Cùng với mức độ giảm đau, thì cải thiện tầm vận động cột sống cổ là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá hiệu quả điều trị. Hạn chế tầm vận động cột sống cổ là hậu quả của triệu chứng đau, do co cứng cơ, do giảm độ đàn hồi bao khớp và dây chằng, do các tổn thương gai xương, hẹp khe khớp…
Trước điều trị, tầm vận động cột sống cổ của hai nhóm là tương đương nhau với p > 0,05.
Sau điều trị, tầm vận động cột sống cổ tăng có ý nghĩa thống kê so với trước điều trị (p < 0,05). Tầm vận động cột sống cổ của nhóm nghiên cứu tăng nhiều hơn so với nhóm chứng. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Cụ thể tầm vận động sau 14 ngày điều trị của nhóm nghiên cứu lần lượt là gấp cổ là 45,9 ± 3,72, duỗi cổ là 48,0 ± 4,87, nghiêng trái là 44,6 ± 1,87, nghiêng phải là 43,8 ± 3,33, quay trái là 51,7 ± 6,46, quay phải là 51,8 ± 5,49; nhóm chứng lần lượt là gấp cổ là 42,2 ± 3,08, duỗi cổ là 45,0 ± 6,63, nghiêng trái là 42,3 ± 2,68, nghiêng phải là 40.2 ± 3,25, quay trái là 48,2 ± 7,26, quay phải là 47,3 ± 6,04.
Như vậy cả hai phương pháp đều có tác dụng làm tăng tầm vận động cột sống cổ khá tốt. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhờ tác dụng của cồn CMO mà tầm vận động cột sống cổ được cải thiện tốt hơn nhóm chứng.
Kết quả trên phù hợp với nghiên cứu của Đặng Trúc Quỳnh [46]. Và nghiên cứu của tác giả Hoàng Thị Hậu (2016) [53].
Với tác nhân gây bệnh Lạc chẩm thống ở đây là phong hàn thấp, đặc biệt hàn tà gây ngưng kết, vận động khó khăn; tà khí làm khí huyết trở trệ, khí trệ, huyết ứ không đi nuôi dưỡng được cân cơ nên hạn chế vận động. Các vị thuốc ôn nhiệt trong cồn CMO có tác dụng tán hàn, thư cân, thông lạc như Ô đầu, Quế chi, Uy linh tiên; các vị thuốc hành khí hoạt huyết, trừ phong giảm đau như Xuyên Khung, Huyết giác từ đó cải thiện tầm vận động cột sống cổ tốt hơn nhóm chứng.