8. Cấu trúc luận văn
1.5. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học
1.5.1. Tầm quan trọng của việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học
Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý: Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học thể hiện qua các mục tiêu cụ thể:
- Mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ quản lý: Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học nhằm đảm bảo chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đủ về chất và lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp của người cán bộ quản lý trường tiểu học đáp ứng theo điều lệ và chuẩn hiệu trưởng đã quy định.
- Mục tiêu xã hội: Xây dựng môi trường sư phạm và các mối quan hệ nhà trường nhằm tác động tốt đến việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học trong giai đoạn hiện nay, góp phần vì mục tiêu nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
- Mục tiêu kinh tế: Phát huy có hiệu quả các nguồn lực của nhà trường, đồng thời huy động và sử dụng tốt nguồn lực xã hội hóa giáo dục góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục.
- Mục tiêu đổi mới công tác quản lý: làm cho công tác quản lý phát triển đội ngũ cán bộ quản lý đi vào nề nếp, khoa học và hiệu quả; làm cho công tác quản lý ở mỗi nhà trường tiểu học được đảm bảo đúng theo chủ trương, đường
lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, của địa phương và yêu cầu phát triển của nhà trường.
1.5.2. Nội dung phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học - Số lượng
Phát triển về quy mô (số lượng) đội ngũ CBQL trường tiểu học:
Theo Từ điển Tiếng Việt: Quy mô là “Độ rộng lớn về mặt tổ chức” được thể hiện bằng số lượng thành viên của đội ngũ.
Số lượng đội ngũ CBQL trường tiểu học là biểu thị về mặt định lượng của đội ngũ này, nó phản ánh quy mô của đội ngũ CBQL tương xứng với quy mô của cấp học, quy mô của hệ thống giáo dục quốc dân (xét riêng là quy mô giáo dục của từng địa phương, của từng trường học) và hiển nhiên là phải theo các văn bản hiện hành về việc quy định hạng trường và định biên CBQL tương ứng.
- Chất lượng
Phát triển về chất lượng đội ngũ CBQL trường tiểu học:
Chất lượng là “Cái tạo nên phẩm chất, giá trị của người, sự vật”.
Theo tác giả Lê Đức Phúc “Chất lượng là cái tạo nên phẩm chất, giá
trị của một người, một sự vật, sự việc. Đó là tổng thể những thuộc tính cơ bản khẳng định sự tồn tại của một sự vật và phân biệt nó với sự vật khác” (trong bài “chất lượng và hiệu quả giáo dục” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu giáo dục tháng 5/1997).
Đối với việc phát triển đội ngũ CBQL trường tiểu học thì nhân tố quan trọng nhất là phát triển chất lượng của đội ngũ đó. Chất lượng đội ngũ CBQL trường tiểu học có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục trong nhà trường. Chất lượng đội ngũ CBQL trường tiểu học được thể hiện ở một số đặc điểm sau:
- Phẩm chất của đội ngũ CBQL là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng của đội ngũ, tạo nên linh hồn và sức mạnh của đội ngũ. Trước hết là phẩm chất chính trị, CBQL luôn kiên định với đường lối, chủ trương giáo dục của Đảng và Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng trước những biến động phức tạp của đời sống, kinh tế, chính trị - xã hội. Và vì thế mới có thể quản lý, lãnh đạo nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục toàn diện, hoàn thành thắng lợi mục tiêu giáo dục của cấp học mình. - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Chính trị là linh hồn, chuyên môn là
cái xác, có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ là cái xác không hồn. Phải có chính trị rồi mới có chuyên môn... Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài, có tài mà không có đức là hỏng” [25, Tr.188].
- Phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của nhà giáo nói chung và đội ngũ CBQL nói riêng. Cùng với năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức được coi là nền tảng, là cái gốc mà tạo nên nhân cách của nhà giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Người cách
mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Nhà giáo nói chung và đội ngũ CBQL nói riêng
phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, phải "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công,
vô tư” để trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo, để giáo dục đạo đức và
xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ.
- CBQL trường tiểu học còn phải tỉ mỉ, đi sâu, đi sát, luôn gần gũi, thương yêu, tôn trọng trẻ, hiểu và đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của trẻ được vui chơi, học tập, sinh hoạt. Mỗi CBQL phải thực sự như người cha, người mẹ của chúng.
- Trình độ của đội ngũ CBQL là yếu tố phản ánh khả năng trí tuệ của đội ngũ này, là điều kiện cần thiết để cho họ quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy học trong nhà trường, khẳng định uy tín và vị trí những người đại diện, thủ lĩnh của đơn vị. Trình độ của đội ngũ CBQL được thể hiện ở trình độ được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, ở khả năng tiếp cận và cập nhật của đội ngũ này với những thành tựu mới của thế giới, những tri thức khoa học hiện đại, những đổi mới trong giáo dục và đào tạo để vận dụng trực tiếp vào hoạt động quản lý, giảng dạy và nghiên cứu... Mặt khác, trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, ngoại ngữ và tin học cũng là những công cụ rất quan trọng giúp người CBQL tiếp cận với tri thức khoa học tiên tiến của thế giới, tăng cường hợp tác và giao lưu quốc tế để nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
- Khác với CBQL ở các cấp học khác, CBQL trường tiểu học phải am hiểu sâu và dạy được các môn học bắt buộc ở đều các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5 (theo đặc thù giáo dục tiểu học) có như thế mới chỉ đạo một cách toàn diện yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, mới chứng tỏ được vai trò thủ lĩnh, hạt nhân của mình trong nhà trường.
+ Về năng lực lãnh đạo và quản lý
- Đội ngũ CBQL trường học, năng lực của họ được đề cập chủ yếu là năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đó là khả năng dự báo, có tầm nhìn chiến lược, quyết đoán, khả năng tập hợp lực lượng trong và ngoài nhà trường; là khả năng quản lý tất cả các hoạt động giáo dục trong nhà trường, từ hoạt động dạy học, công tác phối hợp, quản lý cơ sở vật chất, tài chính, xây dựng đội ngũ, xã hội hoá giáo dục, tổ chức, triển khai có hiệu quả, chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành, của đất nước, địa phương. Thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
- Trước đặc điểm tâm sinh lý của trẻ ở cấp tiểu học, các em rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước những tác động bên ngoài, vì thế, CBQL trường tiểu học phải đặc biệt chú ý đến các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, đối thoại với trẻ.
- Cơ cấu
Phát triển về cơ cấu đội ngũ CBQL trường tiểu học:
Theo Từ điển Tiếng Việt: "Cơ cấu là cách tổ chức các thành phần nhằm
thực hiện các chức năng của chỉnh thể” [37, Tr.214].
Như vậy, có thể hiểu cơ cấu đội ngũ CBQL là một thể thống nhất, hoàn chỉnh, bao gồm các thành phần sau:
- Về chuyên môn nghiệp vụ: Là trình độ đào tạo, năng lực giảng dạy, quản lý, lãnh đạo. Trong một trường học, căn cứ vào thực trạng, nhu cầu thực tiễn mà bố trí, bổ nhiệm, thuyên chuyển CBQL có khả năng xuất sắc về chuyên môn, khả năng thu phục quần chúng hay khả năng quản lý, tổ chức lãnh đạo cho phù hợp.
- Về độ tuổi: Đảm bảo sự cân đối giữa các thế hệ, các độ tuổi làm công tác quản lý trong nhà trường, tránh tình trạng “lão hoá” trong đội ngũ, tránh sự hẫng hụt về đội ngũ trẻ kế cận.
- Về giới tính: Đảm bảo tỷ lệ thích hợp giữa CBQL nam và CBQL nữ trong từng trường và trong tổng thể các trường học trên địa bàn, chú ý đến tỉ lệ nữ CB – GV – CNV trong cấp học để có tính toán phù hợp về cơ cấu này. Riêng cấp tiểu học chú ý tỷ lệ nam CBQL.
- Về phẩm chất tâm lý, khí chất và tính cách: Biết bố trí, sắp xếp bộ máy quản lý nhà trường sao cho khí chất, tính cách, các đặc điểm tâm lý cá nhân của từng CBQL trong nhà trường phải tạo được sự bổ sung, hỗ trợ cho nhau, phải phát huy tối đa điểm mạnh, hạn chế thấp nhất điểm yếu của mỗi CBQL và tạo được sự thống nhất cao của ê kíp lãnh đạo trong mỗi trường học.
- Về dân tộc: Trên địa bàn có nhiều dân tộc anh em, đặc biệt là những vùng miền núi, Tây nguyên, cần chú ý đến cơ cấu tỷ lệ thích hợp CBQL là người dân tộc thiểu số của địa phương.
- Về chính trị: Trình độ đào tạo lý luận chính trị, các phẩm chất chính trị. Tóm lại, phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục nói chung, CBQL trường tiểu học nói riêng có ý nghĩa thực tiễn, đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển giáo dục đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII) khẳng định: "Khâu then chốt để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục là phải đặc biệt chăm lo đào tạo bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cũng như đội ngũ CBQL cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ...”
Như vậy, phát triển đội ngũ CBQL trường tiểu học được thể hiện thông qua các yếu tố: Quy mô, cơ cấu, chất lượng (trình độ, phẩm chất, năng lực), Nội dung phát triển đội ngũ CBQL nói chung, CBQL ngành giáo dục nói riêng có thể biểu diễn qua sơ đồ:
Sơ đồ 1.2. Mô hình phát triển đội ngũ CBQL
Phát triển đội ngũ
CBQL Chất lượng
Sơ đồ trên cho thấy các yếu tố số lượng, chất lượng, cơ cấu đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Phát triển đội ngũ CBQL trường tiểu học phải tác động tới tất cả các yêu tố để các yếu tố đó phát triển nhưng phải đảm bảo sự liên hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ và đồng bộ.
1.5.3. Công tác quy hoạch, tuyển chọn đội ngũ
Quy hoạch đội ngũ CBQL là một trong những hoạt động quản lý của người quản lý và các cơ quan quản lý giúp cho người quản lý và cơ quan quản lý biết được số lượng, cơ cấu tuổi, trình độ cơ cấu chuyên môn, cơ cấu giới... của đội ngũ cán bộ quản lý từ đó có những biện pháp điều chỉnh cho phù hợp. Quan trọng hơn, việc quy hoạch làm cơ sở chủ yếu mang tính định hướng cho việc vận dụng và thực hiện các chức năng cơ bản của quản lý vào hoạt động quản lý trong các trường tiểu học nói riêng, trong ngành giáo dục nói chung.
Để hoàn thiện quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, cấp quản lý phải lập kế hoạch cho sự cân đối trong tương lai bằng cách so sánh số lượng CBQL cần thiết với số lượng CBQL hiện có, phân tích độ tuổi, trình độ, năng lực, khả năng làm việc, thời gian công tác của từng người trong đội ngũ, để ấn định số lượng cần thiết đưa vào quy hoạch. Mặt khác cấp quản lý còn phải căn cứ vào nhu cầu, quy hoạch mạng lưới trường lớp trong tương lai theo kế hoạch phát triển để tạo nguồn CBQL cũng như các nguồn lực khác. Quy hoạch với phương châm "động" và "mở": Một chức danh có thể quy hoạch nhiều người, một người có thể quy hoạch nhiều chức danh. Quy hoạch thường gắn kết với các khâu: Nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sắp xếp, sử dụng, bãi miễn. Quy hoạch luôn được xem xét, đánh giá, bổ sung, điều chỉnh hàng năm, có thể đưa ra khỏi quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi quy hoạch, bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới, có triển vọng. Quy hoạch cán bộ phải mang tính khoa học, thực tiễn, vừa tạo được nguồn lực, vừa tạo được động lực thúc đẩy sự phấn đấu vươn lên của cán bộ.
Tuyển chọn: Trong quản lý nguồn nhân lực tuyển chọn bao gồm hai bước đó là tuyển mộ và lựa chọn. Tuyển mộ là quá trình thu hút những người có khả năng từ nhiều nguồn khác nhau đến đăng ký, nộp đơn tham gia làm việc. Tuyển mộ cũng có nghĩa là tập trung các ứng cử viên lại. Chọn lựa là quyết định xem trong các ứng cử viên ấy ai là người đủ các tiêu chuẩn để đảm đương được công việc, các ứng cử viên này là người trong quy hoạch.
1.5.4. Bố trí, sử dụng và luân chuyển đội ngũ
Bố trí, sử dụng bao gồm: Triển khai việc thực hiện các chức năng quản lý của đội ngũ, thực hiện bồi dưỡng, phát triển năng lực quản lý, phẩm chất chính trị; kiểm tra, đánh giá sàng lọc, thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, bãi miễn.
Bổ nhiệm: theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là cử vào một chức vụ cao hơn hiện tại trong cơ quan, tổ chức. Ví dụ được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường tiểu học.
Bổ nhiệm lại: Theo quy định về thời hạn bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng theo nhiệm kỳ là 5 năm, hết nhiệm kỳ cấp quản lý căn cứ vào quy định thực hiện quy trình bổ nhiệm lại cho các chức danh.
Luân chuyển: Là sự chuyển đổi vị trí, địa điểm công tác, có thể vẫn giữ chức vụ đó nhưng sang đơn vị khác làm việc, cũng có thể thôi giữ chức vụ hiện tại chuyển sang đơn vị mới giữ chức vụ khác. Theo quy định Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng ở một đơn vị, trường học không quá 2 nhiệm kỳ, như vậy sau 2 nhiệm kỳ buộc tổ chức phải thực hiện luân chuyển. Cũng có khi người CBQL khả năng phát triển đi lên, hoặc giữ trọng trách ở đơn vị đó không phát huy được vai trò của mình thì cấp quản lý phải xem xét thực hiện luân chuyển.
Bãi miễn: Là cho thôi, cho nghỉ một chức vụ, một trọng trách gì đó, đây là động từ thường dùng chỉ các hoạt động quản lý khi cho thôi việc hiện tại
đang làm. Những CBQL qua quá trình làm việc bị mắc khuyết điểm, kỷ luật hoặc cấp trên đánh giá không đủ năng lực giữ trọng trách được giao, không đủ uy tín lãnh đạo, quản lý trước tập thể cấp dưới thì bị bãi miễn.
Việc lựa chọn và sử dụng CBQL có đạo đức, có năng lực đáp ứng nhiệm vụ được giao vừa là một yêu cầu, vừa là nguyên tắc sử dụng cán bộ của Đảng và Nhà nước ta. Bố trí, sử dụng cán bộ phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng quy định, kịp thời để giáo dục luôn luôn phát triển.
1.5.5. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ
Đào tạo là quá trình hoạt động có mục đích, có tổ chức nhằm hình thành và phát triển hệ thống các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, thái độ để hoàn thành nhân cách cá nhân, tạo tiền đề cho họ hành nghề một cách có hiệu quả.