1.2.4.1. Khái niệm quản lý nợ thuế
Khái niệm quản lý nợ thuế là việc áp dụng các biện pháp và mô hình tổ chức quản lý của cơ quan thuế nhằm phân loại nợ thuế, đánh giá thực trạng nợ, tổ chức công tác thu nợ tại cơ quan thuế các cấp, để từ đó đưa ra các hình thức thu nợ thuế phù hợp nhằm thu đúng, thu đủ, tiết kiệm chi phí quản lý, phù hợp với từng đối tượng, theo từng thời kỳ và theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của nhà nước thời kỳ đó.
Thông thường, khi chuẩn bị áp dụng một biện pháp thu nợ cụ thể thì ngoài việc phân loại các khoản nợ để thu nợ hiệu quả cơ quan thuế thường đưa ra một mức tiền nợ khởi điểm để quản lý khoản nợ đó. Do vậy, số tiền thuế nợ của người nộp thuế tại một thời điểm ở một ngưỡng nhất định được gọi là mức nợ. Việc chia
ra thành các mức nợ thuế khác nhau giúp cho cơ quan thuế có thể quản lý từng loại nợ với từng đối tượng từ đó áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp đối với từng mức nợ nhất định. Tương tự như cách phân loại mức nợ như trên, cũng với một khoản nợ thì tuổi nợ được coi là khoảng thời gian liên tục tính từ thời điểm bắt đầu nợ phát sinh đến thời điểm khoản nợ đó được cơ quan thuế thống kê nó. Tuổi nợ thường được tính theo ngày, tuy nhiên việc xác định tuổi nợ sẽ không giống như qui định của Bộ Luật lao động khi xác định số ngày chậm nộp tờ khai, chậm nộp thuế mà tuổi nợ được tính liên tục từ khi nó phát sinh. Việc thống kê theo tuổi nợ cũng có ý nghĩa giúp cơ quan chức năng quản lý nợ một cách khoa học và có các biện pháp thu nợ phù hợp. Việc phân ra mức nợ, tuổi nợ như trên có ý nghĩa quan trọng đối với biện pháp quản lý nợ của cơ quan thuế, bởi trong cùng một thời điểm, có thể mức nợ 2 tỷ đồng chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với khả năng trả nợ của một người nộp thuế này nhưng đối với người nộp thuế khác thì mức nợ trên là rủi ro trong thu nợ của cơ quan thuế.
Do vậy, trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, để đảm bảo thu đúng nợ, chính xác, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước, đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực của pháp luật thuế thì việc phân loại nợ, kết hợp với mức nợ và tuổi nợ có ý nghĩa quan trọng trong biện pháp quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế của cơ quan thuế, nó là một trong những yếu tố đảm bảo các biện pháp thu nợ, các biện pháp cưỡng chế của cơ quan thuế là chính xác, kịp thời.
1.2.4.2. Vai trò của quản lý nợ thuế
Công tác quản lý thu nợ là một trong những chức năng có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý thuế. Quản lý nợ thuế là khâu cuối cùng trong hệ thống quản lý thuế, nó là một chức năng chính và cơ bản của mô hình quản lý thuế được sử dụng để quản lý hệ thống thuế. Do đó, quản lý nợ thuế đóng vai trò rất quan trọng, được thể hiện trên các khía cạnh sau:
Thứ nhất, quản lý nợ thuế để quản lý, theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ của đối tượng nộp thuế, đảm bảo người nộp thuế nộp các khoản thuế đầy đủ, kịp thời vào Ngân sách Nhà nước; đảm bảo công bằng xã hội khi các cơ sở kinh doanh
cùng phát sinh nghĩa vụ thuế thì phải nộp vào Ngân sách Nhà nước đúng hạn.
Thứ hai, quản lý nợ thuế để đảm bảo quản lý tất cả các khoản thu của Nhà nước, chống thất thoát Ngân sách Nhà nước, quản lý nợ sẽ đảm bảo các chính sách thuế được thực hiện đúng và triệt để thông qua việc cơ quan thuế có các tác động, can thiệp kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm về kê khai, nộp thuế nhằm nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế.
Thứ ba, việc quản lý nợ để đảm bảo cơ quan thuế có biện pháp thu nợ phù hợp, hiệu quả, mặt khác quản lý nợ là một thước đo để đánh giá hiệu quả của công tác quản lý thu thuế, góp phần nâng cao hiệu quả của các chức năng khác như: thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế.
1.2.4.3. Yêu cầu đối với công tác quản lý nợ thuế
Như đã nói ở trên, công tác phân loại nợ thuế có ý nghĩa quan trọng trong công
tác quản lý nợ thuế. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác quản lý nợ thuế không chỉ phụ thuộc vào việc phân loại nợ mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc xác định cụ thể mục tiêu, yêu cầu của công tác quản lý nợ là một định hướng tất yếu trong
quản lý nợ, nó chính là yếu tố tiên quyết để công tác quản lý nợ đạt hiệu quả.
Thứ nhất, trong quản lý thuế nói chung và quản lý nợ thuế nói riêng, việc quản
lý đầy đủ, không bỏ sót các khoản thu của ngân sách nhà nước là yêu cầu tất yếu của công tác quản lý nợ. Đặt giả thiết việc quản lý nợ của cơ quan thuế không đầy đủ, không bao quát hết các khoản phải thu của ngân sách thì sẽ dẫn tới thất thoát ngân sách
nhà nước. Mặt khác, công tác cưỡng chế sẽ không thực hiện được, hoặc thực hiện sẽ không chính xác, đôi khi việc cưỡng chế của cơ quan thuế đối với các khoản nợ ảo do
quản lý không tốt còn mang lại tác dụng ngược khi gặp phản ứng từ phía người nộp thuế. Chính vì vậy, việc đảm bảo quản lý đầy đủ, chính xác các khoản nợ thuế của ngân
sách nhà nước là yêu cầu quan trọng trong công tác quản lý nợ thuế.
Thứ hai, phải đảm bảo quản lý chính xác các khoản nợ để cơ quan thuế có các biện pháp quản lý phù hợp. Bên cạnh việc phân loại nợ theo các tiêu thức tại phần trên, việc phân loại phải được nghiên cứu một cách khoa học, các tiêu thức phân loại phải được kết hợp với nhau một cách hợp lý, để cơ quan quản lý đánh giá,
xem xét đưa ra các biện pháp thu nợ phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực, trong từng thời kỳ phát triển kinh tế của đất nước.
Thứ ba, phải đảm bảo thu nợ kịp thời, tránh thất thu ngân sách nhà nước. Yêu cầu này cũng chính là định hướng nghiên cứu xuyên suốt đề tài, đó cũng chính là yêu
cầu cần được các nhà quản lý thuế nghiên cứu một cách toàn diện và cụ thể trong quá
trình quản lý thuế nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước, góp phần phát triển đất nước tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.