Giá trị thẩm mĩ của văn bản thơ trong chương trình Tiếng Việt lớp 4, lớp 5

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh qua các tác phẩm thơ trong chương trình tiểu học (Trang 37 - 38)

8. Cấu trúc đề tài

1.3.3 Giá trị thẩm mĩ của văn bản thơ trong chương trình Tiếng Việt lớp 4, lớp 5

Ở lớp 4, học sinh được học những đoạn trích hay những tác phẩm thơ trọn vẹn của văn học Việt Nam và thế giới. Những tác phẩm thơ này mang nội dung ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, ca ngợi những đức tính tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện tình yêu, sự biết ơn của những người con với mẹ hay tình yêu của người mẹ đối với con. Giá trị thẩm mĩ trong thơ không chỉ tồn tại ở mặt nội dung mà còn thể hiện ở cả mặt hình thức. Với mỗi thể thơ khác nhau, cách dùng từ ngữ và các biện pháp tu từ khác nhau cũng làm tăng thêm giá trị thẩm mĩ cho mỗi tác phẩm thơ. Với các tác phẩm thơ trong phân môn Tập đọc lớp 4, học sinh bước đầu xác định được đề tài và các mạch cảm xúc trong đó biết mở rộng vốn từ để dùng từ đúng (và hay); hiểu được ý nghĩa của câu thơ với các biện pháp nghệ thuật; hiểu được ý nghĩa của tác phẩm; bước đầu biết nhận xét với óc phê phán về nhân vật, sự việc, về cảm xúc và nghệ thuật của tác giả trong bài.

Đặc biệt, trong Phân môn Tập đọc lớp 4, các tác giả biên soạn SGK đã đưa vào số lượng lớn các bài thơ được viết theo thể thơ lục bát, có ý nghĩa quan trọng trong việc khơi gợi niềm yêu thích văn thơ, giáo dục và tạo nền tảng phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh. Thể thơ lục bát Việt Nam là một thể thơ mang đậm tính dân tộc đã tồn tại từ đời này sang đời khác. Ở thơ lục bát, người ta vừa

có thể cảm nhận được tính truyền thống vừa cảm nhận được những nét hiện đại. Với nhịp thơ uyển chuyển, giàu nhạc điệu, ngôn từ chọn lọc độc đáo, từng lời thơ vang lên mang đến rung động sâu kín nhất từ trong tâm hồn. Những bài thơ lục bát gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc, miêu tả cảnh vật thiên nhiên, sự vật, con người một cách giản dị, mộc mạc chính là những giá trị thẩm mĩ được tìm thấy trong các tác phẩm. Từ đó học sinh thấy được sự yêu mến quê hương, tình cảm yêu thương gắn bó giữa con người với quê hương, con người với con người. Đó cũng chính là những bài học đạo đức, những lời nhắn nhủ mà các tác phẩm thơ mang lại.

Sang chương trình Tiếng Việt lớp 5, học sinh được học các bài thơ có nội dung phức tạp và phong phú hơn, pha lẫn với một vài các tác phẩm mang nội dung vui, hài hước. Học sinh được hiểu sâu hơn về các biện pháp tu từ như: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, chơi chữ, điệp,… cùng với đó giá trị nội dung, ý nghĩa của từ ngữ, câu thơ, bài thơ cũng được học sinh hiểu một cách sâu sắc, thấy được cái đẹp của các tác phẩm thơ. Tuy nhiên, cũng giống như chương trình Phân môn Tập đọc lớp 4, thể thơ được đưa vào các bài Tập đọc trong chương trình lớp 5 cũng góp phần tạo nên cái đẹp, các giá trị thẩm mĩ phong phú của các tác phẩm. Nhưng khác với lớp 4, thể thơ được đưa vào nhiều nhất trong phân môn Tập đọc lớp 5 là thơ tự do. Đây là thể thơ hiện đại, không tuân theo những quy tắc về cách luật như các thể thơ khác. Mạch thơ được mở rộng theo 2 chiều dọc và ngang một cách tự do phóng túng. Nhịp điệu thơ thường gắn với miêu tả, tâm sự, … Khi sáng tác các tác phẩm theo thể thơ tự do, tác giả có thể mặc sức miêu tả đối tượng khiến cho tứ thơ trở lên bay bổng, thể hiện rõ nét nhất nội dung tác giả muốn biểu hiện. Các bài thơ theo thể thơ này giúp cho học sinh phát huy khả năng cảm nhận thơ và tư duy trừu tượng, giúp các em có những cảm nhận mới mẻ, tạo hứng thú tìm hiểu nội dung và các giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Điều này cũng có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh qua các tác phẩm thơ trong chương trình tiểu học (Trang 37 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)