Thị trường trái phiếu sơ cấp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển thị trường vốn việt nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế002 (Trang 45 - 49)

Thị trường trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương

Trái phiếu chính phủ là loại trái phiếu được phát hành nhằm mục tiêu nhất định của Nhà nước. Nghị định số 141/2003/NĐ-TTCP quy định “Trái phiếu Chính phủ là một loại chứng khoán nợ, do Chính phủ phát hành, có thời hạn, có mệnh giá, có lãi, xác nhận nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đối với người sở hữu trái phiếu”. Trái phiếu Chính phủ bao gồm tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình trung ương, trái phiếu đầu tư, trái phiếu ngoại tệ và công trái xây dựng Tổ quốc. Trong đó, tín phiếu kho bạc là đối tượng giao dịch trên thị trường tiền tệ. Trái phiếu Chính phủ được huy động để bù đắp thiếu hụt của ngân sách nhà nước, để xây dựng những công trình quan trọng quốc gia và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, đời sống, tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đất nước.

Trái phiếu Chính quyền địa phương cũng là một loại chứng khoán nợ, có thời hạn, có mệnh giá nhưng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát hành và xác nhận nghĩa vụ trả nợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với người sở hữu trái phiếu. Trái phiếu chính quyền địa phương được phát hành nhằm huy động vốn cho các dự án, công trình thuộc nguồn vốn đầu tư của ngân sách địa phương, đã ghi trong kế hoạch nhưng chưa được bố trí vốn ngân sách trong năm.

Trước năm 1990, nước ta phải bù đắp toàn bộ thiếu hụt ngân sách bằng viện trợ, vay nợ và phát hành. Từ năm 1991, Chính phủ đã thực hiện phát hành trái phiếu để huy động vốn cho ngân sách Nhà nước nhưng khối lượng nhỏ, kỳ hạn ngắn và chủ yếu được bán lẻ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước. Đến nay, kỳ hạn trái phiếu đã được nâng lên, tạo ra khả năng sử dụng vốn dài hơn cho đầu tư phát triển. Trừ tín phiếu kho bạc có thời hạn dưới 365 ngày, còn lại có kỳ hạn tương đối đa dạng (2,3,5,10 và 15 năm). Phương thức phát hành trái phiếu cũng đã được cải tiến. Từ năm 1995 đã thực hiện đấu thầu tín phiếu qua ngân hàng Nhà nước; từ năm 2000 đã tổ chức đấu thầu trái phiếu qua TTGDCK và bảo lãnh phát hành. Kênh phát hành trái phiếu chính phủ cũng được mở rộng hơn. Ngoài Kho bạc Nhà nước còn có một số chủ thể khác được Chính phủ ủy quyền như Quỹ hỗ trợ phát triển, UBND các tỉnh, thành phố và một số tổ chức tài chính khác. Trái phiếu chính phủ từ chỗ chủ yếu được sử dụng để bù đắp bội chi Ngân sách đã chuyển sang tập trung cho đầu tư phát triển.

Khối lượng vốn huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ tăng qua các năm. Trong thời kỳ 1996-2000, khối lượng huy động đạt khoảng 1,4% GDP. Tính đến hết năm 2003, tổng số vốn huy động qua kênh phát hành trái phiếu chính phủ đã đạt trên 50.000 tỷ đồng; trong đó, hệ thống kho bạc Nhà nước huy động trên 42.000 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ phát triển trên 8.000 tỷ đồng. Năm 2004, TTGDCK Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công 36 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ với tổng giá trị trúng thầu là 2.157 tỷ đồng (kho bạc Nhà nước 1.270,7 tỷ đồng; Quỹ hỗ trợ phát triển: 762 tỷ đồng). Năm 2005, TTGDCK Tp. HCM đã được tổ chức thành công 33 đợt đấu thầu TPCP với tổng giá trị trúng thầu là 2.310 tỷ đồng. Tính chung cho cả giai đoạn 2001-2005, tổng số vốn huy động từ trái phiếu chính phủ đạt gần 60.000 tỷ đồng.

Đối với trái phiếu quốc tế, năm 1994, ngay sau khi Trung Quốc phát hành trái phiếu lần đầu tiên ra thị trường thế giới, “Đề án phát hành trái phiếu

quốc tế” đã bắt đầu được xây dựng. Đến cuối năm 2005, trái phiếu Chính phủ Việt Nam đã được phát hành thành công trên thị trường quốc tế (750 triệu USD). Lãi suất danh nghĩa của trái phiếu phát hành là 6,875%/năm; trong đó các nhà đầu tư châu Á nắm giữ 38%, châu Âu 32% và Mỹ là 30%. Trong số các nhà đầu tư này, các quỹ đầu tư tài chính là đối tượng quan tâm nhiều nhất đến trái phiếu của Việt Nam (chiếm tới 52%), còn lại là ngân hàng (25%), các công ty bảo hiểm (17%) và các tổ chức tài chính khác (7%). Tuy chỉ tiến hành thí điểm với số lượng nhỏ, nhưng thành công của đợt phát hành trái phiếu lần đầu tiên ra thị trường vốn quốc tế cuối hứa hẹn tiềm năng to lớn của kênh huy động vốn mới.

Trong những năm qua, một số chính quyền địa phương cũng đã quan tâm đến phát hành trái phiếu để huy động vốn. Năm 2003, 2004, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phát hành hai loại trái phiếu đô thị với tổng giá trị phát hành lên đến 1.275 tỷ đồng. Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cũng có nhiều khởi sắc. Tính đến đầu năm 2006, đã có 3 tỉnh, thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng số tiền huy động trên 7.000 tỷ đồng, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu, nâng tổng số huy động trong 3 năm (2003-2005) lên gần 6.000 tỷ đồng, Hà Nội huy động trên 1.100 tỷ đồng trái phiếu Thủ đô và Đồng Nai huy động khoảng 243 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu công ty

Trái phiếu công ty là loại trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Khác với cổ phiếu của công ty cổ phần (công cụ vốn), trái phiếu công ty là một dạng chứng chỉ nhận nợ mà người đi vay là công ty, người cho vay là người nắm giữ trái phiếu. Trong trường hợp công ty giải thể, người sở hữu trái phiếu được quyền ưu tiên thanh toán vốn trước các cổ đông của công ty. Có 2 loại trái phiếu công ty là trái phiếu chuyển đổi (loại trái

phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của cùng một tổ chức phát hành theo các điều kiện đã được xác định trước) và trái phiếu không chuyển đổi (loại trái phiếu không có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu).

Thực hiện chủ trương khai thác tối đa mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế, Nhà nước đã cho phép mở rộng và đa dạng hóa các kênh huy động vốn trong nhân dân để đáp ứng nhu cầu phát triển TTV và phân bổ vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Từ năm 1994, một số DNNN có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành ngân hàng, ngành điện, …đã được Bộ Tài chính phê duyệt phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả huy động thấp và chưa thực sự trở thành kênh huy động vốn cho doanh nghiệp.

Cho đến nay, TTTP của nước ta chủ yếu vẫn là giao dịch trái phiếu chính phủ; có quá ít trái phiếu doanh nghiệp được phát hành và giao dịch trên thị trường. Một số công ty đã phát hành trái phiếu ra công chúng như công ty REE (trái phiếu chuyển đổi với tổng số 5 triệu USD, năm 1996), Công ty EIS (trái phiếu chuyển đổi với tổng số 10 tỷ đồng), Công ty Tài chính Quốc tế Việt Nam VILC (20 tỷ đồng). Gần đây, các tổng công ty lớn của nhà nước đã quan tâm hơn đến kênh huy động này bên cạnh các kênh huy động vốn truyền thống (Tổng công ty Dầu khí Việt Nam: 300 tỷ đồng, năm 2003). Tính đến hết tháng 11/2005, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Nhìn chung, các DNNN dù có nhu cầu lớn nhưng ít chú trọng đến phát hành trái phiếu để huy động vốn dài hạn; TTTP công ty còn chưa phát triển. Sở dĩ như vậy chủ yếu do TTTP còn chưa thực sự phổ thông, thủ tục tham gia còn nhiều phức tạp. Các doanh nghiệp còn nhiều kênh khác để huy động vốn như xin cấp vốn từ ngân sách Nhà nước, vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển, vay vốn của hệ thống ngân hàng…); vẫn còn nặng tâm lý dựa vào sự bao cấp của Nhà nước (các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các DNNN về vốn vay, khoanh nợ, xóa nợ, giãn nợ…)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển thị trường vốn việt nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế002 (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)