- Giá trị gia tăng thấp do gia công xuất khẩu vẫn là phương thức chủ yếu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Phương thức này khiến cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không những không tạo được thương hiệu cho sản phẩm của mình mà còn làm giảm lợi nhuận chỉ bằng một nửa so với phương thức xuất khẩu trực tiếp, làm giảm hiệu quả xuất khẩu. Giá trị gia tăng trong nước rất thấp chỉ khoảng 10-15% giá trị xuất khẩu. Ví dụ một chiếc áo sơ mi cotton xuất khẩu sang Mỹ có trị giá 10-12USD, nhưng nhà sản xuất Việt Nam chỉ nhận được 0,6 – 1 USD/ chiếc.
Phương thức gia công xuất khẩu này còn làm giảm tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm và do đó Việt Nam có thể sẽ không được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Theo quy định của Mỹ, hàng nhập khẩu vào Mỹ phải có giá trị nội địa không thấp hơn 35% giá trị của sản phẩm đó thì sẽ được miễn thuế hoàn toàn hoặc ưu đãi mức thuế thấp hơn cho các hàng hóa của các nước đang phát triển (trừ một số ngoại lệ). Giá trị mới tăng thêm tạo ra trên các sản phẩm may mặc của Việt Nam chỉ gồm sức lao động của công nhân và hoạt động của bộ máy quản lý (chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản phẩm).
- Thiếu thông tin về thị trường và hệ thống phân phối, đó là do kết quả của ngành dệt may xuất khẩu Việt Nam trong một thời gian dài làm hàng gia công, quá phụ thuộc vào các nhà đặt hàng gia công nước ngoài về đơn hàng và nguồn cung cấp nguyên liệu. Mối liên hệ trực tiếp với khách hàng rất yếu dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thiếu hiểu biết về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa thị trường Mỹ lại là thị trường mới, môi trường kinh doanh phức tạp, những ràng buộc về điều kiện pháp lý khi thâm nhập thị trường lại rất chặt chẽ… thông tin thị trường cũng là một trở ngại lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt nam khi thâm nhập thị trường Mỹ. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, năng lực thu thập và xử lý thông tin còn yếu, vì vậy việc tiếp cận thăm dò, tìm kiếm thị trường của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và bất cập.
Thị phần của dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ hiện nay còn rất nhỏ bé (khoảng 3,2%) chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Các mặt hàng xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào hạn ngạch, chưa tận dụng hết khả năng khai thác thị trường và khai thác những mặt hàng không bị khống chế hạn ngạch.
- Nguyên phụ liệu trong nước chưa đạt yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. Tiêu chuẩn của Mỹ đối hàng may mặc rất cao và đòi hỏi những quy cách rất khắt khe về chất lượng. người Mỹ thích dùng các sản phẩm may mặc vải sợi bông và hàng dệt kim sợi cotton, kỹ thuật in trên vải cũng đòi hỏi trình
độ cao. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất khó khăn trong việc nắm bắt công nghệ in nhuộm tiên tiến, hiện đại để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ.
Đối với sản phẩm ngành dệt, thị trường Mỹ có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và kỹ thuật in nhuộm nhưng hầu như các doanh nghiệp dệt ở Việt Nam chưa thể đáp ứng được yêu cầu này. Mặt khác, với nguồn bông nguyên liệu trong nước có năng suất thấp và chất lượng không cao nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng vải dệt và đương nhiên cũng không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Trình độ sản xuất vải của Việt Nam còn thấp, hầu hết các doanh nghiệp may trong nước không mua hàng dệt trong nước vì giá không cạnh tranh và chất lượng không đảm bảo so với nguyên liệu tạm nhập tái xuất. Chẳng hạn như vải sợi không đều, độ bền mầu và khả năng chống nhàu còn hạn chế, khổ vải hẹp…
Mặc dù trong thời gian qua, Việt Nam đã đầu tư khá nhiều vào ngành dệt, song xu hướng đầu tư chủ yếu vào khâu kéo sợi và dệt, trong khi công đoạn in nhuộm và hoàn tất vốn liên quan rất nhiều đến chất lượng và giá thành sản phẩm thì lại chưa được đầu tư tương xứng. Vì vậy trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam cần phải có chiến lược đầu tư thích đáng trong việc phát triển nguyên phụ liệu, phục vụ cho ngành may xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phảm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
- Các sản phẩm dệt may Việt Nam, ngoại trừ các sản phẩm gia công xuất khẩu, chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng Mỹ về chất lượng sản phẩm, về thiết kế mẫu mã và đa dạng hóa sản phẩm. Khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm của Việt Nam còn yếu. Các doanh nghiệp vẫn hạn chế trong việc tìm kiếm lợi thế cạnh tranh như tạo ra các sản phẩm có tính thời trang, mẫu mã mới, tính tiện dụng … để tăng thêm giá trị gia tăng và mở rộng hơn nữa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Mặc dù hiện nay chúng ta có cả Viện mẫu
thời trang nhưng số lượng những họa sỹ thiết kế vẫn là một con số hết sức khiêm tốn, chỉ có hơn 10 họa sỹ và kỹ sư thiết kế. Thiết kế thời trang ở Việt Nam mới chỉ mang tính biểu diễn, chưa mang tính ứng dụng trong thực tiễn. Còn tại các doanh nghiệp đội ngũ này hầu như không đảm bảo nên cũng không thể hiện được thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế. Do vậy, đây cũng là một điều dễ hiểu: mẫu mã, kiểu dáng hàng dệt may của Việt Nam còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu phong phú của khách hàng trên thị trường.