Điều kiện tự nhiên, khí hậu tỉnh Phú Thọ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu sinh sản nhân tạo và ương nuôi giống cá trê đồng (clarias fuscus lacepède, 1803) trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 33 - 35)

Vị trí địa lý

Tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích tự nhiên 3.533,4 km2, 13 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 1 thị xã và 11 huyện) với 225 xã, phường, thị trấn. Vị trí địa lý ở tọa độ từ 20o43’ đến 21o42’ vĩ độ Bắc; 104o50’ đến 105o36’ kinh độ Đông; Phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Hoà Bình, phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái. Phú Thọ nằm ở đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, có 3 con sông lớn chảy qua là sông Thao, sông Lô, sông Đà. Mạng lưới giao thông khá thuận tiện, có đường sắt, đường bộ, đường thủy nối liền thủ đô Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.

Đặc điểm địa hình: Phú Thọ có địa hình dốc dần theo hướng từ Đông Bắc xuống Tây Nam, chia thành 3 tiểu vùng như sau:

- Tiểu vùng núi cao: phân bố ở phía Tây, Tây Bắc và Tây Nam của tỉnh, chủ yếu thuộc các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập. Tiểu vùng này có các hồ thủy lợi và hệ thống suối, ngòi có nguồn nước sinh thủy dồi dào, thuận lợi cho phát triển nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống, nuôi cá trong hồ chứa.

- Tiểu vùng núi thấp, gò đồi bát úp, xen kẽ đồng ruộng: Phân bố chủ yếu ở các huyện Đoan Hùng, Hạ Hoà, Thanh Ba, Phù Ninh và một phần của huyện Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì. Vùng này có nhiều hồ đầm tự nhiên, hồ thủy lợi, diện tích ruộng trũng 1 vụ lúa, 1 vụ cá; tiểu vùng này nếu đầu tư tốt có thể phát triển nuôi thủy sản thâm canh. Một phần diện tích ao nuôi thủy sản ở tiểu vùng này hình thành từ việc đắp chặn các eo, ngách giữa các gò đồi, nguồn nước phục vụ nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào lượng nước mưa, hạn chế việc đầu tư thâm canh.

- Tiểu vùng địa hình bằng phẳng: Phân bố chủ yếu vùng ven hệ thống các sông hữu Lô, tả Đà, sông Hồng thuộc các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy, thành phố Việt Trì,... Tiểu vùng này có hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tương đối đồng bộ, có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi thủy sản thâm canh.

Đặc điểm khí hậu thủy văn:

Tỉnh Phú Thọ có khí hậu nhiệt đới gió mùa với 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Trong đó, mùa đông từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, nhiệt độ xuống thấp gây nhiều khó khăn cho nuôi thủy sản, nhất là chuẩn bị giống thủy sản cho năm sau.

Trong năm, nhiệt độ cao nhất vào tháng 6 và tháng 7, nhiệt độ thấp nhất vào tháng 1 và tháng 12. Tổng số giờ nắng trung bình 1.316,4 giờ/năm. Lượng mưa trong năm trung bình 1.436,7 mm nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 8. Độ ẩm trung bình năm 85%. Tổng lượng bốc hơi trung bình năm khoảng 800 mm.

Tính chất nhiệt đới gió mùa như trên có ảnh hưởng sâu sắc tới mùa vụ, tập quán và đối tượng nuôi trồng thủy sản. Thời vụ nuôi thủy sản tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 11; mùa đông thường có các đợt rét đậm, rét hại kéo dài là yếu tố bất thuận cho phát triển thủy sản, nhất là các đối tượng thủy sản giống mới

di nhập từ các vùng có khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là sản xuất, ương nuôi con giống cho năm sau (Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, 2015).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu sinh sản nhân tạo và ương nuôi giống cá trê đồng (clarias fuscus lacepède, 1803) trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(123 trang)
w