3.2. Thực trạng phát triển khu kinh tế ven biển Vân Đồn
3.2.1. Xây dựng quy hoạch và chính sách phát triển:
3.2.1.1. Về quy hoạch
Khu kinh tế ven biển Vân Đồn là một trong 16 KKT ven biển của cả nước và là động lực quan trọng về kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói
riêng, vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước nói chung. KKT Vân Đồn thuộc huyện Vân Đồn là trung tâm kinh tế miền Đông tỉnh Quảng Ninh và vùng đồng bằng sông Hồng.
Ngày 31/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 786/QĐ- TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển KT-XH khu kinh tế Vân Đồn. Theo đó, ngày 26/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 120/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động khu kinh tế Vân Đồn.
Ban đầu, khu kinh tế ven biển Vân Đồn được thành lập và thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý KCN và đầu tư nước ngoài tỉnh Quảng Ninh (sau này đổi tên thành Ban Quản lý các KKT tỉnh Quảng Ninh). Đến ngày 19/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1269/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn.
Liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh và vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 795/QD-TTg ngày 23/5/2013 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, trong đó xác định: "Vân Đồn là đô thị ven biển, nằm trong vành đai kinh tế năng động của quốc gia (Hạ Long - Vân Đồn - Hải Hà - Móng Cái)". Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã xác định phát triển các KKT trong đó: "Khu kinh tế Vân Đồn: Xây dựng phát triển trở thành khu kinh tế đặc biệt với bộ máy tổ chức hành chính phù hợp; là khu vực phát triển năng động, văn minh, hiện đại; là trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp cao cấp về tài chính, ngân hàng, viễn thông; là một cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo lợi thế đan xen lợi ích góp phần bảo đảm vững chắc về quốc
phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ".
Ngoài các cơ chế chính sách do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Quốc hội cũng đã ban hành một số Nghị quyết quan trọng về chính sách phát triển các khu kinh tế trong thời gian tới. Nghị quyết số 470/NQ-UBTVQH13 ngày 27/2/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các KKT, KKT cửa khẩu đã yêu cầu: "Chính phủ xem xét, lựa chọn một số KKT có tiềm năng và sức lan tỏa cho phát triển KT-XH vùng, cả nước có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng xã hội tạo thế mạnh cạnh tranh với các quốc gia láng giềng báo cáo Quốc hội để tập trung nguồn lực đầu tư". Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, trong đó đã bổ sung dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch KKT này, tỉnh Quang Ninh đã thuê tư vấn nước ngoài phản biện điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn và triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 các phân khu chức năng như: hệ thống đảo từ KKT đến huyện Hải Hà; khu đô thị Cái Rồng; khu cảng-đô thị phía Bắc đảo Cái Bầu, khu vực đảo Minh Châu - Quan Lạn và khu vực đảo Ngọc Vừng.
3.2.1.2. Về chính sách:
Trong quá trình phát triển khu kinh tế ven biển Vân Đồn, chính sách đối với khu kinh tế của Nhà nước cũng dần dần được hoàn thiện. Trước hết, hành lang pháp lý về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế được ban hành và hoàn thiện. Cụ thể là Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2008/NĐ- CP ngày 14/3/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
và Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, trong đó có quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền thành lập, mở rộng khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển các khu kinh tế được xây dựng và ban hành như Quyết định số 1353/QĐ-TTg ngày 23/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định: "Xây dựng các KKT ven biển miền Bắc, trước hết xây dựng KKT Vân Đồn, Quảng Ninh trở thành cửa mở hướng ra biển, phát triển theo hướng hội nhập kinh tế với khu vực Đông Bắc Á, trong hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc". Quyết định số 34/2009/QĐ-TTg ngày 02/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vành đại kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ đến năm 2020, trong đó có đề cập: "Tập trung phát triển nhanh một số KKT, KCN quan trọng, liên kết với các đô thị lớn tạo thành dải, vùng động lực, các khu vực trọng điểm mang tính đột phá dọc vành đai kinh tế: Phát triển KKT Vân Đồn (Quảng Ninh) với chức năng chính là khu du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm dịch vụ cao cấp và đầu mối giao thương quốc tế".
Như vậy, hệ thống cơ sở pháp lý (Luật, Nghị quyết, Nghị định), cơ chế chính sách (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) đã có đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến KKT ven biển Vân Đồn với các tên gọi khác nhau (ĐKKT, KKT đặc biệt, Khu HC-KT đặc biệt) nhưng bản chất phải có các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt đủ sức cạnh tranh quốc tế với bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Chính vì vậy, trên cơ sở quy hoạch được xây dựng, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất với Trung ương cho phép xây dựng Vân Đồn thành đặc khu hành chính-kinh tế để tiến hành thí điểm đổi mới, cải cách đồng bộ và toàn
diện cả về thể chế, cơ chế chính sách, bộ máy hành chính và quản lý điều hành nhằm góp phần trực tiếp, thiết thực hoàn thành sớm mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế quốc tế. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2428/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 cho phép tỉnh Quảng Ninh thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu kinh tế Vân Đồn, cụ thể:
- Bổ sung khu kinh tế ven biển Vân Đồn vào danh sách các nhóm khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015 theo văn bản số 1231/TTg-KTTH ngày 18 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
- Ngoài các ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành Khu kinh tế Vân Đồn được áp dụng các cơ chế, chính sách sau:
+ Ưu tiên huy động vốn ODA để đầu tư cho một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng trong Khu kinh tế Vân Đồn; được ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa không quá 50% vốn đối ứng cho một dự án ODA của trung ương đầu tư trên địa bàn nhưng địa phương cam kết bố trí vốn đối ứng.
+ Các dự án đầu tư hạ tầng: Sân bay Vân Đồn; hạ tầng công nghệ thông tin Vân Đồn; Bệnh viện quốc tế Vân Đồn; hạ tầng giao thông xuyên đảo được xem xét hỗ trợ một phần từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn ODA.
+ Được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện các dự án cảng du lịch, bến du thuyền thuộc nhiệm vụ của ngân sách địa phương đầu tư. Việc cho vay lại, quản lý và sử dụng nguồn vay lại, hoàn trả vốn vay thực hiện theo quy định hiện hành.
+ Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép UBND tỉnh Quảng Ninh được thành lập Công ty đầu tư tài chính nhà nước để huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng trên cơ sở mô hình Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh.
Có thể nói với những chính sách ưu đãi này, tỉnh Quảng Ninh đã có: - Cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, vượt trội, đủ sức cạnh tranh quốc tế để thu hút mạnh đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
- Có điều kiện phát triển kinh tế theo mô hình Đặc khu kinh tế mở, hướng ngoại nhằm thu hút nguồn vốn, công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến của nước ngoài để tạo bước phát triển đột phá đối với những lĩnh vực có tiềm năng lợi thế.
- Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi.
- Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, Luật về đặc khu kinh tế sẽ sớm được ban hành, kết cấu hạ tầng sẽ được quan tâm tập trung đầu tư đồng bộ hoàn thiện… thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững KKT Vân Đồn, góp phần vào thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh và cả nước.