Đối với doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng dệt may trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU và những kiến nghị đối với Việt Nam. (Trang 76 - 80)

3.3.1.1. Thay đổi phương thức sản xuất

Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu và chủ yếu may gia công - đó là thách thức lớn nhất đối với ngành dệt may khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Theo giới chuyên gia trong ngành, chỉ khi dệt may có thể chủ động được nguyên liệu và thoát “kiếp” làm thuê (gia công) thì ngành dệt may của Việt Nam mới có thể vững vàng

bước chân vào sân chơi toàn cầu hóa. Ngành dệt may là ngành đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam khi là ngành xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.(sau điện thoại các loại và linh kiện). Tuy nhiên, phần lớn các DN ngành này mới chỉ tham gia vào khâu sản xuất mang lại giá trị gia tăng thấp (hay còn gọi là gia công)

Doanh nghiệp cần chuyển dần từ sản xuất gia công CMT sang các hình thức sản xuất có hàm lượng giá trị giá tăng cao hơn, giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh, giành thế chủ động cao hơn trong sản xuất, kinh doanh như gia công từng phần (OEM), mua nguyên liệu -sản xuất - bán thành phẩm (FOB) hoặc thiết kế - sản xuất - cung cấp sản phẩm và dịch vụ liên quan (ODM), tiến tới sản xuất sản phẩm với thương hiệu riêng (OBM). Đạt mục tiêu từ nay đến 2030 tăng tỉ lệ FOB từ 38% lên khoảng 50% và ODM từ 5% đến 10%.

Điểm thắt nút của thực trạng các doanh nghiệp vẫn chọn hình thức gia công, đó là vấn đề tài chính. Doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính để mua nguyên phụ liệu đầu vào hoặc khả năng lao động ngành còn hạn chế. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến ngành công nghiệp phụ trợ dệt may chưa phát triển, do nhu cầu đến từ các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Vì vậy, trong tương lai, các doanh nghiệp cần chủ động và linh hoạt tìm nguồn vốn vay để sớm chuyển phương thức sản xuất từ gia công (CMT) sang FOB.

3.3.1.2. Đào tạo nhân lực dệt may chất lượng cao

Đa phần các doanh nghiệp May Việt Nam ở quy mô nhò và vừa, việc xác định chiến lược đầu tư vào nguồn nhân lực cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo để đảm bảo phù hợp với yêu cầu hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp. Các mã ngành đào tạo về công nghệ may, thiết kế thời trang các bậc từ cao đẳng đến sau đại học cần được chú trọng tăng cường tại các trường, cơ sở đào tạo bởi đây là khâu giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm dệt may. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may cũng cần chủ động phối hợp với các trường mở các lớp tập huấn ngay tại các doanh nghiệp về văn hóa, thái độ,kỹ năng làm việc thực tiễn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may có thể đặt hàng các cơ sở đào tạo thông qua các chương trình

học bổng bán phần, toàn phần,..tùy vào yêu cầu, mục đích sử dụng nhân sự của doanh nghiệp và quy mô, chất lượng cơ sở đào tạo.

Xây dựng mô hình doanh nghiệp May loại vừa trong các cơ sở đào tạo nhân lực dệt may. Rõ ràng với đặc thù của ngành kỹ thuật May thì việc thực hành thường xuyên không chỉ giúp doanh nghiệp, nhà trường nâng cao chất lượng nhân lực đào tạo mà còn hỗ trợ cho các bạn sinh viên có thêm nguồn thu nhập để trang trải trong quá trình học tập. Trường Đại học công nghiệp Dệt May Hà Nội tại Gia Lâm, Hà Nội đã ứng dụng mô hình nay với một doanh nghiệp May khoảng 500 lao động và đạt được những kết quả khả quan thời gian qua. Học sinh, sinh viên được nâng cao tay nghề, kiến thức nghiệp vụ, rèn luyện kĩ năng bởi các sản phẩm thực tập làm ra là nguồn để doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực tế ngoài thị trường.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Dệt May thông qua Chương trình hợp tác với chuyên gia, tổ chức quốc tế giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Meti Nhật Bản, với Bộ Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cũng như các chương trình hợp tác giữa VITAS –Viện Công nghiệp Kỹ thuật Hàn Quốc - KITECH, Liên đoàn Dệt may Hàn Quốc KOFOTI ;Liên đoàn Dệt May Đài Loan (TTF), Hiệp hội Dệt May Italia ACIMIT,..

3.3.1.3. Tự chủ nguồn cung nguyên liệu và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước

Vấn đề lớn của các doanh nghiệp dệt may hiện nay là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, rất ít doanh nghiệp chủ động được nguồn cung nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ nội khối để được hưởng ưu đãi thuế. Để hưởng ưu đãi, EU sẽ áp dụng quy định về nguồn gốc hàng hóa, theo đó, buộc dùng vải sản xuất ở EU, Việt Nam hay Hàn Quốc (EU có thỏa thuận thương mại với nước này). EU giải thích điều này để bảo đảm sản phẩm các nước mà EU không có thỏa thuận sẽ không thể được hưởng ưu đãi vào EU. Thực tế phần lớn doanh nghiệp trong ngành dệt may chỉ thực hiện công đoạn may gia công mà không tham gia vào các công đoạn dệt, nhuộm vải hay thiết kế sản phẩm.

Chính vì vậy, muốn đảm bảo nguyên tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi từ EVFTA, trước mắt các doanh nghiệp dệt may cần chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu trong khối EU hoặc Hàn Quốc để đảm bảo tỷ lệ nguyên liệu nội khối.

Về dài hạn, các doanh nghiệp Việt cần đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu phụ trợ như vải, bông, chỉ may... Nhằm nắm bắt tốt hơn nữa cơ hội mà EVFTA mang lại, một trong những mục tiêu mà ngành dệt may hướng đến là thúc đẩy xây dựng liên kết chuỗi sản xuất khép kín từ thượng nguồn (dệt, nhuộm) đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm dệt may Việt Nam. Ngắn hạn, Việt Nam nhập khẩu vải từ Hàn Quốc hay Nhật Bản sẽ tận dụng quy tắc cộng gộp nhưng lợi nhuận sản phẩm sẽ giảm đáng kể do chi phí vận chuyển ngày càng tăng cao. Với tầm nhìn 5-10 năm tới, để phát triển bền vững hơn, doanh nghiệp Việt Nam được khuyến nghị dùng những nguyên phụ liệu nội địa. Ngoài ra, khó khăn từ việc thiếu chủ động nguyên liệu cũng tạo động lực cho các DN chú trọng đầu tư vào ngành dệt.

3.3.1.4. Thúc đẩy liên kết kinh doanh trong ngành Dệt may

Để liên kết DN dệt may, cần xây dựng đội ngũ doanh nhân có trình độ và năng lực vững vàng để tạo nên cộng đồng DN lớn mạnh, có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia tích cực vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. DN chính là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quyết định trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cần chú trọng vào các hoạt động liên kết để phát huy sức mạnh của cộng đồng DN Việt Nam bằng cách tổ chức nhiều chương trình diễn đàn, hội thảo... để chia sẻ kinh nghiệm cũng như vận động và hỗ trợ các DN chung tay, khai thác thế mạnh của nhau, cùng tạo nên những sản phẩm chất lượng và uy tín để xây dựng thương hiệu ngành hàng lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường nội địa và đủ sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Tuy nhiên, dù thu hút nguồn lực FDI là điều cần thiết nhưng Việt Nam cần tính toán để tận dụng lợi thế trong hấp thụ nguồn đầu tư, tránh tình trạng chỉ hợp tác đơn thuần giữa bên bán và mua mà không có sự chia sẻ, chuyển giao công nghệ sản xuất. Cần chọn lọc những DN đầu tư với công nghệ cao,

vào những phân khúc mà chuỗi cung ứng Việt Nam đang thiếu. Hiện nay, trong chuỗi cung ứng dệt may, Việt Nam còn thiếu khâu sợi, dệt nhuộm và vải nguyên liệu.

DN dệt may trong nước cần có những bước chuyển đổi kịp thời, đưa ra các giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường. Bên cạnh đó, DN dệt may cần làm việc chặt chẽ với khách hàng cũng như DN nguyên phụ liệu trong nước, liên kết chuỗi để cùng tận dụng cơ hội cũng như vượt qua khó khăn thách thức mà biến động thị trường có thể xảy ra. Hơn nữa, hiện nay trong bối cảnh cả thế giới dịch chuyển, thay đổi phương thức sản xuất - kinh doanh để thích hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó, ngành Dệt may Việt Nam phải đổi mới và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một phần của tài liệu Quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng dệt may trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU và những kiến nghị đối với Việt Nam. (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w