Quy mô doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố tác động đến cơ cấu vốn của các doanh nghiệp niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán thành phố hồ chí minh (Trang 82 - 87)

Với mức ý nghĩa 1%, biến số quy mô doanh nghiệp (size) có tương quan dương với tỷ lệ đòn bẩy tài chính và là một nhân tố quan trọng trong việc quyết định mức độ sử dụng nợ của công ty ở hai mô hình. De Joong, Kabir và Nguyen (2008) cũng nhận thấy có mối tương quan dương giữa quy mô doanh nghiệp và đòn bẩy tài chính ở các doanh nghiệp Hà Lan. Kết quả tương tự cũng được nhận thấy ở nghiên cứu của Deesomak và ctg (2004). Trong các nghiên cứu này, quy mô doanh nghiệp được sử dụng như một biến kiểm soát (control variable). Như vậy, những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn có mức độ sử dụng nợ nhiều hơn những công ty có quy mô nhỏ. Nguyên nhân có thể được giải thích bởi những công ty có quy mô lớn thường có hiệu

quả kinh doanh ổn định và hiệu quả hơn. Một sự giải thích khác cho mối tương quan dương giữa quy mô doanh nghiệp và đòn bẩy tài chính đó là các nhà đầu tư bên ngoài thông thường sẽ có nhiều thông tin về các doanh nghiệp lớn nhiều hơn. Do vậy, mức độ bất cân xứng về thông tin sẽ giảm đi và các công ty có xu hướng sử dụng nhiều nợ hơn (Chen và ctg 1999).

Bảng 0.114.10. Bảng tóm tắt về các biến số và kết quả hồi quy

Biến số Lý thuyết cơ cấu vốn Kỳ vọng Kết quả hồi quy

LEV (-1) (+)

GRO Lý thuyết chi phí đại diện (-) (+)

FCF Lý thuyết chi phí đại diện (+) (-)

NDTS Lý thuyết đánh đổi (-) Không có ý nghĩa TA Lý thuyết đánh đổi (+) (-)

VOL Lý thuyết đánh đổi (-) (+)

RE Lý thuyết trật tự phân hạng (-) (-)

PR Lý thuyết trật tự phân hạng (-) (+)

LIQ Lý thuyết trật tự phân hạng (-) Không có ý nghĩa

SI (+)

Nguồn: tác giả tổng hợp

Bảng 4.10 tổng hợp lại những biến số cùng với kỳ vọng dựa trên cơ sở là các lý thuyết về cơ cấu vốn và kết quả đạt được từ mô hình hồi quy. Nhìn chung, các biến số được lựa chọn đều có ý nghĩa thống kê trong mô hình, nói cách khác là có tác động đến cơ cấu vốn, được thể hiện qua tỷ lệ nợ ngắn hạn/ tổng tài sản và tổng nợ/ tổng tài sản. Trong đó, các biến số FCF, TA và RE có tương quan âm với đòn bẩy tài chính; tỷ lệ nợ năm trước, GRO, VOL, PR và SI có tương quan dương với đòn bẩy tài chính.

Kết quả mô hình hồi quy cho thấy ngoại trừ biến số RE, các biến số còn lại đều cho kết quả không phù hợp với kỳ vọng ban đầu được xây dựng từ các lý thuyết về cơ cấu vốn. Như vậy, các lý thuyết về cơ cấu vốn ra đời ở các quốc gia phát triển chưa có được sự giải thích mạnh mẽ lên việc lựa chọn cơ cấu vốn ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Một trong những nguyên nhân có thể bởi vì những giả định cơ bản làm nền tảng cho các lý thuyết sẽ có một số điểm không phù hợp ở Việt Nam.

Trước hết, hiện nay nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gồm nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở các quốc gia phương Tây. Do vậy, ở một số doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối, những mục tiêu hoạt động và chính sách được đưa ra đôi khi còn chịu sự quản lý, điều hành của Nhà nước chứ không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận thông thường.

Đối với thị trường chứng khoán, một trong những kênh thu hút vốn quan trọng của nền kinh tế hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển và còn gặp nhiều hạn chế làm giảm hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, chẳng hạn như: những lo ngại về tính thanh khoản của thị trường, kiểm soát giao dịch của các bên có liên quan, khả năng bảo toàn tài chính của các công ty dịch vụ môi giới giao dịch, giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam… (Ngân hàng Thế giới 2014).

Hoạt động của hệ thống ngân hàng hiện vẫn được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước và Nhà nước cũng tham gia vào thị trường bằng việc nắm giữ phần vốn góp chi phối ở những ngân hàng lớn. Do vậy, thông qua các chính sách được ban hành trong từng thời kỳ, Nhà nước sẽ có định hướng lên tình hình hoạt động và phát triển của các ngân hàng, trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Trong tổng thể, các quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động kinh doanh đã được thiết kế phù hợp hơn với quy luật thị trường, theo hướng tôn trọng quyền tự quyết định, quyền tự do thỏa thuận của các chủ thể kinh doanh. Mặc dù vậy, vẫn còn

tồn tại các quy trình, thủ tục, điều kiện chưa hợp lý, can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, gây bất bình đẳng trên thực tế giữa các chủ thể kinh doanh, chưa đảm bảo được một môi trường cạnh tranh lành mạnh, an toàn (Trung tâm WTO, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam 2015).

Chính những sự khác biệt rõ rệt về hệ thống pháp lý, cách thức điều hành của Nhà nước, thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng Việt Nam, vấn đề về sở hữu Nhà nước trong các doanh nghiệp niêm yết sẽ làm ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn cơ cấu vốn của các nhà quản trị.

Tuy nhiên, dựa trên việc xác định được các nhân tố tác động đến cơ cấu vốn, các nhà quản trị tài chính sẽ có thêm cơ sở tham khảo nhằm điều chỉnh cơ cấu vốn sao cho phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp. Mặc khác, kết quả mô hình hồi quy cũng cho thấy quá trình điều chỉnh đến cơ cấu vốn mục tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam là khá dễ dàng.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 4

Dựa trên phương pháp nghiên cứu được xây dựng ở chương ba nhằm trả lời các câu hỏi nghiên cứu đã được đặt ra, các kết quả chính đạt được ở chương bốn là:

- Về cơ cấu nợ của doanh nghiệp: tùy theo ngành nghề mà có sự khác nhau trong mức độ sử dụng nợ nhưng nhìn chung các doanh nghiệp sử dụng nhiều nợ ngắn hạn hơn so với nợ dài hạn. Điều này có sự tương đồng với mức độ sử dụng nợ ở các quốc gia đang phát triển khác. Tuy nhiên, ở các quốc gia phát triển, các doanh nghiệp lại sử dụng nhiều nợ vay dài hạn hơn nợ vay ngắn hạn. Trong cơ cấu nợ, nợ vay ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là nợ vay ngân hàng ngắn hạn. Ngoài ra, thông qua phân tích tương quan giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn, kết quả cho thấy một số các doanh nghiệp hiện đang sử dụng vốn một cách không hợp lý, đó là sử dụng nợ ngắn hạn tài trợ cho các tài sản dài hạn, điều này có thể dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản.

- Về việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu vốn: phần lớn các biến số được lựa chọn đều có ý nghĩa thống kê trong mô hình. Trong đó, các biến số FCF, TA và RE có tương quan âm với đòn bẩy tài chính; tỷ lệ nợ năm trước, GRO, VOL,

PR và SI có tương quan dương với đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, ngoại trừ biến số RE, các biến số còn lại đều cho kết quả không phù hợp với kỳ vọng ban đầu cho thấy các lý thuyết về cơ cấu vốn ra đời ở các quốc gia phát triển chưa có được sự giải thích mạnh mẽ lên việc lựa chọn cơ cấu vốn ở Việt Nam. Mặc khác, kết quả mô hình hồi quy cũng cho thấy quá trình điều chỉnh đến cơ cấu vốn mục tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam là khá dễ dàng.

Dựa trên các kết quả đã đạt được thông qua phân tích thống kê mô tả và mô hình hồi quy, đề tài sẽ trình bày một số kết luận chính, khuyến nghị cũng như các hạn chế ở chương 5.

CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ

Để trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu đã được đặt ra ở chương hai, đề tài đã sử dụng các phương pháp so sánh, phân tích thống kê, phương pháp định tính và phương pháp phỏng vấn. Từ đó đưa ra những kết quả nghiên cứu ở chương bốn về cơ cấu vốn và các nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu vốn. Thông qua những phân tích kết quả nghiên cứu, nội dung chương năm tập trung vào việc đưa ra những kết luận chính, một số khuyến nghị nhằm hướng đến việc hỗ trợ các nhà quản trị tài chính trong việc xây dựng cơ cấu vốn của doanh nghiệp, tiếp cận các nguồn cung vốn dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, một số hạn chế của đề tài cũng được đề cập, từ đó, chỉ ra những hướng nghiên cứu mới phù hợp hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố tác động đến cơ cấu vốn của các doanh nghiệp niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán thành phố hồ chí minh (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)