Tỷ giá USD/VND có tác động rất lớn đến nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Nhưng trong ngắn hạn, việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta ở một số khía cạnh nhập khẩu. Do đó, chúng ta sẽ tập trung xem xét diễn biến của cặp tỷ giá này trong thời gian qua.
-Năm 2017
Trong năm 2017, tỷ giá USD/VND khá ổn định. Tính đến tháng 12/2017, tỷ giá trung tâm ước tăng khoảng 1,5-1,7% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá ngân hàng thương mại giảm khoảng 0,2%, tỷ giá thị trường tự do giảm khoảng 1,5 % so với đầu năm.
Tỷ giá VND/USD năm 2017 có diễn biến khá ổn định khi gần như chỉ đi ngang trong 2 quý cuối năm. Theo lý giải của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, có 3 nguyên nhân khiến tỷ giá tương đối ổn định:
•Thứ nhất, đồng USD mất giá trên thị trường quốc tế (chỉ số USD Index giảm 9,1% so với đầu năm) bất chấp FED tăng lãi suất nhiều lần do tác động của chính sách chống thâm hụt thương mại của tổng thống Trump.
•Thứ hai, chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn còn ở mức lớn (khoảng 6-7%), nghiêng về việc nắm giữ VND. Huy động ngoại tệ tăng thấp, ước tăng 4% so với cuối năm 2016, trong khi ngân hàng Nhà nước mua được khoảng 7 tỷ USD từ hệ thống ngân hàng. Do vậy, có thể một lượng lớn ngoại tệ đã được tổ chức kinh tế và cá nhân bán và chuyển sang VND.
•Thứ ba, cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư nhờ: Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 23; Cán cân vốn và tài chính năm 2017 ước thặng dư ở mức khá cao (dự báo ở mức 4,03% GDP); FDI tăng khá, dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng tăng trưởng mạnh (dự báo cuối năm 2017 ở mức 12 tỷ USD, cao hơn mức 11,6 tỷ USD của năm 2016); và khoản mục lỗi và sai sót
giảm.
Bên cạnh đó, niềm tin vào VND và sự ổn định vĩ mô ngày càng được nâng cao (chỉ số CDS giảm khoảng 37% so với đầu năm), giúp cho khoản mục Lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán tổng thể giảm đáng kể.
Thống kê cũng cho thấy, cán cân thanh toán tổng thể ước thặng dư 3,4% GDP. Nhờ đó, NHNN đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết đến cuối tháng 12/2017, tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước đã xấp xỉ 52 tỷ USD. Trong đó, riêng năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua khoảng 13 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối.
-Năm 2018
Trong năm 2018 có những đợt tỷ giá USD/VNĐ biến động mạnh mẽ, khiến giao dịch mua bán tại các ngân hàng cũng như ngoài thị trường tự do tăng mạnh với chênh lệch giá mua và bán. Cụ thể, có 4 đợt là vào đầu tháng 4 đến đầu tháng 5, đầu đến cuối tháng 6, giai đoạn giữa tháng 7 đến gần cuối tháng 9 và giai đoạn từ giữa tháng 11 đến nay.
Diễn biến tỷ giá VND/USD năm 2018 có thể được chia thành 3 giai đoạn cụ thể sau:
•Giai đoạn 1 (Tháng 01/2018 - 05/2018): Tiếp nối thành công trong năm 2017, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì trạng thái ổn định cho đến thời điểm cuối tháng 5/2018.
•Giai đoạn 2 (Tháng 6/2018 – 8/2018): Tỷ giá VND/USD liên tục nằm trong xu hướng tăng mạnh trên cả thị trường chính thức và thị trường tự do. Đặc biệt, ngày 29/7/2018, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do vượt trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước và đạt đỉnh tới 23.650 VND/1 USD vào ngày
17/8/2018.
•Giai đoạn 3 (Tháng 9/2018-12/12/2018): Tỷ giá VND/USD ổn định xoay quanh mức cân bằng mới khoảng 23.400 VND/1USD.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá trong nước tăng là: Chỉ số USD tăng khoảng 5% so với đầu năm, tăng 9% so với mức đáy hồi tháng 2/2018. Về yếu tố trong nước, tỷ giá vẫn chịu áp lực từ lạm phát, song lại được hỗ trợ tích cực từ cân đối cung - cầu ngoại tệ.
Hình 2.5. Diễn biến tỷ giá USD trong năm 2018
Tính đến ngày 31/12, tỷ giá trung tâm được duy trì ở mức cao kỷ lục 22.825 đồng. Như vậy, so với phiên giao dịch đầu tiên của năm 2018 (2/1/2018), tỷ giá trung tâm đã tăng tới 410 đồng. Khi tỷ giá trung tâm tăng kỷ lục giá USD tại các ngân hàng cũng tăng mạnh khoảng 480-500 đồng/USD. Đây có thể coi là diễn biến đáng quan tâm trên thị trường tài chính nói chung và thị trường ngoại hối Việt Nam nói riêng. Diễn biến này bắt nguồn từ một số nguyên nhân chính, trong đó có cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực, từ trong nước cũng như trên thị trường quốc tế, cụ thể:
•Về cán cân thương mại của Việt Nam: 2018 là một năm thành công của Việt Nam đối với hoạt động xuất nhập khẩu, khi tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Kết quả này góp phần giúp
cán cân thương mại tích lũy thặng dư khoảng 7,2 tỷ USD trong năm 2018, từ đó tạo lượng cung ngoại hối lớn cho thị trường. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ có thể thấy, cán cân thương mại Việt Nam đã rơi vào tình trạng nhập siêu trong các tháng 5, 7, 8/2018 – khá tương ứng với các tháng có biến động mạnh về tỷ giá trên thị trường ngoại hối tự do. Điều này hàm ý, mặc dù cán cân tích lũy thặng dư nhưng áp lực tỷ giá vẫn có thể xảy ra khi có thông tin các tháng riêng lẻ bị thâm hụt. Đồng thời, phản ánh thị trường ngoại hối Việt Nam khá nhạy cảm với các thông tin thị trường, do các yếu tố tâm lý và một phần do bất cân xứng cung cầu ngoại tệ tạm thời.
•Về đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài: Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ tháng 1/2018 đến ngày 20/12/2018 Việt Nam đã thu hút 3.046 dự án đầu tư trực tiếp cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 17.976,2 triệu USD, tăng 17,6% về số dự án và giảm 15,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, năm 2018 có 1.169 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 7.596,7 triệu USD. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2018 đạt 25.572,9 triệu USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Đây là nguồn cung ngoại tệ đáng kể hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại hối Việt Nam.
•Về lạm phát: Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017. Như vậy, về cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra về kiềm chế lạm phát, tuy nhiên, trong năm 2018, tại một số thời điểm, lạm phát đã tăng cao hơn so với kỳ vọng, đã tạo áp lực tới tỷ giá trên thị trường. Cụ thể, lạm phát tháng 6/2018 tăng 0,61% mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây – khá trùng khớp với thời điểm có những
biến động mạnh trên thị trường ngoại hối. Diễn biến này có thể được lý giải theo thuyết ngang giá sức mua cũng như tâm lý của các thành viên trên thị trường khi lạm phát tăng, làm giảm lòng tin của công chúng đối với giá trị nội tệ.
•Về lãi suất liên ngân hàng: Một yếu tố khác ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá, đó là lãi suất liên ngân hàng được duy trì khá thấp trên thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu có xu hướng giảm mạnh trên tất cả các kỳ hạn và duy trì dao động trong khoảng từ 1 - 2% từ tháng 2 cho đến trung tuần tháng 7/2018. Diễn biến này khiến cho các tài sản ghi bằng nội tệ không còn đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, chính vì vậy, các nhà đầu tư có tổ chức (chủ yếu là các NHTM) có xu hướng nắm giữ ngoại tệ thay vì nội tệ, đẩy tỷ giá tăng.
Từ những phân tích trên có thể thấy về tổng thể các yếu tố căn bản nền tảng liên quan đến cung cầu trên thị trường ngoại hối trong năm 2018 là khá tốt, hỗ trợ tích cực cho sự ổn định của thị trường.
-Năm 2019
Việt Nam đã có một năm 2019 tương đối thành công về mặt kinh tế, khi duy trì được tăng trưởng bền vững trong bối cảnh suy giảm thương mại toàn cầu và các rủi ro vĩ mô nảy sinh và gia tăng trong suốt năm.
•Về FDI, chúng ta đã thấy dòng vốn chuyển hướng qua Việt Nam, củng cố vị thế ngành sản xuất. Vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt 17,6 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
•Về điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã chủ động sử dụng một loạt các công cụ thị trường tiền tệ như hạ lãi suất điều hành, hạ lãi suất thông qua
kênh tín phiếu/thị trường mở, hạ tỷ giá mua vào song song với việc điều chỉnh tăng dần tỷ giá trung tâm phù hợp với diễn biến thị trường.
•Tiền Đồng tiếp tục nằm trong nhóm những đồng tiền ổn định nhất khu vực bất chấp những bất ổn địa chính trị và các sự kiện kinh tế trong và ngoài nước.
Cặp tỷ giá USD/VND gần như duy trì đà ổn định xuyên suốt trong hầu hết các tháng của 2019, thậm chí VND tăng giá so với đồng bạc xanh khi NHNN chủ động hạ giá mua vào ngày cuối tháng 11, cụ thể là tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng trong năm chỉ dao động trong biên độ tương đối hẹp và dao động quanh tỷ giá mua vào của NHNN ở mức 23.200, sau đó là 23.175 khi NHNN hạ giá mua USD. Từ đó NHNN cũng mua được lượng lớn ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Kết thúc năm 2019, NHNN đã tăng tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) thêm 330 đồng, lên mức 23,155 đồng/USD, tương đương tăng 1.4% so với hồi đầu năm 2019.
Từ đầu năm, NHNN đã giảm tỷ giá trung tâm 81 lần, những lần giảm tỷ giá này chỉ dao động khoảng từ 1 đến 15 đồng. Riêng ngày gần cuối tháng 1 trước khi chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán (28/01/2019), NHNN đã giảm tỷ giá trung tâm từ 22,880 đồng xuống còn 22,858 đồng, tương đương giảm 22 đồng so với phiên trước đó, đây được xem là mức giảm cao nhất trong năm 2019.
Sau đợt giảm mạnh, tỷ giá trung tâm bất ngờ bật tăng mạnh 47 đồng vào ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, những phiên còn lại, mức tăng tỷ giá trung tâm chỉ dao động từ 1 đến 20 đồng.
Trong năm 2019, tỷ giá trung tâm USD/VND đã có 3 lần lập đỉnh mới. Lần đầu tiên, khi tỷ giá trung tâm USD/VND vượt qua mốc 22,998 đồng, lên mức 23,004 đồng từ cuối tháng 4. Sau đó, tỷ giá trung tâm biến động nhưng vẫn trong kênh tăng, và đạt mốc mới thứ hai tại 23,115 đồng vào đầu tháng 8. Mốc cuối cùng được lập trong năm 2019 chạm mức 23,169 đồng vào cuối tháng 12, tăng 344 đồng, tương đương tăng 1.5% so với đầu năm 2019.
Nhìn vào diễn biến thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ, tình hình thương mại và đầu tư quốc tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua, có thể thấy việc tăng tỷ giá trung tâm của NHNN là một bước đi cần thiết để góp phần ổn định vĩ mô.