Yếu tố con người luôn là yếu tố quan trong quyết định sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Vì vậy, chất lượng của đỗi ngũ cán bộ thẩm định có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác thẩm định. Hiện nay, tại Chi nhánh chất lượng đội ngũ cán bộ thẩm định không đồng đều, vẫn còn một số cán bộ có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, đặc biệt tại Chi nhánh các cán bộ khách hàng vừa phải thực hiện tìm kiếm, tư vấn khách hàng, vừa thực hiện công tác thẩm định khách hàng mà không có sự chuyên môn hóa công việc, trong khi các cán bộ khách hàng tại Chi nhánh đều rất trẻ nên hạn chế về mặt kinh nghiệm... trước những tồn tại đó, tác giả có đề xuất một số các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thẩm định tại Chi nhánh Kinh Đô như sau:
Thứ nhất, cần phải thường xuyên tổ chức đánh giá năng lực của cán bộ thẩm định thông qua việc đánh giá chất lượng công việc của các cán bộ đó, thông qua các bài kiểm tra đánh giá trình độ chuyên môn để từ đó có những đánh giá chính xác về năng lực của từng cán bộ để có kế hoạch đào tạo sao cho phù hợp. Mặt khác, thông qua các đợt kiểm tra sẽ khuyến khích các cán bộ thẩm định không ngừng trau dỗi các kỹ năng, các kiến thức phục vụ nghề nghiệp của mình từ đó góp phần nâng cao năng lực của các cán bộ thẩm định.
Thứ hai, Chi nhánh cần thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm, phổ biến chủ trương của VPBank và của Chi nhánh, phổ biến các kiến thức về kinh tế thị trường, về các biến động của các ngành nghề kinh tế và về các quy định mới của pháp luật và của VPBank để các cán bộ kịp thời nắm bắt phục vụ cho công tác thẩm định khách hàng.
Thứ ba, Chi nhánh cần có các chính sách thưởng, phạt rõ ràng như thưởng, phạt theo hiệu quả công việc nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và khuyến khích các cán bộ thẩm định thực hiện tốt công việc của mình.
Thứ tư, Chi nhánh cần ban hành các tiêu chí cụ thể về yêu cầu trình độ chuyên môn của một cán bộ thẩm định để các cán bộ chủ động hơn trong việc trau dồi các kiến thức, kỹ năng hơn cũng như giúp cho Chi nhánh có thể đưa ra các kế hoạch đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của công tác thẩm định. Một số các yêu cầu cơ bản về trình độ chuyên môn của một cán bộ thẩm định tín dụng cá nhân như sau:
- Cán bộ thẩm định cần có các kỹ năng, kiến thức về nghiệp vụ thẩm định khách hàng cá nhân, phải có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài ra, các cán bộ thẩm định cần thường xuyên tr au dồi, cập nhật kiến thức nhằm không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân.
- Các cán bộ thẩm định cần nắm vững các quy định của pháp luật và các quy trình, quy chế của ngân hàng liên quan đến việc cấp tín dụng nói chung và công tác thẩm định nói riêng.
- Các cán bộ thẩm định cần có kiến thức rộng, am hiểu các lĩnh vực kinh tế, ngành nghề, có các kỹ năng về cập nhật, nắm bắt thông tin, am hiểu về pháp luật liên quan đến các lĩnh vực mà mình phụ trách thẩm định khách hàng để cho vay vốn.