đạo Phật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay
2.4.1. Những kết quả đạt được
Quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Phật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã luôn quán triệt chính sách tôn trọng tự do TNTG của nhân dân trên cơ sở pháp luật, đoàn kết các tôn giáo, vận động chức sắc, tín đồ phật tử tham gia phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần tích cực xây dựng quê hương, đất nước. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, công tác QLNN đối với hoạt động của đạo Phật đạt được những kết quả tích cực, cụ thể.
Một là, Hệ thống chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về tôn giáo nói chung và đạo Phật nói riêng đã được chính quyền tỉnh cụ thể hóa tương đối đầy đủ, hướng dẫn kịp thời làm căn cứ cho việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan QLNN về tôn giáo và làm hành lang pháp lý cho các chức sắc, tín đồ của đạo Phật hoạt động. Những năm qua, UBND các cấp của tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận, Công an tăng cường QLNN đối với hoạt động của đạo Phật trên địa bàn, thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Hai là, Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật và công tác thuyết phục, vận động chức sắc, tín đồ phật tử đã được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện có hiệu quả làm nền tảng cho việc chấp hành đúng chủ trương, chính sách, pháp luật về TNTG của các chức sắc tín đồ. Ban Dân vân, UBMTTQ và các đoàn thể đã tăng cường vận động chức sắc, tín đồ phật tử tham gia các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các hoạt động ở địa phương, tích cực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chính quyền địa phương phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, huyện vận động, thuyết phục cư sĩ phật tử chấp hành đúng pháp luật, giải quyết linh hoạt trong từng vụ việc cụ thể và không để đối tượng xấu lợi dụng hoạt động của đạo Phật, để hoạt động mê tín, kích động tín đồ phật tử chống lại chính quyền.
Ba là, Tổ chức bộ máy QLNN về tôn giáo, trong đó có đạo Phật của tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được kiện toàn, thống nhất, đảm bảo được tính hệ thống. Đội ngũ cán bộ, công chức QLNN về tôn giáo ngày càng được củng cố, kiện toàn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm QLNN về tôn giáo ngày càng được nâng cao, hiểu biết về đạo Phật ngày càng được sâu.
Bốn là, Quản lý nhà nước đối với các hoạt động của đạo Phật, của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ Phật tử ngày càng đổi mới, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các chức sắc, tín đồ của đạo Phật thực hiện quyền tự do TNTG của mình. Chính quyền các cấp của tỉnh đã tạo mọi điều kiện cho đạo Phật thực hiện các nghi lễ tôn giáo đúng chính pháp của đạo Phật và theo đúng quy định của pháp luật. Quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trong việc bổ nhiệm, thuyên chuyển, xây sửa cơ sở thờ tự.
Năm là, Việc quản lý đất đai, cơ sở thờ tự, quản lý việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng đối với các công trình kiến trúc của đạo Phật trên địa bàn tỉnh cũng được các cấp chính quyền ưu tiên quan tâm giải quyết và đạt được kết quả nhất định.
Sáu là, Hoạt động phối hợp giữa Chính quyền địa phương với Ban Trị sự GHPGVN các cấp ngày càng được mở rộng, thông qua các hoạt động đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, hóa giải được một số bất đồng, đặc biệt là một số việc liên quan đến hoạt động đạo trái phép, bổ nhiệm, thuyên chuyển công tác, những vấn đề liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự của đạo Phật đang dần được giải quyết.
Bảy là, Hoạt động từ thiện, nhân đạo của đạo Phật cũng được chính quyền tỉnh quan tâm, tạo điều kiện.Thông qua những chủ trương chính sách cởi mở của tỉnh, các chức sắc, tín đồ phật tử của đạo Phật đã có nhiều hoạt động từ thiện đa dạng, phong phú khác nhau như nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi, khám chữa bệnh miễn phí, thăm hỏi tặng quà cho các những người khó khăn trên địa bàn tỉnh đã tạo được hình ảnh tốt đẹp với chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Tám là, Công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với hoạt động của đạo Phật của các cơ quan chức năng nhà nước ngày càng có hiệu quả, thông
qua hoạt động này, UBND các cấp và Ban Tôn giáo tỉnh đã có những biện pháp xử lý kịp thời, những vấn đề nổi cộm, những sự việc sai phạm trong QLNN đối với hoạt động của đạo Phật trên địa bàn tỉnh.
Chín là, Hoạt động quan hệ quốc tế của đạo Phật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra thường xuyên, qua hoạt động này giúp cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam, về chính sách tự do tôn giáo.
2.4.2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, QLNN đối với hoạt động của đạo Phật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn có những hạn chế, bất cập như sau:
Một là, Công tác nắm tình hình và tham mưu, đề xuất của cấp cơ sở, các phòng chuyên môn thuộc các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện còn thiếu chủ động, chưa sâu sát, có nơi chưa bám sát các quy định của pháp luật về tôn giáo, nhiều vụ việc của đạo Phật có lúc còn để kéo dài, gây bức xúc cho chức sắc, tín đồ và nhân dân địa phương.
Hai là, Tổ chức bộ máy QLNN và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh còn bất cập, cán bộ làm công tác tôn giáo chưa đáp ứng được yêu cầu. Tiến độ giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực tôn giáo còn chậm. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc xử lý vấn đề phát sinh tôn giáo còn thiếu đồng bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác tôn giáo còn nhiều hạn chế, giảm dần theo từng cấp, xuống đến cơ sở năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Ba là, Các cơ quan chức năng quản lý về đất đai, xây dựng chưa thực sự quan tâm đến việc hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng của các tổ chức, cá nhân đạo Phật, có những vụ việc có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng cơ quan thực hiện chậm tiến độ dẫn đến gây bức xúc cho chức sắc, tín đồ phật tử và nhân dân địa phương. Việc cấp Giấy chứng
nhận sử dụng đất tôn giáo ở một số nơi chưa kịp thời, chưa đúng với quy định của pháp luật.
Bốn là, Công tác triển khai, tổ chức thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa chủ động, linh hoạt, còn lúng túng khi triển khai vào thực tiễn QLNN đối với hoạt động của các tôn giáo trong đó có đạo Phật. Chính quyền cấp cơ sở vẫn còn xem nhẹ, chưa xác định được đây là nhiệm vụ lâu dài, chưa nhận thức đầy đủ về tính nhạy cảm, phức tạp. Có nơi còn máy móc, có tâm lý ngại tiếp xúc với các chức sắc tôn giáo, trong khi có nơi còn buông lỏng, thả nổi tạo cơ hội cho chức sắc tạo việc đã rồi, gây phức tạp cho công tác quản lý và xử lý.
Năm là, Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến đạo Phật mặc dù được tiến hành thường xuyên, nhưng vẫn còn một số hạn chế, để sảy ra tình trạng sai phạm nhất là liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự của đạo Phật, các hoạt động liên quan đến truyền đạo, sinh hoạt đạo, quản lý các hoạt động liên quan đến văn hóa, giáo dục, y tế và từ thiện nhân đạo của đạo Phật. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn để tồn đọng, kéo dài.
Sáu là, Quản lý các quan hệ quốc tế có liên quan đến đạo Phật vẫn còn có hạn chế nhất định, tập trung vào việc quản lý hoạt động của chức sắc, tín đồ người nước ngoài đến truyền đạo trên địa bàn tỉnh.
Bảy là, Các chức sắc, chức việc, nhà tu hành của đạo Phật, chưa tiếp cận kịp thời thủ tục hành chính lĩnh vực tôn giáo do đó còn có tổ chức, cá nhân thực hiện chưa đúng quy định về pháp luật.
Tám là, Còn có mâu thuẫn trong nội bộ tổ chức đạo Phật, Giáo hội chưa tích cực giải quyết dứt điểm vướng mắc trong sinh hoạt, hoạt động tôn giáo tại một số cơ sở thờ tự như chùa Tây Thiên (Tam Đảo), chùa Quang Linh (Bình Xuyên) còn có chức sắc của đạo Phật có hành vi chưa đúng với đạo hạnh, đạo đức nhà tu hành suy giảm.
2.4.3. Nguyên nhân
Qua điều tra, phân tích và nghiên cứu thực tiễn, có một số nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong QLNN đối với hoạt động của đạo Phật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tập trung vào những nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan ban ngành chức năng và một bộ phận cán bộ đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo trong tình hình hiện nay, nên thiếu quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Hai là, Một số quy định của pháp luật về tôn giáo nói chung và đạo Phật nói riêng còn chưa đồng bộ và kịp thời, gây lúng túng cho địa phương trong quá trình thực hiện như vấn đề giải quyết đất đai tôn giáo, hoạt động xã hội, nhân đạo của tôn giáo, chế tài xử lý các vị phạm tôn giáo,…
Ba là, Tổ chức bộ máy QLNN về tôn giáo chưa có sự thống nhất, nhất là cơ sở có nơi giao cho cơ quan văn hóa, có nơi giao cho cơ quan văn phòng; Cán bộ, công chức vừa thiếu vừa yếu, chưa được chuyên môn hóa và chính sách đãi ngộ chưa hợp lý.
Bốn là, Công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến tôn giáo nói chung và đạo Phật nói riêng chưa thường xuyên, chưa sâu rộng tới tầng lớp nhân dân, nhất là tín đồ và chức sắc tôn giáo.
Năm là, Các điều kiện để đảm bảo cho công tác QLNN về tôn giáo còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc của cơ quan QLNN về tôn giáo còn thiếu, kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền chính sách pháp luật tôn giáo còn thấp. Đời sống của tín đồ đạo Phật còn gặp nhiều khó khăn.
Sáu là, Công tác thanh tra, kiểm tra thực tế vẫn còn lúng túng trong xử lý do chưa có đầy đủ chế tài, việc xử lý không dứt điểm các khiếu kiện tôn giáo, tạo ra dư luận nhiều chiều và hiệu ứng không tốt với hoạt động của cơ quan QLNN về tôn giáo.
Tiểu kết chương 2
Đạo Phật được du nhập vào Vĩnh Phúc từ rất sớm, trải qua quá trình thăng trầm của lịch sử, đạo Phật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn đồng hành phát triển và luôn thực hiện tốt chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Nội dung chương 2 của luận văn đề cập đến hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có hoạt động của đạo Phật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; thực trạng về quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Phật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc qua phân tích các nội dung như xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản chính sách pháp luật của nhà nước, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác quản lý tôn giáo, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và vận động chức sắc tín đồ đạo Phật, công tác quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng, trùng tu, sửa chữa các công trình kiến trúc tôn giáo, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm, công tác quan hệ quốc tế của đạo Phật trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đưa ra đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Phật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Trên cơ sở đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Phật trên địa bàn tỉnh, đây cũng là cơ sở nền tảng vững chắc góp phần thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và nhà nước ta, hướng các hoạt động tôn giáo trong đó có đạo Phật vào khuân khổ quy định của pháp luật, ngày càng tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển mạnh. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tác giả đưa ra các giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Phật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
CHƯƠNG 3. QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠO PHẬT
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC