1.2.3.1. Phương pháp vận dụng kỹ thuật quản lý rủi ro
Quản lý rủi ro là dành ưu tiên mọi nguồn lực vào quản lý những rủi ro có thể gây ra tổn thất lớn nhất và những rủi ro có nhiều khả năng xảy ra nhất, tiếp đến là quản lý những rủi ro có tổn thất thấp hơn và ít có khả năng xảy ra hơn.
Quản lý rủi ro trong kiểm tra thuế thực chất là việc phân loại, đánh giá người nộp thuế dựa trên hệ thống những tiêu thức rủi ro về thuế nhằm xác định những người nộp thuế có mức độ tuân thủ thấp và khả năng gian lận cao về thuế để tập trung nguồn lực kiểm tra theo nguyên tắc ưu tiên nguồn lực để kiểm tra những người nộp thuế có thể mang lại tổn thất lớn nhất và những sai phạm có nhiều khả năng xảy ra nhất.
Vận dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong kiểm tra thuế phải tuân theo những nguyên tắc nhất định và phải theo một quy trình cụ thể. Quy trình được xây dựng trong công tác quản lý rủi ro có 7 bước. Bao gồm:
Bước 1: Xác định hoàn cảnh có thể xảy ra rủi ro;
Bước 2: Nhận diện rủi ro, bao gồm bản thân rủi ro và nguyên nhân của rủi ro; Bước 3: Đánh giá rủi ro;
Bước 4: Xử lý rủi ro tiềm ẩn (Loại bỏ rủi ro, Giảm thiểu rủi ro, Chia sẻ rủi ro, Chấp nhận rủi ro);
Bước 5: Xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro, nhằm đối phó hoặc kiểm soát phù hợp để xử lý từng rủi ro;
Bước 6: Thực hiện kế hoạch quản lý rủi ro; Bước 7: Rà soát, đánh giá kế hoạch quản lý rủi ro.
1.2.3.2. Phương pháp đối chiếu, so sánh
Phương pháp đối chiếu, so sánh là phương pháp nghiệp vụ được sử dụng chủ yếu trong suốt quá trình tiến hành một cuộc kiểm tra thuế.
Cán bộ kiểm tra thuế tiến hành so sánh, đối chiếu các nội dung cần kiểm tra để xác định tính hợp lý, khách quan, trung thực của nội dung cuộc kiểm tra: đối chiếu tài liệu, số liệu của đơn vị được kiểm tra với các đơn vị khác; đối chiếu giữa báo cáo kế toán với sổ kế toán, giữa sổ tổng hợp với chi tiết, giữa số liệu và chứng từ, giữa số liệu báo cáo và thực tế, giữa nội dung tài liệu, báo cáo sổ sách, chứng từ với chuẩn mực kế toán…
1.2.3.3. Phương pháp kiểm tra đi từ tổng hợp đến chi tiết
Phương pháp này gọi là phương pháp kiểm tra ngược chiều, khi kiểm tra từ tổng hợp đến chi tiết chứ không phải từ chi tiết tới tổng hợp như trình tự hạch toán kế toán. Phương pháp này giúp cán bộ phát hiện những mâu thuẩn, những bất thường để thực hiện kiểm tra đúng trọng tâm.
Kiểm tra số liệu tổng hợp được tiến hành với các số liệu đã được tổng hợp theo nội dung kinh tế, phản ánh trên các báo cáo tổng hợp (Bảng tổng kết tài sản, báo cáo
kết quả kinh doanh…), rút ra nhận xét tổng quát và vấn đề cần đi sâu kiểm tra.
Kiểm tra số liệu chi tiết là kiểm tra số liệu của từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh, thể hiện trên chứng từ gốc hoặc bảng kê chi tiết.
1.2.3.4. Các phương pháp sử dụng để kiểm tra chứng từ gốc
Kiểm tra chứng từ gốc gồm: Kiểm tra chứng từ theo trình tự thời gian phát sinh; Kiểm tra theo loại hình nghiệp vụ: chứng từ thu, chi tiền mặt; chứng từ nhập, xuất vật tư… Kiểm tra điển hình: là lựa chọn ngẫu nhiên một số chứng từ của một loại nghiệp vụ nào đó để kiểm tra, xem xét và rút ra kết luận chung.
1.2.3.5. Các phương pháp kiểm tra bổ trợ
Kiểm tra bổ trợ gồm có các phương pháp: Quan sát; Phỏng vấn; Thẩm tra và xác nhận từng phần; Phương pháp toán học như số học, toán kinh tế…