lượng lao động chiếm tỷ lệ cao nhất (50,13%) nhưng mới chỉ có 9,02% lao động được đào tạo (đào tạo thuyền trưởng 1.200 người, chiếm 4,7%; máy trưởng 1.100 người, chiếm 4,0%) bộ phận còn lại chủ yếu là lao động chân tay dựa vào kinh nghiệm đánh bắt được tích lũy qua thời gian đi biển dài là chính, ngoài khâu đóng thuyền bằng máy, còn hầu hết các khâu lao động khác (thả lưới; kéo lưới; gở cá, mực, tôm; bảo quản sản phẩm…) tuy rất nặng nhọc nhưng vẫn là lao động thủ công; tổng số lao động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là 11.360 người, chiếm 22,34% số lao động thuỷ sản; tổng số lao động phục vụ trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản là 14.000 người, chiếm 27,53%; trong đó: doanh nghiệp 1.500 người, hộ gia đình 12.500 người. Trong nuôi trồng thủy
sản và công nghiệp chế biến xuất khẩu do nó gắn với những yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của sản xuất chế biến mà quốc tế yêu cầu nên đây là lĩnh vực có trình độ tương đối cao trong ngành thủy sản. Tuy chỉ có 16% lực lượng lao động qua đào tạo nhưng đội ngũ này đã có nhiều kinh nghiệm được tích lũy qua thời gian làm việc [30 ].
Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa cũng đang đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thủy sản, như trường Trung học thủy sản là trung tâm đào tạo của tỉnh về nghề cá, hàng năm đào tạo và tập huấn được từ 200 – 400 người. Tuy cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo còn nhiều khó khăn (chưa có phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm…), song hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật của ngành đã có nhiều cố gắng nên tỷ lệ lao động được đào tạo từng bước được nâng lên (đến năm 2011 đã có 7% lao động trong khai thác, 16% lao động chế biến thủy sản được đào tạo). Đây là tiềm năng lợi thế của ngành thủy sản tỉnh Thanh Hóa hiện nay.