2.4.3.1. Những nguyên nhân khách quan
Một là, VAMC khó có thể huy động vốn ủy thác từ bên ngoài do tính pháp lý của nguồn vốn ủy thác mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường. Mua bán nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo Điều 7 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 thì “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và Chính phủ quy định chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là các nhà đầu tư mà VAMC nhận ủy thác có cần phải có chức năng mua bán nợ không? Điều này cũng chưa được quy định cụ thể, sẽ khó cho VAMC và các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện.
Hai là, hiện tại VAMC khó có thể thu hút nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế và trong nước vì: (i) Chính phủ chưa quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh ngành nghề mua bán nợ theo qui định của Luật Đầu tư, do vậy, các chủ thể muốn tham gia thị trường mua bán nợ sẽ gặp khó khăn vì chưa có hành lang pháp lý rõ ràng;
(ii) các Tổ chức tài chính quốc tế và trong nước không mặn mà trong việc hợp tác với VAMC vì thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam chưa phát triển.
Ba là, các con số nợ xấu khác nhau và có sự chênh lệch giữa các TCTD và cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Hiện nay, NHNN đang dựa trên hai nguồn số liệu khác nhau để giám sát tình hình nợ xấu của các TCTD, bao gồm số liệu do các TCTD báo cáo và số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Xét về tính khách quan và mức độ tin cậy, cơ quan giám sát ngân hàng có nhiều nguồn thông tin khác nhau để đánh giá chất lượng nợ xấu của TCTD (thông tin chung về toàn hệ thống, thông tin về khách hàng vay, thông tin từ hoạt động thanh tra tại chỗ…) nên có độ tin cậy cao hơn, do đó VAMC sẽ gặp khó khăn trong công tác lập kế hoạch mua bán nợ xấu khi tiếp nhận thông tin nợ xấu từ các TCTD có ý định bán nợ xấu cho VAMC.
Bốn là, do quan hệ sở hữu chéo và những lợi ích kinh tế gắn kết giữa ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan đến các chủ sở hữu, nên có thể xuất hiện trường hợp các TCTD không muốn chuyển giao nhóm đối tượng khách hàng đặc biệt này cho VAMC.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của các ngân hàng thương mại cổ phần đã đi kèm với việc hình thành cấu trúc sở hữu chéo, và điều đó làm cho mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại cổ phần với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều ngân hàng có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác. Hệ thống ngân hàng đã hình thành một mạng lưới sở hữu chéo và cho vay theo quan hệ rất phức tạp, nhằm mục đích thâu tóm ngân hàng, thu xếp vốn cho những dự án đầu tư chưa minh bạch. Theo đó, rất nhiều công ty lớn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế Nhà nước và các tập đoàn cổ phần, dù không thuộc lĩnh vực tài chính nhưng hiện đang đầu tư dài hạn với vai trò nhà sáng lập, nhà đầu tư chiến lược trong các NHTM. Chưa kể, các ngân hàng cũng sở hữu cổ phần lẫn nhau, cổ đông tại các NHTM là các công ty quản lý quỹ đầu tư vốn vào những ngân hàng khác có tiềm năng. Hiện không ít tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tư nhân cũng đang đầu tư, sở hữu chéo khi họ có trong tay khá nhiều ngân hàng. Ngoài ra, trong giai đoạn bùng nổ các NHTM cổ phần và quỹ đầu tư tài
chính, rất nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã tham gia góp vốn hình thành các tổ chức tín dụng này. Có thể thấy, bản thân các tập đoàn DNNN, tư nhân đã bỏ vốn vào ngân hàng, nhưng chính các ngân hàng cũng đang đầu tư chéo, sở hữu lẫn nhau. Điều đó làm cho hệ thống ngân hàng Việt Nam như một “mạng nhện” với những mảng đầu tư chồng chéo, sở hữu lẫn nhau. Bởi vậy, sở hữu chéo ngân hàng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ra tình trạng nợ xấu hiện nay. Bên cạnh đó, một rủi ro khá lớn khác được sinh ra từ sở hữu chéo là nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, thông qua sự chi phối ở các khoản vay, ở nhiều ngân hàng có 70 - 90% dư nợ là để phục vụ cho nhóm cổ đông đó, từ đó sẽ nảy sinh sự độc quyền nhóm và thâu tóm hệ thống ngân hàng. Điều này có thể gây xáo trộn trên thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế, làm gia tăng tình trạng nợ xấu, đồng thời gây rủi ro cho thị trường tài chính, tác động đến sự bất ổn kinh tế vĩ mô.
Đối với các TCTD cổ phần nhà nước, việc bán nợ cho VAMC cũng đồng nghĩa với việc để lộ ra những khoản vay không hiệu quả. Do đó, các TCTD có thể dùng kỹ thuật tài chính để đẩy tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%. Đây là những rào cản lớn nhất làm chậm quá trình lập kế hoạch mua bán nợ xấu của VAMC cũng như các tổ chức mua bán nợ khác vì thông tin nợ xấu không chính xác khiến cho việc lập chiến lược và thực hiện quy trình giải quyết dứt điểm nợ xấu trở nên khó khăn.
2.4.3.2. Những nguyên nhân chủ quan
Một là, vốn điều lệ của VAMC thấp, các quỹ không đáng kể. Hiện vốn điều lệ của VAMC là 2.000 tỷ đồng, trong khi VAMC phải sử dụng cho nhiều hoạt động khác như: đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được VAMC thu nợ; đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần...Rõ ràng, mức vốn điều lệ này là quá nhỏ so với nhu cầu.
VAMC được sử dụng các quỹ trích lập theo quy định của pháp luật để mua nợ xấu theo giá thị trường; tuy nhiên, vì nguyên tắc hoạt động của VAMC là “Lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận”, nên nguồn vốn từ các quỹ của VAMC không đáng kể.
Hai là, VAMC quản lý khối lượng khoản nợ, tài sản quá lớn so với nguồn lực hiện có dẫn đến VAMC chưa nắm bắt được đầy đủ thực trạng khoản nợ, TSĐB, chưa
đề xuất được phương án xử lý phù hợp, hiệu quả đối với từng khoản nợ. Do tiến độ khẩn trương khi mua nợ bằng TPĐB trong thời gian qua, VAMC phải mua nhanh với số lượng lớn, nên VAMC không đủ thời gian, và nguồn lực nhân sự để thực hiện đánh giá khoản nợ/TSĐB ngay tại thời điểm mua nợ, không thực hiện xác thực thông tin TCTD cung cấp. VAMC chưa có chuyên gia trong lĩnh vực thẩm định khoản nợ, đánh giá hoạt động doanh nghiệp, TSĐB, phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp ...
Ba là, công tác tổ chức, nhân sự còn nhiều bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức thực hiện công việc của VAMC. VAMC phải triển khai tất cả các nghiệp vụ quy định tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải giỏi về nghiệp vụ, vững về kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trên thực tế, việc tuyển chọn cán bộ có năng lực rất khó khăn, chưa nói đến VAMC hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên khó thu hút người tài vào làm việc cho VAMC.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong chương 2, luận văn đã phân tích thực trạng quản lý mua bán nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản VAMC giai đoạn 2013-2019. Tác giả đã nêu khái quát về quá trình ra đời, lịch sử phát triển, tổ chức bộ máy và nguyên tắc hoạt động của VAMC. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã đánh giá được một số kết quả về quản lý mua bán nợ xấu tại VAMC gồm kết quả về mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, kết quả mua nợ xấu theo giá trị thị trường, kết quả thu hồi nợ của VAMC giai đoạn 2013- 2019. Để đạt được một số kết quả đáng kể nhất định trong thời gian qua, tác giả đã phân tích thực trạng trong quản lý mua bán nợ xấu tại VAMC gồm lập kế hoạch cho mua bán nợ xấu, tổ chức thực hiện mua nợ xấu, quy trình thực hiện mua nợ xấu tại VAMC và công tác kiểm soát thực hiện mua bán nợ xấu tại VAMC.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được vẫn còn những điểm tồn tại nhất định trong quản lý mua bán nợ xấu tại VAMC và tác giả cũng đánh giá nguyên nhân của những tồn tại đó.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ MUA BÁN NỢ XẤU TẠI VAMC TRONG THỜI GIAN TỚI