Khác biệt trong ảnh hưởng của sự quan tâm có điều kiện của cha và của mẹ

Một phần của tài liệu MỐI LIÊN hệ GIỮA sự QUAN tâm có điều KIỆN của mẹ với mức độ LO âu và TRẦM cảm của CON cái (Trang 28 - 31)

Ngoài một số các nghiên cứu đo lường chung sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ (Curran, 2018; Itzhaki, Yablon, & Itzhaky, 2018; Kollat, 2007) hoặc chỉ của riêng mẹ (Assor & Tal, 2012; Israeli-Halevi và c.s., 2015; Wouters, Colpin, và c.s., 2018), nhiều nghiên cứu cũng đo lường tách biệt giữa sự quan tâm có điều kiện của cha và của mẹ, và do đó phản ánh được phần nào sự tương đồng và khác biệt trong ảnh hưởng của sự quan tâm có điều kiện của cha và của mẹ đối với tâm lý của con cái.

Trong khi nghiên cứu của Kanat-Maymon và c.s. (2016), và Roth và Assor (2012) cho thấy có tương quan trung bình giữa sự quan tâm có điều kiện của cha và sự quan tâm có điều kiện của mẹ, và nghiên cứu của Roth và Assor (2010) cho thấy giữa sự quan tâm tiêu cực của cha và của mẹ, giữa sự quan tâm tích cực của cha và của mẹ, có tương quan ở mức độ trung bình, thì trong những nghiên cứu còn lại có báo cáo về hệ số tương quan giữa sự quan tâm có điều kiện (hoặc sự quan tâm tích cực và tiêu cực

có điều kiện) của cha và của mẹ cho thấy có sự biến thiên thuận chiều ở mức độ mạnh về mức độ sử dụng các phương pháp nuôi dạy con này ở cha và mẹ (Assor và c.s., 2005, 2004; Curran và c.s., 2017; Moller và c.s., 2019; Øverup và c.s., 2017; Roth, 2008; Roth và c.s., 2009). Các hệ số tương quan thường nằm trong khoảng từ .60 đến .70, thậm chí trong nghiên của mình, Brambilla và c.s. (2015) đã tính tổng điểm số của sự quan tâm có điều kiện của cha và của mẹ do hai biến số này có tương quan chặt chẽ với nhau. Các nghiên cứu này cho thấy sự quan tâm có điều kiện của cha và của mẹ đều có mối liên hệ nghịch chiều với sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý cơ bản và sự gắn kết trong mối quan hệ với đồng sự (Moller và c.s., 2019); đều có liên hệ thuận chiều với sự hài lòng trong mối quan hệ với cha mẹ và cảm giác gần gũi (Kanat-Maymon và c.s., 2016); đều làm giảm cảm giác ủng hộ, tin tưởng, tự do, làm tăng cảm giác bị bỏ mặc, xung đột, và từ đó làm tăng hay giảm cảm giác bản thân xứng đáng với tình yêu ở con cái (Øverup và c.s., 2017); đều làm tăng sự nội hóa có tính phóng nội và qua đó làm tăng mức độ thực hiện hành vi ủng hộ xã hội định hướng cái tôi (Roth, 2008).

Mối tương quan chặt chẽ này có thể đã phản ánh sự tương đồng trong phong cách hay quan điểm nuôi dạy con của cha mẹ cũng như trong ảnh hưởng của chúng đối với con cái. Tuy nhiên, các kết quả đó cũng có thể là hệ quả của phương pháp nghiên cứu bằng bảng hỏi tự báo cáo. Bằng chứng là trong các nghiên cứu không tính gộp sự quan tâm có điều kiện (hay tích cực và tiêu cực có điều kiện) của cha và mẹ, và tương quan giữa các biến số này của cha và của mẹ không có mức độ quá lớn thì kết quả phân tích vẫn cho thấy những điểm khác biệt trong ảnh hưởng của sự quan tâm có điều kiện (hay tích cực và tiêu cực có điều kiện) của cha và của mẹ đối với con cái. Chẳng hạn nghiên cứu của Roth và Assor (2012) cho thấy ảnh hưởng của sự quan tâm có điều kiện của mẹ dựa trên sự bộc lộ cảm xúc tiêu cực gây ra sự rối loạn cảm xúc nhiều hơn so với ảnh hưởng của thái độ từ cha. Hay nghiên cứu của Kanat-Maymon và c.s. (2016) cho thấy dù tương quan giữ sự quan tâm có điều kiện của cha và mẹ ở mức độ trung bình, vẫn có sự khác biệt trong ảnh hưởng của hai thái độ này đối với sự hài lòng trong mối quan hệ và cảm giác gần gũi.

Mặc dù vậy, vẫn có những kết quả phản ánh chiều hướng ngược lại. Chẳng hạn như trong nghiên cứu của Roth và Assor (2010), giữa sự quan tâm tiêu cực (và cả tích cực) có điều kiện của cha và của mẹ đối với sự dồn nén cảm xúc buồn bã ở con cái có tương quan ở mức độ trung bình nhưng không ghi nhận sự khác biệt trong ảnh hưởng

của hai thái độ từ cha và mẹ này đối với tâm lý của con cái. Hay trong nghiên cứu của Roth và c.s. (2009), mặc dù tương quan giữa sự quan tâm tích cực (cũng như tiêu cực) có điều kiện của cha và của mẹ đối với sự dồn nén cảm xúc ở mức độ mạnh, vẫn tìm thấy tác động khác biệt. Trong nghiên cứu này, sự quan tâm tích cực có điều kiện của cha làm tăng sự thôi thúc bên trong và qua đó làm tăng sự dồn nén cảm xúc tức giận ở con cái. Và những ảnh hưởng này là lớn hơn so với ảnh hưởng của sự quan tâm tích cực có điều kiện của mẹ. Trong khi đó, sự quan tâm tiêu cực có điều kiện của mẹ dựa trên sự dồn nén cảm xúc tức giận (tương tự với lĩnh vực dồn nén cảm xúc sợ hãi, và kết quả học tập) có ảnh hưởng đối với sự oán giận cha mẹ lớn hơn so với sự quan tâm tiêu cực có điều kiện của cha.

Một số nghiên cứu khác, không báo cáo về tương quan giữa sự quan tâm có điều kiện (hay sự quan tâm tích cực và tiêu cực có điều kiện) của cha và của mẹ, cho thấy có sự khác biệt nhất định trong ảnh hưởng đối với tâm lý của con cái của thái độ này đến từ cha và mẹ. Chẳng hạn nghiên cứu Grundman (2010) cho thấy sự quan tâm tích cực (và cả tiêu cực) có điều kiện của cha và của mẹ có mối liên hệ tương tự với các loại động lực đối với việc giao tiếp với cha mẹ, động lực đối với việc học tập, cách hình thành bản sắc, lòng tự trọng có điều kiện dựa trên sự ủng hộ của gia đình và dựa trên kết quả học tập. Tuy nhiên, sự quan tâm tích cực có điều kiện của cha có tương quan thuận chiều với động lực nội tại đối với việc giao tiếp với cha mẹ, và đối với thiếu động lực học tập trong khi không có tương quan giữa sự quan tâm tích cực có điều kiện của mẹ với hai biến số này. Hoặc nghiên cứu của Saeed và Hanif (2014) cho thấy sự khác biệt trong khả năng dự báo chất lượng mối quan hệ giữa cha/mẹ với con cái của sự quan tâm có điều kiện của cha và của mẹ. Cụ thể, trong việc dự báo chất lượng mối quan hệ giữa mẹ và con, sự quan tâm có điều kiện của mẹ dựa trên thể thao, học tập làm giảm chất lượng mối quan hệ, và sự quan tâm có điều kiện của mẹ dựa trên việc kiểm soát cảm xúc thì làm tăng chất lượng mối quan hệ, trong khi thái độ này khi dựa trên hành vi ủng hộ xã hội thì không có tác động. Trong việc dự báo chất lượng mối quan hệ giữa cha và con, chỉ có sự quan tâm có điều kiện của cha dựa trên học tập sẽ làm giảm chất lượng mối quan hệ còn thái độ này dựa trên những lĩnh vực khác thì không có tác động.

Như vậy có thể thấy mặc dù nhìn chung sự quan tâm có điều kiện của cha và của mẹ có sự tương đồng trong ảnh hưởng đối với tâm lý của con cái nhưng vẫn tồn tại những điểm khác biệt và sự tương đồng này không phải xuất phát vì cách thức đo lường

(tương quan của các thái độ này giữa cha và mẹ là mạnh nhưng vẫn có điểm khác biệt hoặc tương quan giữa các thái độ này giữa cha và mẹ là trung bình nhưng không có điểm khác biệt). Những kết quả thiếu nhất quán này đặt ra câu hỏi về sự tương đồng và khác biệt trong ảnh hưởng của sự quan tâm có điều kiện của cha và của mẹ đối với con cái. Fromm (1956) cho rằng tình yêu thương của mẹ cần phải vô điều kiện còn tình yêu thương của cha cần phải có điều kiện. Tình yêu thương vô điều kiện của mẹ đem lại sự an toàn cho con còn tình yêu thương có điều kiện của cha thì thúc đẩy con trưởng thành. Để có thể kiểm chứng giả thuyết này cần phải có thêm các nghiên cứu tập trung vào mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện của mẹ với của cha trong khả năng ảnh hưởng tới đời sống tâm lý của con cái. Các nghiên cứu trước đây được thiết kế theo kiểu tương quan không thể phản ánh được được những cách kết hợp giữa các kiểu quan tâm có điều kiện của cha mẹ mà chỉ có thể xem xét tác động của sự quan tâm có điều kiện (hay tích cực và tiêu cực có điều kiện) của cha và của mẹ một cách độc lập.

Một phần của tài liệu MỐI LIÊN hệ GIỮA sự QUAN tâm có điều KIỆN của mẹ với mức độ LO âu và TRẦM cảm của CON cái (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)