3.3. Giải pháp
3.3.4. Đổi mới công nghệ, chú trọng công tác chế biến
Xuất khẩu nông sản nước ta chủ yếu vẫn là xuất khẩu nông sản thô, tỷ lệ chế biến sâu chưa nhiều và chủ yếu dựa trên lợi thế so sánh về nguồn lực tự nhiên, thiên về số lượng, giá cả thấp và kém năng lực cạnh tranh. Muốn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và cao hơn, con đường tất yếu là phải nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu. Muốn nâng cao
hàm lượng công nghệ trong nông sản cần phải tăng cường chế biến sâu, nhưng đồng thời cũng phải chú ý áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác trong khâu sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học. Hỗ trợ cho khoa học kỹ thuật là điều khoản cho phép trong khuôn khổ hộp xanh lá cây.
Các ngành hàng, doanh nghiệp cần đổi mới, sử dụng và tăng đầu tư trang bị công nghệ hiện đại, đồng bộ cho các cơ sở chế biến để tạo ra những sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng và hạ thấp giá thành.Trong điều kiện còn khó khăn về vốn, chúng ta không nên đầu tư dàn trải toàn ngành mà cần có sự lựa chọn mặt hàng và ngành hàng chủ lực để tập trung đầu tư theo chiều sâu, tạo ra các cực tăng trưởng trong hoạt động chế biến nông sản xuất khẩu.
Về phía nhà nước, cần rà soát, đánh giá lại một cách chính xác trình độ công nghệ chế biến của các cơ sở hiện có, từ đó có chính sách và biện pháp xử lý thích hợp trên cơ sở lấy hiệu quả kinh tế là chính, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà máy mới sử dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, đồng thời tăng thêm công suất chế biến và tăng tỷ trọng chế biến sâu. Nới lỏng cơ chế hoạt động chuyển giao công nghệ, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động chế biến nông sản xuất khẩu. Với tư cách là nhà quản lý, nhà nước cần có cơ chế hữu hiệu để làm cầu nối giữa “ba nhà” – nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông - để mỗi nhà đều đạt được mục đích của mình một cách tốt nhất. Để hỗ trợ có hiệu quả, Nhà nước cần phải xác định các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng, các doanh nghiệp này sẽ là người đặt hàng cho các tổ chức nghiên cứu. Nhà nước sẽ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu trên cơ sở đặt hàng của các doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ là người đánh giá kết quả nghiên cứu, lựa chọn các kết quả có triển vọng để áp dụng cho sản xuất. Doanh nghiệp cũng cần khảo sát và đề xuất yêu cầu nhập khẩu
các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ từ nước ngoài. Đồng thời, thông qua các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tiếp cận và nhập khẩu công nghệ mới, hiện đại.
Về phía doanh nghiệp, hiện nay các doanh nghiệp hiểu biết rất ít về thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình, không có được thông tin về yêu cầu của người tiêu dùng cuối cùng. Do vậy, trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được nhu cầu của thị trường tiêu thụ cuối cùng, nghiên cứu, chế biến các sản phẩm của mình gắn với nhu cầu của thị trường. Quá trình nâng cấp này không chỉ thực hiện ở từng doanh nghiệp đơn lẻ mà cần phải được tiến hành ở cấp độ ngành hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, ngành hàng cần phải lựa chọn đúng các khâu ưu tiên nhằm khai thác tốt lợi thế so sánh để phát triển nhanh và bền vững.