Diễn văn lễ hội rước bằng chứng nhận di tích đền

Một phần của tài liệu Tiểu sử Đền vại năm 2022_030359 (Trang 102 - 111)

8. Phụ lục

8.3 Diễn văn lễ hội rước bằng chứng nhận di tích đền

DI TÍCH ĐỀN VẠI VÀ LỄ TẾ

Kính thưa quý ông, quý bà.

Thưa quý vị đại biểu

Thưa toàn thể bà con.

Hôm nay, chúng ta về đây để tổ chức lại lễ giổ Đức Bà và đón nhận Bằng Chứng nhận xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá Đền Vại. Đây là thành công mới trên lĩnh vực văn hoá; đánh dấu cho một nỗ lực mới của toàn Đảng, toàn dân trong quá trình xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới, khơi dậy lòng hướng về cội nguồn, tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu thiên nhiên và yêu con người; cố kết tình làng nghĩa xóm trong mái ấm Ân Phú được bao quanh núi Mồng Gà và sông Ngàn Sâu.

Râm ran trong tiếng trống khai hội nơi Đền xưa, mỗi người Ân Phú, ai cũng có lòng tự hào với mảnh đất thân thương đã có một dấu ấn văn hoá xa xưa – một tự hào quê hương đã nhiều bậc anh tài, nơi địa linh nhân kiệt. Ân Phú đã tô thêm một địa chỉ văn hoá, một di tích lịch sử hào hùng của bản đồ Hà Tĩnh.

Thưa quý bà con, thưa quý vị.

Ân Phú, theo nghĩa chữ Hán là giàu có, thịnh vượng. Núi Mồng Gà, sông Ngàn Sâu có tên chữ Hán: Kê Quan, Thâm Giang là biểu tượng của Ân Phú, gắn bó lâu đời kể từ khi khai dân lập ấp, đầu thế kỷ 15. Ân Phú còn có các tên khác là Kẻ Boòng, Trại Đầu, Đồng Công, Đức Ân. Trải qua các thời kỳ thuộc huyện Hương Sơn và huyện Đức Thọ; năm 2000 thuộc huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Tên Ân Phú có từ đầu đời Tự Đức. Từ xa xưa, Ân Phú có các làng: Trại Đầu, Làng Boòng, Làng Đông, Làng Đoài, Làng Bổn. Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập cho đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX còn Thượng Đình, Trung Đình, Hạ Đình, Tân Boòng, Tân Miệu và ngày nay gọi các thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4, thôn 5. Làng Trại Đầu nay thuộc xã Sơn Long, một phần Làng Bổn thuộc xã Đức Giang. Nhân dân Ân Phú thường thờ thần núi, thần sông và người có công với nước, với dân.

Do đặc điểm lịch sử, cuối thập kỷ 40 của thế kỷ trước, các sắc phong và tượng Bà đã đưa sang chùa Am hợp tự. Trong cõi vô cùng của thế giới tâm linh, nhân dân Ân Phú luôn luôn hướng về Bà – Người Mẹ hằng che chở cho dân làng; tại Đền này, nhân dân nhiều thế hệ đã luôn tưởng niệm, hương khói và nhiều người muốn rước Bà về, nhưng chưa thực hiện được vì nhiều lý

do, trong đó có lý do phần đền thờ và miếu Bà trước đây bị tàn phế chưa được khôi phục.

Theo nguyện vọng của nhân dân, sau một năm khôi phục, Đền Nhà Bà đã được khang trang, chúng ta hân hoan đón các Sắc phong về lại với quê hương Ân Phú – nơi cha ông đã thờ phụng Bà hàng nhiều thế kỷ trước. Trong hương khói lung linh mờ ảo của ngày hôm nay, ẩn hiện trong mỗi người dân của quê hương về tình cảm, ước mơ, nỗi nhớ của nhân dân Ân Phú với Bà, toàn dân xin bày tỏ sự ngưỡng mộ sự anh linh của Mẹ. xin Mẹ trở về với sự chờ đợi của chúng con.

Thưa quý vị đại biểu, thưa quý bà con.

Đức Bà Lê Triều Hoàng Hậu Ngô thị Quận quân huý danh là Ngô Thị Ngọc Điệp con thứ 14 của Dụ Vương công Ngô Từ, là một công thần của Lê Thái Tổ Lê Lợi. Em gái của bà là Đức Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao, mẫu thân của Vua Lê Thánh Tông. Phu quân của bà là Binh bộ thượng thư, Tuấn Vũ hầu Lê Ngọc Xán, tước Vương. Bà về đây khai dân lập ấp vào những thập niên giữa thế kỷ 15, tức là cách đây gần 600 năm, sau khi nhà Lê dành độc lập từ nhà Minh và trong triều vua Lê Thánh Tông và các Vua Lê thịnh trị trong nửa cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, của xã hội Việt Nam.

Trải dài hơn nửa Thiên niên kỷ, nhân dân Ân Phú có Bà che chở, Bà là người mẹ tinh thần của chúng ta. Đức Bà đã ban ân phúc cho nhân dân Ân Phú. Tại mảnh đất thân thương, nơi sơn thủy hữu tình đã thờ phụng Bà qua nhiều triều đại khác nhau, được các triều đại ghi công. Trong triều Nguyễn, nhân dân Ân Phú đã nhận được 7 sắc phong của các Vua Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định.

Thưa quý vị đại biểu, thưa quý bà con

Điểm lại lịch sử quê nhà, chúng ta không thể không nhắc đến và tôn thờ những thế hệ tiên phong đi mở đất, đấng thần linh che chở và những vị tiền bối làm rạng rở cho quê nhà trải dài trong gần 600 năm lịch sử.

Trước hết, nói về các vị tôn thần, các đấng linh thiêng gồm các chư vị: Đức Kê Quan Sơn Đại Vương, Đức Huy Ánh Thùy Khánh Đại Vương, Đức Kim Quy Sơn Tiền Trần Trạng Nguyên, Đức Song Đồng Ngọc Nữ, Đức Sơn Tinh Công Chúa, Đức Thổ Sơn Hùng Trấn, Đức Cao Sơn Sơn Thần, Đức Thiên Trụ Đế Tích, Đức Trạng Nguyên Kim Tử Vinh Lộc, Đức Quốc Tử Giám Giám Sinh Lê Tiên Sinh. Ghi nhớ công ơn che chở của các chư vị, nhân dân đã tổ chức lập các nơi thờ là: Đền Bại Giang, Đền Bản Thổ, Đền Tư Văn, Đền Xóm Bún, Đền Bản Giác, Đền Rú Nét, Đền Miệu, Đền Quan Trạng, Điện Cơn Dênh,

Yên Bãi Trung, Yên Bãi Bòng, Đình Làng Đoài, Đình Làng Boòng vv…; trải qua hưng phế của thời gian, nhiều đền không còn nữa. Ngày nay, chúng ta chưa có đều kiện tái lập lại, chính quyền xã xin phép được hợp tự để vọng thờ các chư vị tại Đền Vại và Điện Cơn Dênh. Để tôn kính một nhân vật lịch sử thời hiện đại, nhà ái quốc, nhà thơ tầm thế giới- Bộ trưởng Cù Huy Cận - người được Nhà nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng huân chương Sao vàng, sau khi quá cố, ngoài việc lập đài tưởng niệm, chúng ta tôn thờ Ngài như các vị tôn thần.

Theo truyền thống tôn kính người hiền, xã nhà đã luôn tưởng nhớ đến các vị tiên hiền và thờ các vị trong những lần tế thánh, đó là 19 chư vị: Trần Trạng Nguyên Kim Quy sơn, Sử Tướng công Quang Lộc, Trần Trạng Nguyên Kim Tử Vinh Lộc, Trần Trạng nguyên Gia Phúc, Trần Tiến sĩ Trung Trinh, Trần Tiến sĩ Hàn Lâm Cô Tán, Binh Bộ Thượng Thư Cù Ngọc Xán, Quốc Tử giám giám sinh Nguyễn Xuân Vi, Quốc tử giám giám sinh Trần Uy Đức, Anh Đô phủ đồng Tri phủ Xuân Sơn Tử Cù Văn Nghiễm, An Bình phủ tri phủ Trần Khắc Nhượng, Bản phủ hiệu hiệu sinh Trần Công Cái, Ngọc Sơn huyện thừa Trần Văn Hành, Quỳnh Lưu huyện thừa Cù Thân Vạn, Bản phủ hiệu sinh Nguyễn Sĩ Lan, Bản phủ hiệu sinh Nguyễn Sĩ Ưu, Bản phủ hiệu sinh Nguyễn Sĩ Kiệm, Bản phủ hiệu sinh Trần Văn Sách, Bản phủ hiệu sinh Trần Xuân Hòa.

Theo truyền thống đạo hiếu, xã nhà luôn tưởng nhớ đến các thầy thuốc, nhà nho trong xã, họ có công trong việc dạy chữ và chữa

bệnh cho dân cũng được tôn thờ và cung thỉnh ở những lần tế thánh, gồm 14 vị: Cù Đức Nhậm, Trần Túc, Trần Văn Cán, Nguyễn Luận, Nguyễn Quang Hiển, Trần Cạnh, Đậu Huy, Nguyễn Đức Tích, Đặng Thân Quỳnh, Cù Bá Kỳ, Nguyễn Đình Thể, Phan Đình Thức, Trần Đình Lễ, Cù Đình Kinh.

Thưa quý vị,

Từ một ngôi đền đã hình thành và xây dựng khá lâu nhưng đã bị tàn phế. Trong năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ta đã nỗ lực xây dựng lại. Công khôi phục thuộc của toàn dân, có sự hợp lực của các nhà nghiên cứu, nhà tài trợ, trong đó có công đóng góp của 2 người con quê hương, đó là Tiến Sĩ Cù Huy Chử và Cử nhân Nguyễn Thế Phiệt, hai ông đã dày công trong việc sưu tầm cũng như thời gian, tiền, của để cùng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân chúng ta xây dựng; sự đóng góp vật chất để xây đền còn có công của Luật Sư Cù Huy Song Hà, ông đã tài trợ một khoản tiền để xây dựng khôi phục phần hạ điện.

Công lao cho việc giữ các tài liệu di tích của Đền còn có vai trò đóng góp nhiều tổ chức, cá nhân; trong đó công to lớn của Ban quản lý chùa Am, UBND xã Đức Hoà, và đặc biệt, 2 người công dân quá cố: ông Nguyễn Huy Gia đã giữ lại cho nhân dân Ân

Phú tài liệu quý giá về truyền thống thờ tự và danh sách các vị tôn thần, các danh nhân Ân Phú qua các triều đại; ông Trần Dượng đã dày công trong bảo vệ, duy tu Miếu Bà.

Sự thành công của công trình tôn tạo và chứng minh cho Đền Vại là di tích lịch sử văn hoá được UBND tỉnh Hà Tĩnh còn có công hướng dẫn, phản biện của các nhà khoa học Thái Kim Đỉnh và Nguyễn Trí Sơn.

Thưa quý vị, thưa bà con

Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm qua xã nhà đã có nhiều công trình mới phục vụ đời sống nhân dân như: lưới điện, đường bê tông, trường học, trạm xá… đã thực sự sở hữu toàn dân. Những công trình mới đang thi công như đập kè bờ sông Bến Vụng, đường liên thôn, liên xã và những mùa thu hoạch bội thu về nông nghiệp; một rừng cây nhân tạo đang trải dài trên những sườn núi Ân Phú đó là biểu tượng của sự phát triển hưng thịnh của xã nhà. Trong sự phồn vinh và phát triển này, chắc chắn là có sự che chở của Đức Bà và các đấng Tôn thần.

Kính trọng Bà, nay điện thờ đã được khôi phục. Nhân dân Ân Phú hoan hỷ đón rước Bà, đón rước các sắc phong, đón nhận Bằng Di tích lịch sử Văn hoá trên quê hương trong niềm vui lẫn ngậm ngùi trong hoàn cảnh hưng phế, từ nay nhân dân toàn xã một lòng thờ phụng Mẹ, thờ phụng các vị tôn thần, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Kính trọng Bà, từ nay nhân dân tăng niềm phấn khởi, Đảng bộ chính quyền có thêm niềm tin để một lòng phục vụ xây dựng cho xã nhà ngày một đi lên trên con đường phát triển của đất nước.

Kính trọng Bà, chúng ta cần tăng cường đoàn kết với các địa phương trong huyện, các huyện, xã lân cận để cùng nhau vun đắp xây dựng quê nhà, xung quanh núi Mồng Gà, sông Ngàn Sâu - non xanh nước biếc.

Kính trọng Bà, Đảng bộ và nhân dân Ân Phú quyết tâm tôn tạo khu Đền Vại ngày một khang trang hơn, biến nơi đây từ hoang vu trở thành một khu du lịch sinh thái, tâm linh, hương khói tứ mùa; phấn đấu nâng Đền Vại trở thành một khu di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia trong một ngày gần nhất.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền xin cảm ơn về lòng ngưỡng mộ của nhân dân đối với Lê Triều Hoàng hậu.

Cảm ơn các vị khách quý đã dành thời gian quý giá về cùng nhân dân Ân Phú đón nhận Bằng chứng nhận Di tích lịch sử, tiếp nhận Sắc phong trở lại và dâng hương cúng Bà, cầu nguyện cho quê hương Ân Phú phát triển.

Một phần của tài liệu Tiểu sử Đền vại năm 2022_030359 (Trang 102 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)