Vai trò của tín dụng cá nhân

Một phần của tài liệu 26A-TCNH-04.VUONG THIEN VU (Trang 28 - 30)

2.1.2.1 Vai trò của tín dụng cá nhân đối với ngân hàng

Gia tăng độ nhận diện thương hiệu cho ngân hàng

Do đặc điểm của tín dụng khách hàng cá nhân thường phát triển theo số lượng để bù đắp cho giá trị khoản vay nhỏ và chi phí cao nên đối tượng khách hàng rất lớn, điều này góp phần gia tăng độ nhận diện thương hiệu cũng như giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng được phổ biến rộng rãi và nhanh chóng. Ngoài những lợi ích kể trên, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ giúp ngân hàng gia tăng giá trị tăng thêm thông qua việc bán chéo các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ truyền thống như: tiết kiệm tiền gửi, tài khoản thanh toán, chuyển lương, thẻ tín dụng, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, sản phẩm bảo hiểm… Thông qua việc đưa ra nhiều gói giải pháp và dịch vụ tài chính cá nhân nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu giao dịch cũng như những ưu việt và nét khác biệt trong các sản phẩm dịch vụ sẽ tạo nên những dấu ấn và bản sắc riêng cho chính ngân hàng sẽ gia tăng năng lực cạnh tranh, qua đó nâng cao hình ảnh thương hiệu.

Phân tán rủi ro cho ngân hàng

Do đặc thù cho vay doanh nghiệp thông thường giá trị khoản vay sẽ gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với cá nhân, nếu như ngân hàng chỉ tập trung dồn những khoản vay lớn cho một vài khách hàng doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp đầu ngành hay nói cách khác là bỏ “tất cả trứng vào một rổ”, trong trường hợp các đối tượng này gặp vấn đề trong hoạt động kinh doanh thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ rất lớn cho ngân hàng, Ngược lại đối với tín dụng cá nhân, số tiền này có thể được phân tán ra cho hàng trăm khách hàng cá nhân nhỏ lẻ, rủi ro sẽ được phân tán trong khi hiệu quả về lãi lại cao hơn.

Đặc điểm chung của hoạt động tín dụng cá nhân của các ngân hàng thương mại là thường có số lượng khách hàng lớn, nên mặc dù số tiền vay của từng cá nhân không lớn, nhưng tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng cá nhân là một số đáng kể. Nguồn khách hàng này có tính an toàn cao hơn, do rủi ro được phân tán cho rất nhiều khách hàng cá nhân, biên lợi nhuận cao từ chính khoản vay hoặc các khoản phí tăng thêm như phí cam kết rút vốn, phí duy trì tài khoản, phí thanh toán trước hạn… , đảm bảo thu nhập cho ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng trong hệ thống ngày càng gay gắt.

2.1.2.2 Vai trò của tín dụng cá nhân đối với khách hàng cá nhân

Về cơ bản, cuộc sống của mỗi cá nhân luôn tồn tại song song những nhu cầu về vật chất và tinh thần, xã hội ngày một phát triển cao hơn thì những mong muốn đó cũng trở nên ngày càng phong phú hơn, ban đầu chỉ cần thoả mãn “ăn no mặc ấm” rồi đến “ăn ngon mặc đẹp”, từ chỉ cần những dịch vụ thiết yếu cơ bản để đảm bảo cuộc sống đến những sản phẩm, dịch vụ đắt đỏ hơn phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, đôi khi những nhu cầu đó không được đáp ứng do phụ thuộc khả năng tài chính của cá nhân đó ở hiện tại.

Xem xét dưới một góc độ khác, tín dụng cá nhân là một giải pháp giúp các khách hàng có nhiều sự chọn lựa linh hoạt hơn trong việc đáp ứng các mong muốn về nhu cầu cá nhân. Chẳng hạn chúng ta phải tiết kiệm đủ nguồn tài chính để chi trả cho các nhu cầu trong cuộc sống thì người tiêu dùng có thể kết hợp khéo léo giữa việc đáp ứng những đòi hỏi ở hiện tại với khả năng tài chính của mình ở hiện tại và tương lai. Cụ thể hơn, họ sẽ lựa chọn hình thức vay vốn tại ngân hàng để chi tiêu trước và sau đó hoàn trả dần dần cho ngân hàng với thời hạn vay vốn hợp lý và phù hợp với thu nhập hiện tại.

Yếu tố này còn đặc biệt có ý nghĩa trong những trường hợp tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu có giá trị lớn như bất động sản, ô tô… hay chi tiêu khẩn cấp như ốm đau, cưới hỏi, du lịch... Nếu trong hoàn cảnh này, thay vì bế tắc không thể xoay sở hoặc phải tìm đến những khoản vay nóng trên thị trường tín dụng chợ đen với lãi suất

rất cao, thì khách hàng có thể an tâm tìm đến vay vốn ngân hàng với mức lãi suất và thời hạn vay hợp lý.

Cuối cùng, tín dụng cá nhân còn là một trong những kênh chính để các ngân hàng tài trợ vốn vay cho các hộ gia đình để đáp ứng nhu cầu phát triển quy mô hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Qua đó, ngân hàng sẽ áp dụng những chính sách và điều kiện đơn giản hơn so với khách hàng doanh nghiệp, phù hợp với quy mô và đặc tính kinh doanh của các đối tượng này.

Một phần của tài liệu 26A-TCNH-04.VUONG THIEN VU (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w