Để đạt được các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, chắc chắn cần phải có những buổi hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao khả năng xét xử, phân tích
tình tiết vụ án. Án ma túy có đặc trưng là sự dễ lẫn lộn giữa các tội danh, chúng chồng chéo nhau và không có ranh giới phân định rõ ràng. Cho nên, sự hướng dẫn chỉ đạo từ những người có kinh nghiệm dày dặn đi trước sẽ là những kinh nghiệm hết sức quý báu cho tập thể cán bộ công chức đang công tác tại Tòa án Nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Như đã đề cập ở trên, các cơ quan tố tụng cần chỉ đạo nhân sự tham gia từ xa phiên tòa xét xử lưu động, nhằm đúc rút cho mình những hạn chế và những mặt đạt được của phiên tòa. Nhân sự tham gia xét xử trong những vụ án như vậy cũng cần được chọn lựa kỹ càng, từ Thư ký cho đến Thẩm phán, nên là những người có thâm niên và thành tích tốt. Chủ tọa phiên tòa cần phải có dự trù những câu hỏi cụ thể mà mình sẽ đưa ra, dự trù được diễn biến tại phiên tòa để có thể xử lý một cách khéo léo nhất có thể.
Sự thay đổi liên tục của tình hình kinh tế - xã hội là nguyên nhân cho sự lỗi thời và đổi mới liên tục của các văn bản pháp luật, điều nay ít nhiều gây ra tình trạng không cập nhật kịp quy định mới về pháp luật ở phía nhân sự ngành Tòa án, do họ đã quá bận rộn và áp lực bởi số án tồn đọng ngày càng tăng cao và tình trạng thiếu Thư ký. Do đó, đề xuất các cấp có thẩm quyền chủ động tạo những diễn đàn phổ biến những quy định mới trong pháp luật cho đội ngũ công chức Tòa án kịp thời hiểu, nắm bắt từ cốt lõi, bản chất luật và vận dụng nó trong thực tiễn xét xử một cách sáng suốt.
Những buổi tập huấn như vậy không thể bỏ qua các Hội thẩm, vì họ cũng cần được bồi dưỡng năng lực, khả năng cập nhật pháp luật. Song song đó, chế độ đãi ngộ cho các Hội thẩm cũng không được xem nhẹ. Có như vậy thì các Hội thẩm mới phát huy được hết khả năng, chuyên tâm cho công việc. Nhưng chúng ta cũng không quên những quy định về trách nhiệm của mỗi Hội thẩm trong xét xử, quy định trách nhiệm cụ thể là một phương pháp đẩy lùi tình trạng làm việc hời hợt, chểnh mảng và làm cho có, vô trách nhiệm.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Chương 3 đã nêu ra những giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về Tội mua bán trái phép chất ma túy như sự cần thiết phải bổ sung khái niệm tội phạm về ma túy, một số vấn đề còn cần được làm rõ về định tội danh và về giám định hàm lượng các chất ma túy bằng cách phải ban hành ngay các văn bản hướng dẫn thi hành và thay thế, sửa đổi một số văn bản hạn chế, bất cập. Ngoài ra, chương 3 cũng đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả xét xử Tội mua bán trái phép chất ma túy như giải pháp về quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan tố tụng (cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án; đối với những vụ án ma túy điểm được chọn làm phiên tòa rút kinh nghiệm, thủ trưởng các đơn vị cần phân công các cán bộ của đơn vị là những người tiến hành tố tụng đến theo dõi phiên tòa), giải pháp về pháp luật, giải pháp về công tác tổ chức, giải pháp về nghiệp vụ.
KẾT LUẬN
Qua ba chương của luận văn “Tội mua bán trái phép chất ma túy từ thực tiễn huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh”, tác giả hy vọng luận văn của mình đã tiếp nối những công trình nghiên cứu của các tác giả khác, lần này không chỉ dừng ở mức khu vực của Việt Nam mà đi sâu vào tình hình mua bán trái phép chất ma túy ở một huyện trực thuộc tỉnh. Luận văn đã bao hàm trong nó mức độ khái quát cao về khái niệm chất ma túy, khái niệm Tội mua bán chất ma túy; quy định hiện hành tại điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; lịch sử lập pháp liên quan các tội phạm về ma túy nói chung, tội mua bán trái phép chất ma túy nói riêng; tổng quan về huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và tình hình tội phạm mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn huyện; thực tiễn xét xử và định tội danh (những thành tựu, vướng mắc); cũng như từ đó đề ra những cải cách, sửa đổi dựa trên ý kiến chủ quan của tác giả.
Tuy vậy, sẽ không thể tránh khỏi những nhầm lẫn, thiếu sót, rất mong trong tương lai, sẽ tiếp tục có những luận văn đi sâu vào nghiên cứu cấp huyện hoặc ở những vùng địa lý nhỏ, để từ đó có những biện pháp cải thiện xã hội đi từ huyện đến tỉnh và đến khu vực, vùng miền. Song song đó, thiết nghĩ, muốn chuyển hóa bất cứ loại tội phạm xã hội nào thì gốc rễ vẫn phải đến từ giáo dục, chứ không chỉ từ chế tài hoặc hình phạt răn đe.