Lý thuyết trật tự phân hạng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố tác động đến cơ cấu vốn của các doanh nghiệp niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán thành phố hồ chí minh (Trang 33 - 35)

Lý thuyết trật tự phân hạng giải thích các doanh nghiệp ra quyết định lựa chọn nguồn tài trợ như thế nào. Khi thiếu nguồn tài trợ cho các hoạt động của mình, doanh nghiệp sẽ quyết định lựa chọn nguồn tài trợ phù hợp. Những doanh nghiệp lớn sẽ có nhiều sự lựa chọn và đa dạng hóa các nguồn tài trợ của mình hơn. Họ có danh tiếng tốt hơn trên thị trường và sẽ dễ dàng hơn khi huy động vốn so với các công ty nhỏ hơn (Frank và Goyal 2003). Lý thuyết trật tự phân hạng chủ yếu dựa trên mối quan tâm về việc bất cân xứng thông tin ảnh hưởng lên quyết định đầu tư và tài trợ của công ty bởi vì các nhà quản lý có nhiều thông tin hơn những nhà đầu tư bên ngoài. Do vậy, các nhà quản trị hiểu rõ hơn về giá trị thật sự của công ty hơn là các nhà đầu tư bên ngoài thị trường. Điều này cũng không gây ngạc nhiên, bởi vì nhà quản trị là những người trực tiếp làm việc và điều hành doanh nghiệp. Lý thuyết này đề cập về

việc các công ty thường ưu tiên sử dụng nguồn tài trợ bên trong hơn nguồn tài trợ bên ngoài. Nếu các công ty muốn sử dụng các nguồn từ bên ngoài, họ sẽ quan tâm đến nợ hơn việc phát hành cổ phiếu (Baker và Martin 2011).

Như vậy, lý thuyết này có tác động đến việc lựa chọn cơ cấu vốn của doanh nghiệp như thế nào? Như đã đề cập ở trên, khi công ty kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận giữ lại được sử dụng như một nguồn tài trợ và nợ sẽ không được xem là nguồn tài trợ hàng đầu ở những công ty có khả năng tạo lợi nhuận tốt (Myers và Majluf 1984). Ross và ctg (2008) cho rằng, các công ty không ở giai đoạn tăng trưởng thích dùng các nguồn bên trong để tài trợ cho các dự án của mình, tuy nhiên, đòn bẩy tài chính sẽ tăng lên khi công ty bước vào giai đoạn tăng trưởng. Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Frank và Goyal (2009), những doanh nghiệp với nhiều dự án đầu tư sẽ sử dụng nhiều nợ hơn qua thời gian.

Lý thuyết này cho thấy mức độ bất cân xứng thông tin dẫn đến những sự lựa chọn khác nhau về các nguồn tài trợ. Bởi vì việc đo lường mức độ bất cân xứng thông tin một cách trực tiếp là rất khó khăn, nên các yếu tố thay thế được lựa chọn để phân tích là: lợi nhuận giữ lại (Frank và Goyal 2003), khả năng tạo lợi nhuận (Titman & Wessels 1988) và khả năng thanh khoản (Deesomak và ctg 2004).

Một phần nguồn tài trợ bên trong là lợi nhuận giữ lại, theo Frank và Goyal (2003), các doanh nghiệp sẽ ưu tiên sử dụng nguồn này trước các nguồn tài trợ bên ngoài. Hovakimian, Opler & Titman (2001) cho rằng những công ty có khả năng tạo lợi nhuận tốt hơn với nhiều lợi nhuận giữ lại hơn có mức độ sử dụng nợ ít hơn những công ty không có khả năng sinh lời tốt. Vì vậy, đề tài kỳ vọng biến số lợi nhuận giữ lại có mối tương quan âm với đòn bẩy tài chính.

Titman & Wessels (1988) cho rằng biến số khả năng tạo lợi nhuận cũng có thể được xem xét. Như đã đề cập ở trên, các công ty ưu tiên dùng các nguồn tài trợ bên trong trước và do vậy những công ty có khả năng tạo lợi nhuận tốt hơn có nguồn tài trợ bên trong tốt hơn và sử dụng ít nợ hơn (Myers 1984). Điều này cũng tương đồng với kiểm chứng của (Deesomank và ctg 2004). Họ nhận ra rằng có mối tương quan âm giữa khả năng tạo lợi nhuận và đòn bẩy tài chính.

Khả năng thanh khoản cũng có thể được sử dụng như một biến số theo lý thuyết này. Kỳ vọng được đưa ra là biến số khả năng thanh khoản và cơ cấu vốn có mối tương quan âm, những công ty có khả năng thanh khoản tốt hơn sẽ sử dụng ít nợ vay hơn (Deesomak và ctg 2004).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố tác động đến cơ cấu vốn của các doanh nghiệp niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán thành phố hồ chí minh (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)