Sóc Sơn là huyện ngoại thành Hà Nội với diện tích 18.040,62 ha đất nông lâm nghiệp, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 13.205,9 ha. Hiện, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng nấm theo công nghệ cao, trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, lợn hữu cơ, mô hình nuôi lợn, trồng dược liệu theo hướng hữu cơ. Trong đó, Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân chính là một trong những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả cao và đang dần tạo dựng được
thương hiệu tốt ở trong nước cũng như để xuất khẩu. Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân hiện đã có 26 nhóm sản xuất với diện tích 34ha. Với quy mô sản xuất lớn, bình quân mỗi năm, Hợp tác xã đưa ra thị trường trên 300 tấn rau củ quả các loại, tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Riêng thị trường Hà Nội, đơn vị cung cấp 50 - 70 tấn rau/tháng. Sản phẩm hợp tác xã sản xuất ra luôn được tiêu thụ hết. Hiện tại, đơn vị đang ký kết thu mua đối với 12 công ty và 45 điểm bán sản phẩm hữu cơ trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Ngoài ra, sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân, chủ yếu là rau gia vị và bí xanh đã được xuất khẩu sang các nước như Pháp, Đức…
Sau thành công với các sản phẩm rau hữu cơ, mô hình trồng dược liệu theo hướng hữu cơ cũng là một hướng phát triển mới ở huyện Sóc Sơn. Trên địa bàn các xã Bắc Sơn, Xuân Giang và Trung Giã đã hình thành các mô hình trồng dược liệu theo hướng hữu cơ có liên kết đầu ra với doanh nghiệp. Từ các mô hình thử nghiệm ban đầu, trong thời gian tới, huyện Sóc Sơn dự kiến sẽ có thêm sản phẩm để kêu gọi đầu tư là dược liệu an toàn.
Có thể nói, để đạt được những thành tựu trên, huyện Sóc Sơn đã có nhiều bước đi đúng đắn để lại nhiều kinh nghiệm trong phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Thứ nhất, về công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác hữu cơ cho người nông dân:
Ở xã Thanh Xuân trước đây chủ yếu là trồng lúa. Năng suất, giá trị kinh tế thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2008, Trung ương Hội nông dân Việt Nam và tổ chức ADDA Đan Mạch tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức các lớp huấn luyện kỹ thuật canh tác hữu cơ cho hàng nghìn nông dân, thành lập liên nhóm và hợp tác xã thực hiện nghiêm ngặt các nguyên tắc trong quy trình sản xuất rau hữu cơ dưới sự giám sát của hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm của tổ chức ADDA Đan Mạch. Nhờ chú trọng công tác đào tạo chuyên môn, kỹ thuật canh tác, mô hình rau hữu cơ ở Thanh
Xuân đã được người nông dân thực hiện một cách bài bản, tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất nghiêm ngặt.
Thứ hai, về xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm:
Để mở rộng sản xuất và khẳng định chất lượng thương hiệu rau hữu cơ Sóc Sơn trên thị trường, cuối năm 2012, huyện đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể rau hữu cơ Sóc Sơn. Hội nông dân huyện được huyện giao là đơn vị quản lý thương hiệu, nhằm hoàn thiện từ khâu quản lý tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói tiêu thụ sản phẩm, quản lý thương hiệu và tìm kiếm mở rộng thị trường. Đến nay, nhãn hiệu rau Sóc Sơn đã gắn liền với các chủng loại rau hữu cơ khi được đưa ra thị trường, đem lại sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Việc có chỗ đứng trên thị trường đã đem lại giá trị sản phẩm cao hơn từ 1,5 lần so với trước khi có thương hiệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Thứ ba, về xây dựng mô hình sản xuất hợp lý cho sản phẩm:
Hiện nay, Hội nông dân xã Thanh Xuân đã tổ chức 3 dạng mô hình sản xuất rau hữu cơ, trong đó có mô hình tổ chức sản xuất tập trung của nhóm, gồm: mô hình nhóm giao diện tích đến hộ và mô hình tổ chức HTX sản xuất rau hữu cơ do HTX quản lý. Việc thành lập các nhóm vừa quản lý được chất lượng nông sản, sản phẩm đồng đều, bên cạnh đó nêu cao tinh thần đoàn kết giữa các thành viên, đồng thời trao đổi kinh nhiệm lẫn nhau. Tất cả nhằm quản lý các nhóm hoạt động theo một hệ thống đảm bảo tinh thần nghiêm túc, minh bạch trong quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn PGS.
Thứ tư, về quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ:
Tiềm năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ ở huyện Sóc Sơn rất lớn nhưng chủ trương của huyện là không phát triển theo kiểu ồ ạt, không có quy hoạch. Mặc dù các sản phẩm rau hữu cơ đang có nhu cầu tăng cao xong huyện mới chỉ quy hoạch trong 6 xã. Sau đó, huyện sẽ tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tập huấn cho nông dân, giữ vững chất lượng
và tìm đầu ra ổn định.
1.3.2 Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ huyện Lương Sơn, Hòa Bình
Lương Sơn là huyện cửa ngõ của tỉnh Hoà Bình, có địa hình phổ biến là núi thấp và đồng bằng, có nhiều khe suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo. Những đặc điểm tự nhiên này tạo điều kiện cho huyện có thể phát triển các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Hiện nay, mô hình rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được đánh giá là có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh môi trường. Trong mô hình này người nông dân được đào tạo bài bản về khoa học kỹ thuật, trồng rau không sử dụng hóa chất độc hại. Rau thu hoạch xong sẽ được sơ chế, dán tem, nhãn mác mới đưa ra thị trường.
Từ cuối năm 2008, với sự hỗ trợ của Dự án ADDA (Đan Mạch) và Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ (Xuân Mai - Hà Nội) cùng phối kết hợp, huyện đã triển khai Dự án trồng rau hữu cơ tại 7 đơn vị gồm các xã Hòa Sơn, Nhuận Trạch, Hợp Hòa, Thành Lập, Cự Yên, Tân Vinh và thị trấn Lương Sơn. Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai còn gặp nhiều khó khăn, bởi huyện Lương Sơn là địa hình bán sơn địa nên ít ruộng, trong khi diện tích tối thiểu cho trồng rau hữu cơ phải đạt từ 2000m2 trở lên. Trong khi đó, người dân lại quen với trồng rau truyền thống. Nhờ sự cố gắng các cơ quan hữu quan và người dân, nên cây rau hữu cơ ngày càng đứng chân bền vững ở mảnh đất này.
Theo đó, trước khi thực hiện mô hình người dân được Hội Nông dân và Trung tâm dạy nghề tổ chức huấn luyện trong thời gian 3 tháng về trồng, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ; chăn nuôi “sạch’’. Kết thúc khóa học các thành viên được cấp chứng chỉ và chỉ những ai có chứng chỉ mới đủ điều kiện tham gia mô hình. Người sản xuất cam kết tuyệt đối không sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng ủ hoai mục từ 3 – 6 tháng).
Đồng thời để đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, người trồng rau hữu cơ ở Lương Sơn cũng không dùng thuốc bảo vệ thưc vật mà chỉ dùng thuốc thảo dược tự chế bao gồm: Tỏi, ớt, gừng, rượu ngâm từ 5 – 7 ngày sau đó mang phun trên rau. Ngoài ra, trên lối đi trồng các loại cây dẫn dụ (chủ yếu là các loại hoa như: Cúc vạn thọ, hoa bóng nước…) để thu hút các loại ‘’thiên địch’’ như: Bướm, sâu…, hạn chế côn trùng phá hoại rau.
Xã Thành Lập là một trong những xã trồng rau hữu cơ khá thành công. Hiện xã có 4 nhóm sản xuất chính là Nà Lều, Cây Gạo, Đồng Làng và Đồng Sương, với hàng trăm lao động canh tác trên diện tích 7.000m2 rau hữu cơ, cho thu nhập khoảng gần 5 triệu/người/tháng.
Tại các xã khác như Tân Vinh, Cự Yên, Nhuận Trạch và Hợp Hòa... đời sống của nhân dân cũng được nâng lên nhờ trồng rau hữu cơ. Hiện tại cả huyện Lương Sơn đã thành lập được 2 Hợp tác xã và 15 nhóm sản xuất rau hữu cơ, có hơn 150 thành viên tham gia, với tổng diện tích sản xuất hơn 10,5 ha. Trong đó sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế (PGS) hơn 8 ha. Mỗi năm, Lương Sơn cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau hữu cơ, trong đó có các siêu thị ở Hà Nội, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế địa phương.
Trong năm 2015, các nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ huyện Lương Sơn đã sản xuất và cung ứng cho thị trường 84 tấn sản phẩm rau hữu cơ, 11 tấn gà sạch các loại. Trong 9 tháng 2016, tổng khối lượng nông sản hữu cơ do liên nhóm sản xuất hữu cơ huyện Lương Sơn cung cấp cho thị trường đã lên tới trên 100 tấn. Không chỉ giúp người nông dân có thu nhập cao, mô hình sản xuất hữu cơ còn có ý nghĩa lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng nông sản an toàn, chất lượng bảo đảm.
Sau gần 10 năm phát triển, đến nay, toàn huyện Lương Sơn đã thành lập được gần 20 nhóm sản xuất rau hữu cơ với trên 150 thành viên tham gia.
Tổng diện tích sản xuất thường xuyên đạt trên 10,5 ha. Trong đó diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất rau hữu cơ an toàn (PGS) là khoảng 8 ha. Ngoài một tỷ lệ nhỏ tiêu thụ tại địa phương, phần lớn sản lượng rau hữu cơ của các xã, thị trấn huyện Lương Sơn đều được xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội thông qua 3 đầu mối chính là: Công ty VinaGap, Công ty Tràng An và Công ty Tâm Đạt.
Với những thành tựu như trên, mô hình trồng rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã để lại cho các địa phương khác nhiều kinh nghiệm trong phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cụ thế:
Thứ nhất là sự hỗ trợ kịp thời từ các dự án của các tổ chức nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và các cơ quan chức năng tại Việt Nam trong việc xây dựng và hình thành nên các vùng sản xuất rau hữu cơ. Tại huyện Lương sơn là sự hỗ trợ của Dự án ADDA (Đan Mạch) và Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ (Xuân Mai - Hà Nội).
Thứ hai, chú trọng công tác đào tạo, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật canh tác cho các đối tượng tham gia vào hệ thống canh tác, yêu cầu các thành viên tham gia cam kết nghiêm túc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất.
Thứ ba, thực hiện xây dựng các nhóm, các hợp tác xã cùng hỗ trợ, học hỏi và giúp đỡ lần nhau trong quá trình sản xuất.
Thứ tư, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.
Thứ năm là sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức liên quan. Các cơ quan chức năng, trực tiếp là Hội Nông dân và Phòng NN&PTNT huyện thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, trang bị tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho nông dân; tạo điều kiện thuận lợi để người sản xuất mở rộng diện tích rau hữu cơ; tiếp tục quản lý và thực hiện tốt quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ vững và phát triển thương hiệu nông sản hữu cơ Lương
Sơn (Hòa Bình).