Năm 1981, Yang lần đầu tiên mô tả vạt cẳng tay quay với tên gọi “vạt Trung Quốc”. Vạt cẳng tay quay có thể lấy với diện tích rộng, vạt mỏng, mềm mại, cuống mạch dài và hằng định. Cuống mạch vạt là động mạch quay, đường kính động mạch 2-3 mm, vạt cẳng tay quay được sử dụng rộng rãi trong tạo hình khoang miệng, đặc biệt là lưỡi và sàn miệng [133].
Hình 1.13: Vạt cẳng tay quay [123]
Hsiao (2003), Eccardt (2007), Loreti (2008), Xiao-meng Song (2010) tạo hình lưỡi và sàn miệng sau cắt ung thư bằng vạt cẳng tay quay, nhận thấy tính
thẩm mỹ và chức năng sau phẫu thuật phục hồi tốt [44, 61, 83, 128]. Wei F.C (2004) lựa chọn vạt cẳng tay quay đứng thứ 2 trong tạo hình khuyết phần mềm đầu mặt cổ với hơn 700 vạt sử dụng thành công [126].
Marco (2011) nhận xét vạt cẳng tay quay mềm mại, độ dày phù hợp với khuyết hổng khoang miệng hơn vạt đùi trước ngoài [73]. Marcus (2013) sử dụng 285 vạt cẳng tay quay sử dụng trên bệnh nhân để che phủ và tạo hình lưỡi, sàn miệng chiếm 70,2% các trường hợp [52]. Patrik (2018) lựa chọn vạt cẳng tay quay là vạt đầu tay trong tạo hình khuyết hổng phần mềm khoang miệng [99]. Năm 2018, Nguyễn Anh Khôi cùng cộng sự có nghiên cứu về chức năng lưỡi sau tạo hình bằng vạt cẳng tay quay trên 30 bệnh nhân đạt được kết quả tốt [75].
Ưu điểm vạt cẳng tay quay: vạt có thể lấy với diện tích rộng, chất lượng da vạt mềm mại, độ dày vạt mỏng, vạt không có lông, thích hợp với tạo hình trong khoang miệng. Cuống mạch dài, đường kính mạch máu lớn thuận lợi cho thao tác nối mạch [123 ].
Nhược điểm: biến chứng thường xảy ra nơi lấy vạt như lộ và dính gân, thiểu dưỡng bàn tay và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng là mất chức năng bàn tay bên lấy vạt. Một số trường hợp khi lấy động mạch quay kèm theo vạt thì động mạch trụ không đủ khả năng cấp máu cho bàn tay nên không lấy được vạt [123 ].