Một tuần sau, Arthur có một rắc rối nhỏ cần phải giải quyết ngay: trả kẹo lại cho các siêu thị gần nhà. Thí nghiệm nhân đôi kẹo tại nhà của anh đã trở nên tốn kém và khó mà tiếp tục. Sau mười bốn ngày, anh có gần 8200 viên kẹo trong phòng. Rất may là từ giữa tuần anh đã ngừng mở các gói kẹo nên có thể đem trả lại các cửa hàng hơn 100 trong số 125 gói anh đã mua.
Mặc dù cảm thấy hơi ngớ ngẩn khi đi hết cửa hàng này đến cửa hàng khác, nhận được những cái nhìn kỳ lạ và lời phàn nàn từ người thu ngân, anh vẫn tự hào về bản thân vì:
Anh đã không ăn một viên kẹo nào.
Anh không hề thất bại trong suốt mười bốn ngày làm thí nghiệm.
Nhưng Arthur vẫn quyết định tiếp tục hoàn thành thí nghiệm này cho đến cùng bằng cách sử dụng máy tính của ông Patient mới tặng để tính toán và hình dung lượng kẹo anh sẽ có sau 30 ngày. Và đây là biểu đồ gia tăng số kẹo hàng ngày của anh:
Ngày 1 1 Ngày 2 2 Ngày 3 4 Ngày 4 8 Ngày 5 16 Ngày 6 32 Ngày 7 64 Ngày 8 128 Ngày 9 256 Ngày 10 512 Ngày 11 1.024 Ngày 12 2.048 Ngày 13 4.096 Ngày 14 8.192 Ngày 15 16.384 Ngày 16 32.768 Ngày 17 65.536 Ngày 18 131.072 Ngày 19 262.144 Ngày 20 524.288
Ngày 21 1.048.576 Ngày 22 2.097.152 Ngày 23 4.194.304 Ngày 24 8.388.608 Ngày 25 16.777.216 Ngày 26 33.554.432 Ngày 27 67.108.864 Ngày 28 134.217.728 Ngày 29 268.435.456 Ngày 30 536.870.912
Khi đã nhận thấy mình có thể kiểm soát được bản thân trong việc trì hoãn những thỏa mãn mang tính tức thời, Arthur bắt đầu nghĩ đến những dự định xa hơn cho cuộc đời mình. Ngoài việc kiểm soát bản thân trong việc tiêu dùng phung phí thì anh còn có thể làm được gì nữa? Anh cần làm những gì hôm nay để thành công trong tương lai?
Để đơn giản hóa và chi tiết hơn cho kế hoạch lâu dài, Arthur lên cho mình một danh sách:
NHỮNG VIỆC TÔI SẴN SÀNG LÀM ĐỂ THÀNH CÔNG:
Tiêu ít tiền hơn? Có. Cắt giảm chi phí cho giải trí.
Tiết kiệm nhiều hơn? Có. Mục tiêu là 200 đô-la mỗi tuần.
Làm ra nhiều tiền hơn? Có, nhưng… bằng cách nào?
Arthur suy nghĩ kỹ hơn về điều này. Công việc lái xe của anh còn trống rất nhiều thời gian nhưng nó cũng đòi hỏi anh phải sẵn sàng phục vụ ông Patient mọi lúc mọi nơi khi ông cần đến. Vì thế anh không thể làm thêm một công việc bị ràng buộc về giờ giấc như đi giao pizza. Chẳng lẽ khi ông Patient gọi anh sẽ lái xe limousine đi cùng với một phần pizza? Nhưng chắc chắn phải có việc nào đó phù hợp. Anh sẽ kiếm thêm thông tin về vấn đề này. Ngoài cách đó, liệu còn có cách nào khác để anh nâng thu nhập của mình lên không?
Bỗng Arthur bật dậy như nhớ ra điều gì, anh đi về phía tủ và lấy ra bộ sưu tập thẻ danh thủ bóng chày. Đây là bộ sưu tập anh vô cùng yêu quý. Anh đã từng là một nhà sưu tập thực thụ trong khoảng mười năm. Đến nay, một vài tấm thẻ của anh có giá đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đô-la. Anh có thể từ bỏ chúng không? Có điều gì đáng để từ bỏ chúng không? Anh đang còn do dự trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về bộ sưu tập này. Cần phải cân nhắc lại.
Nhìn kỹ lại bản danh sách những việc cần làm, Arthur vẫn chưa hài lòng lắm. Chẳng lẽ chỉ có thế thôi sao? Còn có giải pháp nào hay hơn không? Anh nghĩ mình nên xác định mục tiêu cần đạt được trước thì mọi thứ sau đó có lẽ sẽ dần hiện ra rõ ràng hơn. Trong hai tuần vừa qua, vừa tìm hiểu trên Internet vừa rút được những bài học quý giá từ những câu chuyện của ông Patient, anh bắt đầu xác định những vấn đề cần ưu tiên. Nhưng đâu là mục tiêu hàng đầu? Phải có kiến thức, phải học đại học. Đúng, đó là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất anh cần thực hiện. Và anh bắt
đầu đề ra những bước chuẩn bị cho việc hoàn thành mục tiêu đó, như sau:
Mục tiêu đầu tiên: học đại học
Arthur hiểu rằng đại học là con đường gần nhất và vững chắc nhất nếu anh muốn thành công ở bất cứ lĩnh vực nào. Vậy anh phải làm gì để đạt được mục tiêu này? Việc chuẩn bị một tài khoản tiết kiệm để chi phí cho đại học là rất cần thiết, muốn vậy ngay từ bây giờ anh phải giảm chi tiêu những thứ không cần thiết, tiết kiệm và kiếm thêm một việc làm thêm nữa…
Nhưng thật ra đó chưa phải là thứ duy nhất, mà quan trọng là làm cách nào để anh được vào đại học? Do đó, anh đặt ra cho mình một vấn đề mới:
TÔI PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐƯỢC NHẬN VÀO HỌC ĐẠI HỌC?
Ôn thi mười tiếng mỗi tuần
Arthur đã tìm được một số bài thi mẫu trên mạng và sách để học ôn ở thư viện. Anh chắc chắn có thể thực hiện được thời khóa biểu ôn luyện hai tiếng mỗi ngày.
Bắt đầu làm hồ sơ xét tuyển
Trước khi bước vào kỳ thi sát hạch trong đợt tuyển sinh thì Arthur cần làm một hồ sơ xét tuyển và anh nhận thấy phải bắt tay vào việc ngay từ bây giờ. Mọi việc cũng khá đơn giản vì anh có thể tạo hồ sơ cho mình ngay trên mạng, kể cả viết bài luận.
Chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn ở những trường anh quan tâm
Ông Patient đã từng nhắc đến việc thành công hay không còn phụ thuộc vào khả năng kết nối với mọi người. Do đó, để hồ sơ của anh được chú ý tới, Arthur cần tạo ấn tượng ban đầu thật tốt với hội đồng xét tuyển. Anh phải tìm hiểu thật kỹ về mọi thông tin liên quan đến ngôi trường anh dự định học, đó cũng là cách hay nhất thể hiện sự quan tâm của anh tới ngành học trong mắt hội đồng xét duyệt. Anh biết rõ mình là một tài xế hai mươi tám tuổi với thành tích học tập nghèo nàn, anh sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ là học sinh vừa tốt nghiệp trung học với bảng điểm ấn tượng.
Nhờ ông Patient viết thư giới thiệu
Đây có lẽ là cách khá thuận lợi cho anh vì anh biết rõ với uy tín cũng như tiếng tăm của ông chủ mình thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn. Nhưng ngay lập tức anh gạch ý kiến này đi vì anh muốn chứng minh cho ông Patient thấy năng lực tự thân của mình. Có thể anh sẽ nhờ đến ông nhưng không phải là lúc này.
Lòng tin
Để giữ tinh thần tích cực và hoàn thành những mục tiêu đề ra, Arthur quyết định phải luôn nỗ lực và khuyến khích bản thân nhiều hơn nữa.