Một số bài học kinh nghiệm cho tỉnh Thái Nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý thuế nhà thầu nước ngoài tại cục thuế tỉnh thái nguyên (Trang 50 - 53)

6. Kết cấu của luận văn

1.3.3.Một số bài học kinh nghiệm cho tỉnh Thái Nguyên

Với những nội dung về thuế nhà thầu ở các nước đã được trình bày ở trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng thuế này là một hình thức thuế đã được triển khai và áp dụng từ nhiều năm trước và phổ biến hầu hết ở các quốc gia trên thế giới từ những nước có nền kinh tế phát triển mạnh như Úc, Nhật,…

đến các nước phát triển và đang phát triển khác với điều kiện kinh tế và xã hội có những nét cũng tương đồng hoặc gần như Việt Nam. Chính sách thuế này đã phát huy được vai trò của nó trong việc đảm bảo được nguồn thu từ các tổ chức, cá nhân không thường trú, tạo sự công bằng cho các đối tượng bên trong cũng như bên ngoài quốc gia đó. Hơn nữa, do điều kiện về nền kinh tế, chính trị và sự phát triển hệ thống thuế của mỗi nước là khác nhau nên chính sách về thuế nhà thầu đã được xây dựng, đưa ra, thực thi cũng có điểm khác nhau, tuy nhiên, một số đặc tính cơ bản thể hiện bản chất của thuế này thì hầu hết các nước đã được phản ánh trong chính sách.

Qua việc nghiên cứu và phân tích chính sách thuế nhà thầu của các nước, tôi rút ra một số nhận định cũng như những kinh nghiệm như sau:

Về đối tượng nộp thuế: Các nước đều áp dụng nguyên tắc đánh thuế theo thường trú và không thường trú. Thật vậy, hầu hết các quốc gia đều xem các tổ chức, cá nhân không thường trú tại nước đó, nếu có thu nhập phát sinh có nguồn gốc từ nước này đều là đối tượng phải nộp thuế nhà thầu tương ứng. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có quy định khác nhau cũng như định nghĩa khác nhau về thế nào là thường trú hoặc không cư trú.

Về đối tượng chịu thuế: Đối tượng chịu thuế thường là các khoản thu nhập do một tổ chức hoặc cá nhân trong nước chi trả cho một tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đa số các nước xác định đối tượng chịu thuế là cổ tức, lãi cho vay, tiền bản quyền, thanh lý, nhượng bán các tài sản khác nhau…

Về giảm trừ thuế nhà thầu: Dù là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh hay không thì hầu hết đều có tham gia ký kết các Hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương mà thông thường là các nước sẽ ký với nhau Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, và nếu các cá nhân hay tổ chức nhận được chi trả mà thuộc những quốc gia đã cam kết thì sẽ được cắt giảm thuế suất ở một mức nhất định tùy vào điều kiện cụ thể.

Về thuế suất thuế nhà thầu: Các quốc gia đều có quy định một mức thuế suất cụ thể đối với từng đối tượng chịu thuế khác nhau. Hầu hết các mức thuế suất này đều là tỷ lệ phần trăm cố định trên giá trị chịu thuế.

Về quản lý thu và nộp thuế: Đa số các nước quản lý thuế dưới hình thức cấp mã số thuế cho từng đối tượng cụ thể, các tổ chức tự kê khai, nộp thuế và quyết toán theo năm tài chính của nước đó. Cơ quan thuế của các nước này đều yêu cầu rằng những cơ quan hay cá nhân đã chi trả các khoản cho phía nước ngoài sẽ tự động giữ lại một phần theo tỷ lệ đã quy định đối với khoản thanh toán đó và nộp thay cho phía nước ngoài.

Chương 2

CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý thuế nhà thầu nước ngoài tại cục thuế tỉnh thái nguyên (Trang 50 - 53)