2.3.2.1. Hạn chế còn tồn tại
Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và đạt được một số kết quả trên nhưng những hạn chế về quản lý và sử dụng vốn trong công ty vẫn còn những hạn chế nhất định:
Thứ nhất, hình thức huy động vốn của công ty chưa đa dạng, cơ cấu nguồn vốn tập trung chính vào 2 nhóm: vốn chủ sở hữu và vốn vay ngân hàng (bên cạnh đó còn nguồn vốn chiếm dụng nhưng công ty cũng bị chiếm dụng vốn nhiều), các công tác huy động vốn từ các nguồn khác còn yếu chưa phát huy được hết lợi thế của công ty.
Thứ hai, tình trạng vay nợ của công ty còn lớn, làm giảm tốc độ chu chuyển của vốn lưu động.
Thứ ba, các khoản phải thu và hàng tồn kho luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn lưu động trực tiếp làm vốn luân chuyển chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn lưu động nói riêng và vốn kinh doanh nói chung. Việc quản lý hàng tồn kho chưa hiệu quả dẫn đến kỳ luân chuyển vốn lưu động dài, vòng quay vốn lưu động thấp làm cho vốn bị ứ đọng. Phải thu khách hàng chiếm tỷ lệ cao trong vốn lưu động của công ty, từ đó phát sinh chi phí quản lý, theo dõi thu hồi, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Thứ tư, số vòng quay của các khoản phải thu, hàng tồn kho còn thấp do đặc điểm ngành nghề. Bên cạnh đó công ty cần có những biện pháp chính sách đối với khách hàng và hàng tồn kho để việc kinh doanh có hiệu quả hơn.
2.3.2.2. Nguyên nhân của hạn chế
Những tồn tại trong việc quản lý vốn đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của công ty. Một số nguyên nhân có thể kể đến như:
Nguyên nhân khách quan:
Một là, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là chuyên xây dựng, phục vụ xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi. Từ đó, việc tồn đọng hàng tồn kho mà chủ yếu là giá trị sản xuất kinh doanh dở dang tại các công trình là điều không thể tránh khỏi. Công ty cần có những biện pháp phù hợp quản lý hàng tồn kho làm giảm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh.
Thứ hai, là nguồn vốn giải ngân từ phía chủ đầu tư. Việc giải ngân, thanh toán chậm của của đầu tư làm giá trị công nợ phải thu cao. Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn vốn sản xuất kinh doanh, công ty tăng dư nợ vay vốn các ngân hàng. Các khoản phải thu lớn cùng với chi phí lãi vay làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của công ty.
Nguyên nhân chủ quan:
Thứ nhất, cơ cấu vốn của Công ty chưa được hợp lý, thể hiện giữa tỷ lệ vốn lưu động và vốn cố định có sự chênh lệch ngược chiều so với trung bình của doanh
nghiệp ngành xây lắp. Cụ thể, vốn lưu động của công ty chiếm từ 74% đến 79% tổng vốn kinh doanh. Ngoài nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn vốn vay ngân hàng, công ty chưa phát huy được hết lợi thế trong công tác huy động vốn từ các nguồn khác.
Thứ hai, trình độ cán bộ quản lý của công ty nhìn chung còn hạn chế, bộ máy quản lý tại các Chi nhánh trực thuộc còn thụ động, chưa phát huy được sức mạnh nội tại. Lực lượng cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao thường xuyên biến động và chưa thực sự gắn bó xây dựng doanh nghiệp do đó cũng ảnh hưởng đến công tác hồ sơ chất lượng, tiến độ thời gian thanh quyết toán các công trình đã hoàn thành thi công của công ty. Tình hình thanh quyết toán các công trình xây lắp phức tạp, chậm chạp, đặc biệt là các công trình lớn như thủy điện Xekaman 1, Nậm Na 2, Nậm Na 3,... dẫn đến tình trạng vốn bị chiếm dụng tại các công trình, làm ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả kinh doanh của công ty.
Thứ ba, công tác đầu tư để ứng dụng công nghệ vào quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, chưa được lãnh đạo đơn vị chú trọng. Đến nay đơn vị mới sử dụng phần mềm quản trị văn phòng, sử dụng giao ban trực tuyến giữa cơ quan Công ty với các công trường mà chưa ứng dụng cho công tác quản lý hồ sơ chất lượng, công tác quản lý kho, hạch toán kinh doanh, hệ thống theo dõi tiến độ, công tác báo cáo, công tác quyết toán theo từng dự án công trình. Do đó hiệu quả trong công tác điều hành không cao, công tác kiểm tra giám sát của Ban lãnh đạo công ty đến các phòng ban và các chi nhánh trực thuộc chưa kịp thời dẫn đến xử lý thông tin, giải quyết các tồn tại vướng mắc ở các công trường mất nhiều thời gian, hao phí công sức, tăng chi phí quản lý dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh của đơn vị. Công ty chưa ứng dụng công nghệ thi công tiên tiến vào sản xuất, do đó vấn đề nhân lực là hết sức khó khăn, sử dụng lao động trực tiếp còn nhiều, khả năng nâng cao năng suất lao động của công ty hiện nay là rất hạn chế.
Thứ tư, công ty chưa làm tốt công tác thu hồi nợ là nguyên nhân dẫn tới việc giảm tốc độ chu chuyển của vốn lưu động, một bộ phận lớn vốn của công ty bị khách hàng và chủ đầu tư chiếm dụng. Kéo theo là tình trạng vay nợ từ các tổ chức
tín dụng, công ty đang phải chịu một khoản lãi vay không nhỏ từ các khoản vay này.
Thứ năm, công ty chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả sử dụng TSCĐ nhất là về mặt tài chính. Việc tính toán các chỉ tiêu tài chính về hiệu quả sử dụng TSCĐ, phân tích tình hình sử dụng TSCĐ hầu như không có. Chính điều này dẫn đến việc đánh giá không chính xác những thiết sót trong việc sử dụng và từ đó chưa thể đưa ra những giải pháp đúng đắn, kịp thời.
Trên đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của Công ty cổ phần Sông Đà 4 còn thấp. Trong tương lai, công ty cần định hướng lại và đưa ra các giải pháp giải quyết những tồn tại trên.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Dựa trên cơ sở lý luận đã hệ thông và làm sáng tỏ ở chương 1, chương 2 luận văn tập trung nghiên cứu thực trang sử dụng vốn kinh doanh của Công ty cổ phần Sông Đà 4 trong giai đoạn 2014-2016. Những kết quả nghiên cứu chủ yếu mà chương 2 đạt được như sau:
Một là khái quát toàn bộ quá trình hình thành phát triển của Công ty cổ phần Sông Đà 4. Đồng thời, luận văn đánh giá một cách khái quát tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty trong giai đoạn 2014-2016.
Hai là, dựa vào những chỉ tiêu đánh giá ở chương 1 tác giả phân tích thực trạng sử dụng vốn kinh doanh của công ty trên nhiều khía cạnh như chỉ tiêu phản ánh hiệu suất như: hiệu suất sử dụng vốn lưu động, hiệu suất sử dụng hàng tồn kho, hiệu suất sử dụng các khoản phải thu,... Các chỉ tiêu sinh lời như: tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tài sản,.
Ba là, trên cơ sở phân tích các chỉ tiêu tài chính. Luận văn chỉ ra những kết quả đạt được, những hạn chế cần khắc phục đồng thời đưa ra các nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan của những hạn chế. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của Công ty cổ phần Sông Đà 4 ở chương 3.
STT Chỉ tiêu Đơn vị tính Công ty CP Sông Đà 4 (năm 2016) Trung bình ngành 1 ROA % 2% 14,7% 2 ROE % 16 % 33%
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN KINH DOANH TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN SÔNG ĐÀ 4