Chương 1 : TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.3. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước
1.3.1. Tình hình nghiên cứu trong nước
Khối lượng trứng còn phụ thuộc vào tuổi của gà, chế độ dinh dưỡng và điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng (Phùng Đức Tiến và cs., 2010). Nguyễn Chí Thành và cs. (2007) cho biết khối lượng cơ thể gà mái ở 20 tuần tuổi và năng suất trứng (quả/mái/năm) của gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Mía lần lượt là: 1886,4g/con và 51,27 quả, 1860,37g/con và 67,09 quả, 1647,33g/con và 96,2 quả. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng của gà Mía là tăng dần, 1 tuần tuổi và 20 tuần tuổi tương ứng là 0,50 và 6,32 kg TĂ/kg tăng trọng; Từ 1-8 tuần tuổi, gà Mía có mức tiêu tốn thức ăn thấp nhất, tiếp đến là gà Hồ và cao nhất là gà Đông Tảo; Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối, gà Mía lại có mức tiêu tốn thức ăn cao hơn 2 giống kia. Trung bình toàn bộ giai đoạn sinh trưởng từ 1 - 20 tuần tuổi, gà Hồ có mức tiêu tốn thức ăn thấp nhất (3,72kg), tiếp đó là gà Đông Tảo (4,14kg) và cao nhất là gà Mía (6,32kg).
Nguyễn Văn Duy và cs. (2020) nghiên cứu trên gà mái Đông Tảo (Đông Tảo) và gà mái lai F1(ĐT×LP) cho biết: Năng suất sinh sản của gà mái F1(ĐT×LP) là tốt hơn so với gà mái ĐT với tỉ lệ đẻ bình quân trong 38 tuần đẻ của gà mái F1(ĐT×LP) là 40,29% và của gà mái ĐT là 22,31%. Sản lượng trứng trong 38 tuần đẻ của gà F1(ĐT×LP) là 107,18 quả và của gà mái ĐT là 59,33 quả (P <0,001). Tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng của gà mái F1(ĐT×LP) thấp hơn so với gà mái ĐT (P <0,001). Tỉ lệ dị tật gà con của gà mái F1(ĐT×LP) (0,24%) là thấp hơn so với gà mái Đông Tảo (1,26%) (P <0,05)
Nguyễn Hoàng Thịnh và cs. (2021) khi nghiên cứu trên gà Lạc Thuỷ cho biết: năng suất trứng đến 41 tuần tuổi của gà Lạc Thuỷ là 57,57 quả; tỷ lệ đẻ trung bình là 35,76%; tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng là 4,49kg, trứng gà Lạc Thuỷ có khối lượng
trung bình 49,14%; tỷ lệ lòng đỏ đạt 30,62%; tỷ lệ trứng có phôi/tổng trứng ấp là 91,80%; tỷ lệ nở/tổng số trứng ấp là 80,40%; tỷ lệ gà loại 1/tổng trứng ấp đạt 71%.
Nguyễn Văn Quyên (2008) cho biết: gà Nòi được nuôi ở 3 mức CP là 14-16- 18% CP và 3 mức ME là 2650 -2750 và 2850 kcalME/kg có tỷ lệ đẻ cao nhất (57,83%) ở giai đoạn 29-76 tuần tuổi, tiêu tốn thức ăn cho 10 quả trứng là 3,49kg; tỷ lệ trứng nở/ trứng có phôi là 97,67%.
Nguyễn Nhật Xuân Dung và cs. (2014) cho biết ba mức độ protein thô là 15,5%;16,5% và 17,5% cùng có mức năng lượng bằng nhau (2.600kcal/kg) thì các mức độ protein thô không ảnh hưởng lên tỉ lệ đẻ, khối lượng trứng và hiệu quả sử dụng thức ăn. Tương tự, các chỉ tiêu về chất lượng trứng như chỉ số hình dáng, đơn vị Haugh, chỉ số lòng trắng và lòng đỏ không khác nhau giữa các nghiệm thức, tuy nhiên độ dầy vỏ của các khẩu phần thí nghiệm đều tốt hơn so với đối chứng. Khẩu phần có mức độ protein thấp nhất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Trương Văn Phước và cs. (2015) đã tiến hành đánh giá ảnh hưởng các mức độ protein và năng lượng của khẩu phần lên năng suất sinh sản (tỉ lệ đẻ trứng, tiêu tốn thức ăn, khối lượng trứng, khối lượng trứng (g/gà/ngày), hệ số chuyển hóa thức ăn), chất lượng bên trong (tỉ lệ lòng đỏ, lòng trắng, tỉ lệ lòng đỏ/lòng trắng) và bên ngoài (chỉ số hình dáng, độ dầy vỏ trứng) của trứng gà Ác nuôi trong chuồng hở. Tổng cộng có 384 gà Ác từ 20 đến 28 tuần tuổi ở giai đoạn đầu của kỳ đẻ trứng được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 2 yếu tố, yếu tố 1 là protein với 3 mức độ (14,5; 16 và 17,5%), yếu tố 2 là ME với 2 mức độ (10,5 và 11,5 MJ/kg), lặp lại 8 lần, mỗi lần là 8 gà mái đẻ. Kết quả cho thấy, khẩu phần có 16 hoặc 17% CP và ME là 11,7 MJ/kg cho năng suất sinh sản tốt nhất, ngược lại mức độ 14,5 % CP và 10,5 MJ/kg có năng suất thấp nhất. Tỉ lệ lòng đỏ, và lòng đỏ/lòng trắng giảm khi CP của khẩu phần tăng dần. CP và ME không ảnh hưởng lên độ dày vỏ trứng. Năng lượng và protein có ảnh hưởng lên năng suất sinh sản và chất lượng trứng của gà Ác.
1.3.2. Tình hình nghiên cứu ngoài nước
Protein là những hợp chất cao phân tử được tạo thành từ nhiều axit amin bằng liên kết peptit. Protein đóng nhiều vai trò có lợi trong cơ thể như thành phần cấu trúc của cơ, lông, da, protein huyết tương, hormone, enzym, nucleotide và kháng thể. (Abbasi và cs., 2014; Van Emous và cs.,2015). Một chiến lược dinh dưỡng tốt là giảm chi phí thức ăn trong khi vẫn đảm bảo tối đa hóa được năng suất sinh sản của gà như
tỷ lệ đẻ, khối lượng và sản lượng trứng, đồng thời cũng giảm sự ô nhiễm môi trường (Alagawany và Mahrose, 2014). Hầu hết nitơ bài thải trong phân chủ yếu liên quan đến thức ăn thừa protein và các axit amin bị mất cân đối để đáp ứng sự tổng hợp mô của cơ thể và tổng hợp trứng. Sự bài thải của nitơ có thể giảm đáng kể bằng cách cung cấp sự cân bằng các axit amin đáp ứng chính xác nhu cầu với mức dư thừa tối thiểu bằng cách cung cấp các axit amin để gà dễ dàng tiêu hóa và hấp thu.
* Ảnh hưởng protein trong khẩu phần lên năng suất sinh sản của gà
Mức protein trong khẩu phần ăn gà mái là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng và khối lượng trứng. Sản lượng trứng và khối lượng trứng được duy trì tốt ở những gia cầm ăn khẩu phần có CP thấp trong 8 tháng đầu của chu kỳ sản xuất nhưng sản lượng và khối lượng trứng có xu hướng suy giảm sau đó. Năng suất của gà đẻ có thể vẫn đạt yêu cầu đối với khẩu phần CP thấp trong thời gian sản xuất ngắn, nhưng nếu kéo dài với khẩu phần CP thấp có thể không đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt là giai đoạn cuối của quá trình sản xuất (Khajali và cs., 2008). Một số nhà nghiên cứu cho biết xu hướng chung là tăng sản lượng trứng và khối lượng trứng khi tăng tỷ lệ protein trong khẩu phần ăn (King'ori và cs., 2010; Mohiti-Asli và cs., 2012; Shim và cs., 2013). Một số nghiên cứu khác cho rằng sản lượng trứng và khối lượng trứng không bị ảnh hưởng khi cho ăn mức protein thô thấp trong khẩu phần (Cho và cs., 2004; Khajali và cs., 2008). Wu và cs. (2007) cũng báo cáo không có tác dụng đáng kể của protein trong khẩu phần (14-16%) đối với đơn vị Haugh, khối lượng trứng và độ dày vỏ trứng. Một số nghiên cứu khác báo cáo chất lượng trứng cao hơn ở gà đẻ với sự gia tăng nồng độ protein trong khẩu phần (Adeyemo và cs, 2012; Khajali và cs., 2007).
Trong chăn nuôi gia cầm, mức năng lượng cũng quan trọng như mức protein trong khẩu phần. Các nghiên cứu của Harms và cs. (2000) và Leeson và cs. (2001) chỉ rằng năng suất trứng không bị ảnh hưởng bởi mức năng lượng ăn vào, nhưng khi năng lượng ăn vào thiếu gà sẽ giảm năng suất trứng. Các tác giả cũng giải thích rằng khi khẩu phần có mức năng lượng thấp, gà ăn nhiều hơn, khi năng lượng khẩu phần cao gà sẽ ăn ít lại để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho cơ thể. Trong thí nghiệm gần đây của Ding.Y và cs. (2016) trên gà mái bản địa Fengda-1 chỉ rằng gà nuôi khẩu
phần có mức mức năng lượng là 2650 kcal/kg, tiêu thụ nhiều thức ăn hơn mức 2750 kcal/kg.
Leeson & Caston (1996) cho biết khối lượng trứng giảm khi tỷ lệ protein trong khẩu phần giảm từ 16,80% xuống còn 14,40%. Li và cs. (2013) cho biết mức ME và CP lần lượt là 2591 đến 2683 kcal/kg và 15,58% đến 16,64% CP để tối ưu hóa sản lượng trứng của gà đẻ Lohmann Brown. Ngoài ra, có báo cáo cho rằng khẩu phần ăn có protein cao và năng lượng thấp có tác động tiêu cực đến khối lượng trứng và sản lượng trứng (Li và cs., 2013; Steenhuisen và Gous, 2016). Nghiên cứu của Panda và cs. (2012) trên gà đẻ Dahlem Red cho thấy sự kết hợp nhu cầu tối ưu của 2,795 kcal/kg ME, 16% CP, 0,8% lysine và 0,4% methionine trong suốt 28 đến 40 tuần tuổi. Hassan và cs. (2016) báo cáo rằng các mức năng lượng của khẩu phần không ảnh hưởng lên năng suất, khối lượng và sản lượng trứng và giá trị tốt nhất nhận được ở khẩu phần có 2750 kcal/kg và 16% CP. Khối lượng trứng cao hơn ở những gà ăn khẩu phần chứa 18% CP so với những gà ăn khẩu phần chứa 15%, không phụ thuộc vào ME trong khẩu phần (Almeida và cs., 2012).
Tona và cs. (2004) cho biết có một mối quan hệ tích cực giữa khối lượng trứng và khối lượng ấp nở. Do đó, mối quan hệ giữa khối lượng trứng và mức protein trong khẩu phần ăn của gà mái nên được xem xét để đảm bảo khối lượng của gà mới nở. Spratt và Leeson (1987) cho biết việc giảm khối lượng trứng và làm giảm khối lượng gà mái giống khi tỷ lệ protein trong khẩu phần giảm từ 16,70% xuống 12,70%. Protein và axit amin, đặc biệt là methionine có ảnh hưởng lớn đến kích thước trứng (Panda và cs., 2007). Không có sự khác biệt về khối lượng trứng giữa khẩu phần ăn chứa 0,31% methionine (13% CP) và 0,35% methionine (17,5% CP) trong nghiên cứu. Do đó, 0,31% methionine trong khẩu phần ăn 13% CP là đủ cho khối lượng trứng tối ưu ở gà đẻ Vanaraja.
Trong chăn nuôi gia cầm, khả năng sinh sản cao, khả năng nở và tỷ lệ chết phôi thấp là mục tiêu chính cho lợi nhuận và năng suất. Khả năng sinh sản, khả năng nở và tỷ lệ chết phôi có thể bị ảnh hưởng bởi khối lượng trứng, thời gian lưu trữ, tuổi của đàn, thành phần của khẩu phần ăn và tỷ lệ trống mái ở các loài gia cầm… (Mohiti- Asli và cs., (2012); Narinc và cs., 2013; Praes và cs., 2014)
Mức độ protein của khẩu phần ăn gà mái là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất trứng và khối lượng trứng. Một số nhà nghiên cứu báo cáo xu hướng chung là tăng sản lượng trứng và khối lượng trứng với sự gia tăng nồng độ protein trong khẩu phần ăn (Mohiti-Asli và cs., 2012; Shim và cs., 2013). Nghiên cứu cho thấy mối quan hệ tích cực giữa khối lượng trứng và khối lượng nở (Tona và cs., 2004). Do đó, mối quan hệ giữa khối lượng trứng và mức protein trong khẩu phần ăn của gà mái với khối lượng gà mới nở. Spratt & Leeson (1987) đã báo cáo rằng việc giảm khối lượng trứng và do đó giảm khối lượng gà khi tỷ lệ protein trong khẩu phần ăn giảm từ 16,70% xuống 12,70% đối với gà mái giống.
*Ảnh hưởng protein trong khẩu phần lên chất lượng trứng
Novak và cs. (2006) rằng phần trăm chất khô và ướt của lòng trắng trứng cũng như tỷ lệ protein lòng đỏ lòng trắng, tỷ trọng của quả trứng giảm khi nuôi gà Hy-Line W36 với CP khẩu phần thấp. Summers và Leeson (1983) thấy rằng khối lượng trứng đầu tiên không bị ảnh hưởng bởi tăng mức CP của khẩu phần. Tăng CP khẩu phần không cải thiện được đơn vị Haugh và độ dày vỏ trứng (Junqueira và cs., 2006; Alagawany, 2012). Novak và cs. (2008) báo cáo rằng khi giảm CP khẩu phần dẫn tới giảm khối lượng trứng gà giai đoạn từ 18 đến 60 tuần tuổi, trong khi các chỉ số chất lượng bên ngoài và bên trong quả trứng không bị ảnh hưởng. Khối lượng vỏ ở trạng thái tươi hay khô và khối lượng chất khô lòng đỏ, độ dày vỏ tăng lên khi giảm CP khẩu phần. Ngược lại, tỷ lệ lòng trắng tươi hay khô, khối lượng lòng đỏ, chỉ số lòng đỏ, chỉ số hình dáng không bị ảnh hưởng tỷ lệ CP khẩu phần 12, 14 và 16% (Zeweil và cs.,2011).
Chương 2
ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng
Gà lông Xước sinh sản bố mẹ giai đoạn 24 đến 40 tuần tuổi.