Quan hệ ứng xử vợ chồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tục ngữ người việt và tục ngữ người hán về văn hóa ứng xử trong gia đình (Trang 51 - 56)

7. Bố cục luận văn

2.2.2. Quan hệ ứng xử vợ chồng

Qua khảo sát, chúng tôi tổng hợp được 156/454 câu tục ngữ Việt nói về cách ứng xử vợ - chồng. Dựa theo nội dung của những câu tục ngữ, chúng tôi chia thành các nhóm sau:

2.2.2.1. Nét đẹp trong ứng xử vợ - chồng

Thành vợ nên chồng với nhau là bởi duyên:

Người Việt có câu cửa miệng: cái duyên cái số nó vồ lấy nhau, hay, phải duyên phải số nó vồ lấy nhau,để nói đến khởi đầu của một cuộc hôn nhân. Điều đó có nghĩa, trong tiềm thức của người dân Việt, hôn nhân giống là một sự kết dính đã được định sẵn, ràng buộc bởi một sợi dây vô hình. Hiện thực tâm lý đó cũng đã được cụ thể hóa trong tục ngữ: Vợ chồng may rủi là duyên. Như vậy, vợ chồng lấy nhau sau đó có mang lại hạnh phúc cho nhau hay không cũng là sự an bài của số mệnh. Điều này càng được thể hiện rõ hơn ở câu tục ngữ tiếp sau: Chồng già vợ trẻ là tiên/Vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần. Nếu ở vế thứ nhất: Chồng già vợ trẻ là tiên, nếu như chồng già lấy vợ trẻ thì người vợ chắc chắn được chiều chuộng, nâng niu, nên cuộc sống giống như tiên trên trời, vế này hoàn toàn chưa nói gì đến nguyên do của việc nên duyên; thì ở vế thứ 2: Vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần, việc nên duyên đã được khẳng định: duyên nợ nần - chẳng có người đàn ông nào thích lấy vợ nhiều tuổi và già hơn mình, vì vậy, lấy vợ già đó là cái duyên do nợ nần từ những kiếp trước mang lại. Câu tục ngữ có hai vế và cụm từ duyên nợ nần ở cuối câu như muốn khẳng định: dù thế nào đi nữa, thành vợ thành chồng cũng là do duyên mà nên.

Vợ chồng gắn bó chia sẻ cùng nhau bởi nghĩa:

Khởi nguồn hôn nhân vợ chồng là duyên và sợi duyên ấy làm nảy sinh biết bao cái đẹp của cuộc hôn nhân. Những nét đẹp ấy chính là chất keo kết dính bảo đảm sự tồn tại vĩnh cửu của mối quan hệ vợ chồng.

cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Câu tục ngữ: Một miếng, nửa miếng có vợ có chồng;

Đói, no có vợ có chồng/Chia niêu, sẻ đấu đau lòng nát gan cho thấy gia cảnh và tình cảm của đôi vợ chồng. Nếu như vế trước của hai câu tục ngữ nêu hoàn cảnh thực tại của cuộc sống: khó khăn, thiếu đói thì vế sau của câu tục ngữ lại cụ thể hóa hiện trạng tình cảm của đôi vợ chồng: chung lưng đấu cật, gắn kết đồng tâm. Nếu như đầu câu tục ngữ: Một miếng, nửa miếng là những cụm từ chỉ số lượng ước lượng theo chiều giảm dần, bé nhỏ dần thì ở nửa sau của câu tục ngữ có vợ có chồng

là một cụm từ dính liền và người đọc có thể hiểu rằng: một miếng cũng có vợ có chồng, nửa miếng cũng có vợ có chồng. Miếng ăn có thể tách rời thành những phần nhỏ, còn tình vợ chồng, sự gắn kết vợ chồng không hề có sự chia tách như vậy mà luôn đồng hành sóng đôi cùng nhau. ở câu tục ngữ sau cũng như vậy, phần đầu của các vế câu đều nói đến vật chất và có sự chia đôi tách bạch, nhưng phần những phần sau nói đến vợ chồng, tình vợ chồng thì cụm từ đều dính liền nhau. Có vợ có chồng là một trạng thái bao gộp tự nhiên: trong vợ có chồng trong chồng có vợ cho nên đau lòng nát gan thì cả hai cùng chung trạng thái như nhau. Có thể nói rằng, sự thiếu thốn về vật chất: thiếu cái ăn cái uống - chính là tấm gương phản quang chiếu sáng sự gắn kết, keo sơn của tình nghĩa vợ chồng.

Khi cái đói, cái túng thiếu qua đi, cái nghĩa của vợ chồng được thể hiện qua sự bình đẳng về vị thế trong gia đình qua câu tục ngữ: của chồng, công vợ. Hiểu đơn giản, tất cả những gì mà chồng có trong tay cũng là công của vợ góp sức cùng tạo dựng nên. Câu tục ngữ rất nhẹ nhàng nhưng lại có sức nặng tạo ra sự ngang vai ngang vế của người phụ nữ với người đàn ông, đặc biệt trong xã hội xưa là điều rất hiếm thấy. Ranh giới của sự trọng nam khinh nữ đã bị xóa nhòa trong câu tục ngữ này. Câu tục ngữ cũng là lời nhắc nhở đối với các cặp vợ chồng hãy trân trọng lấy nhau. Chính vì lẽ trân trọng ấy, hàng loạt các câu tục ngữ khác cũng nhấn mạnh cái nghĩa không thể xem nhẹ giữa vợ và chồng, chẳng hạn: Vợ chồng là nghĩa già đời/Ai ơi chớ nghĩ đến lời thiệt hơn; Vợ chồng chăn chiếu chẳng rời/Bán buôn là nghĩa ở đời với nhau;

Đốn cây ai nỡ dứt chồi/Đạo nghĩa vợ chồng giận rồi lại thương... Những câu tục ngữ này, chữ nghĩa giữa vợ và chồng đặc biệt có sức nặng. Cái nghĩa ở những câu tục ngữ

này là chung nhưng sự biểu hiện của nó thật đa dạng. Nghĩa được tạo nên bởi sự gắn bó già đời với nhau giữa vợ và chồng, cho nên nó tạo ra sức mạnh gắn với sứ mệnh cứu giúp vợ chồng vượt qua thị phi: lời thiệt hơn ; nghĩa là sự gắn bó bởi lợi ích của sự cộng gộp: chăn chiếu chẳng rời, nó có sức mạnh giúp vợ chồng gắn kết với nhau theo lẽ bổ sung, bù trừ, luân chuyển: bán buôn là nghĩa ở đời với nhau; nghĩa là sợi dây tình cảm gắn bó nên không nỡ dứt bỏ nó, ở đây, nghĩa có sức mạnh gắn kết giúp vợ chồng, giúp họ tái sinh quan hệ đã rạn nứt: giận rồi lại thương. Sự biểu hiện của cái nghĩa thật đa dạng nhưng tựu trung lại vẫn xuất phát từ cái tình tồn tại trong sâu thẳm trái tim con người.

Vợ chồng đồng hành suốt kiếp cùng nhau bởi yêu:

Chữ yêu thể hiện trong tình yêu của hai vợ chồng trước hết thể hiện ở sự hòa hợp giữa hai cá thể. Tục ngữ của người Việt đã cụ thể hóa rất rõ nét trạng thái này:

Vợ chồng đầu gối tay ấp; Vợ chồng dính nhau như sam... Hình ảnh đầu gối tay ấp

hay dính nhau như sam cho thấy sự xóa nhòa ranh giới giữa hai cá thể, thêm vào đó là sự ấm nóng hòa quyện có được bởi lực hấp dẫn của tình yêu. Sự ân ái này ở trạng thái gắn bó vợ chồng trên nền tảng cái nghĩa ở phần trước không thể có được. Bởi lẽ, sự gắn bó về nghĩa cũng tạo nên một tổng thể nhưng đó là sự cộng gộp, còn ở đây đó là sự hòa hợp. Cũng chính sức hấp dẫn của tình yêu mới tạo ra được cảnh tượng: Vợ chồng như đôi chim cu/Chồng thì đi trước, vợ gật gù theo sau. Tình yêu ở đây được tạo dựng bởi sự cộng hưởng bởi lực hấp dẫn của tiếng lòng cho nên không xuất hiện bất kỳ một đối tượng liên kết nào xen kẽ ở giữa làm chất kết dính. Mọi thứ diễn ra tự nhiên đúng với cảm xúc vốn có của con người. Nhiều khi, tình yêu đơn giản chỉ là nó mà không cần bất cứ bằng chứng xác thực nào cả.

Tình yêu trong tục ngữ của người Việt không chỉ dừng lại ở sự hòa hợp giữa hai cá thể mà tình yêu còn được cụ thể hóa ở một mức cao hơn thế nữa: tình yêu gắn liền với sự thấu hiểu. Tuy số lượng các câu tục ngữ về trạng thái tình yêu này không nhiều, nhưng chúng cũng góp phần đưa tình yêu đến một nấc thang mới. Trong tục ngữ của người Việt, hình ảnh: Đói bụng chồng, đau lòng vợ, nếu như chỉ đọc lướt qua, nó cũng chỉ dừng lại ở mức sự đồng cam cộng khổ. Nhưng nếu đọc

vài lượt chúng ta sẽ nhận ra: tại sao đói bụng chồng mà đau được lòng vợ ? Phải chăng, đó chính là hiện tượng đồng bệnh tương liên. Nếu như người chồng đói mà người vợ dửng dưng thì đó là sự vô cảm của người vợ, nhưng chúng ta cũng thấy được hơn một thông tin qua sự vô cảm đó, chính là người vợ không có tình yêu dành cho người chồng của mình. Vì thế, hiện tượng đau lòng vợ khi mà bụng chồng đói

cho thấy sự nhất thể hóa cả về thể xác lẫn tâm tư của hai vợ chồng trong câu tục ngữ này.

Nét đẹp của tình yêu còn được thể hiện ở ước vọng nguyện yêu thương nhau, làm vợ chồng của nhau liên kiếp. Với ước nguyện này, họ khẳng định: Vợ chồng sống gửi thịt, chết gửi xương; Vợ chồng sống đồng tịch đồng sàng/Chết đồng quan đồng quách. Rõ ràng, ước vọng nhân duyên truyền kiếp vững bền đều xuất hiện trong tâm trí của người Việt. Ước vọng siêu hình ấy lại làm bật sáng một thực tế hữu hình đó là sức mạnh của tình yêu. Sự đồng cam cộng khổ, sự gắn bó với nhau về nghĩa cũng chưa đủ sức mạnh để khiến con người mơ ước nên duyên xuyên kiếp, bởi đó cũng chỉ là hai trạng thái làm nền cho sự phát triển của tình yêu mà thôi.

2.2.2.2. Góc khuất trong cách ứng xử vợ - chồng

Tục ngữ Việt như một cuốn cẩm nang không chỉ ghi chép lại đầy đủ những nét đẹp trong ứng xử vợ chồng mà còn tổng hợp đầy đủ những thói xấu trong cách ứng xử vợ chồng mà nhiều người Việt mắc phải. Trước hết, qua tục ngữ, ta thấy được thói xấu đó là vợ chồng khinh thường lẫn nhau. Trước hết, đó là cách người vợ phàn nàn về người chồng của mình: Hầu quân tử hơn chồng đần ngu. Câu tục ngữ cho chúng ta thấy thái độ khinh thường chồng của người vợ. Dù thế nào đi chăng nữa, đã nên duyên vợ chồng trở thành người chung chăn chung gối, người vợ cần phải biết trân trọng chồng mình như câu ca dao: Ngu si cũng thể chồng ta/Dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người. Câu nói của người vợ về người chồng của mình cũng chỉ tạo cơ hội cho thiên hạ chê cười chính bản thân người vợ đó, đồng thời bản chất thật bên trong con người cô vợ cũng bộc lộ rõ ràng hơn và có tình huống: chồng nói một, vợ nói mười.

mình theo chiều hướng không tích cực cũng xuất hiện trong tục ngữ. Đó cũng là thái độ khinh thường, rẻ rúng người vợ đầu ấp tay gồi của mình: Vợ mọn như chổi chùi chân; Vợ già như chó nằm nhà gác. Hình ảnh người vợ hiện lên qua cách nói của người chồng sao mà thấp hèn, mạt hạng đến thế ! Bản thân người phụ nữ trong xã hội cũ vốn đã là hàng thấp cổ bé họng nhưng đọc những câu tục ngữ này khiến người đọc không khỏi xót xa cho thân phận những người vợ rơi vào hoàn cảnh như vậy. Ca dao cũng có bài viết tương tự về người vợ: Vợ như chiếc chổi đầu hè/Phòng khi mưa gió đi về chùi chân/Chùi rồi anh quẳng ra sân/Gọi anh hành xóm chùi chân thì chùi. Hình ảnh người vợ hiện ra trong mắt người chồng không đáng một đồng xu. Người đời vẫn nói, có đi thì sẽ có lại, có một người vợ khinh miệt chồng của mình thì chắc chắn sẽ có một ông chồng rẻ rúng vợ. Và điều đó là một cái kết hiển nhiên.

Tục ngữ còn ghi lại sự ứng xử làm nổi rõ cái xấu về cách sống của hai vợ - chồng. Đó là sự đối nhau chan chát lối sinh hoạt, về tính cách, về tư tưởng của hai vợ chồng. Hai câu tục ngữ: Vợ chồng như mặt trăng với mặt trời; Chồng chạy ngược, vợ chạy xuôi lại cho thấy sự đối lập ngang ngửa về mọi mặt dường như không thể dung hòa của hai vợ chồng. Vợ chồng vốn dĩ là một chỉnh thể thống nhất mới có thể cùng nhau đi hết cuộc đời. Nhưng đây thì không phải thế. Chính vì vậy, những trường hợp như thế này mới dẫn đến hiện tượng được đề cập đến ở câu tục ngữ tiếp sau: Chồng ăn chả, vợ ăn nem. Hình ảnh người vợ và người chồng trong câu tục ngữ này thể hiện ra sự bình quyền không chính đáng của cả vợ lẫn chồng trong việc chim chuột, gái gú. Chảnem là hai món ăn và khi người vợ thấy chồng mình đi ăn chả thì chị ta cũng phải ăn nem để đảm bảo sự công bằng về quyền lợi, không bị thiệt, không bị kém cạnh, không bị mất đi sĩ diện của bản thân. Bên cạnh nghĩa gốc đó, chảnem còn là hình ảnh ngầm ám chỉ chuyện ngoại tình, như trong câu tục ngữ này đề cập. Không chỉ đơn thuần là việc ngoại tình, tục ngữ còn cho người đọc được thấy tệ cờ bạc và nạn quần hôn của cả vợ lẫn chồng: Chồng đánh bạc, vợ đánh bài/Chồng hai ba vợ, vợ hai ba chồng. Cũng giống như tình trạng ăn chả ăn nem bên trên, người vợ trong câu tục ngữ này cũng không hề kém cạnh, bình quyền với

chồng trong mọi tình huống. Nếu như sự bình quyền xấu xa ấy mà là sự đồng cảm, chia sẻ cùng nhau giữa hai vợ chồng thì hay biết mấy. Câu tục ngữ không chỉ tái hiện thực trạng của nhiều cặp vợ chồng trong xã hội Việt Nam thời xa xưa mà còn cho thấy sự rối ren về luân thường đạo lý trong xã hội đương thời. Những hình ảnh như vậy càng được mở rộng và tô đậm thêm trong những câu tục ngữ:

- Sông bao nhiêu nước cũng vừa Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng

- Vắng sao hôm có sao mai Vắng chồng thiếp đã có trai ở nhà

Hình ảnh người con trai cũng như hình ảnh người vợ trong hai câu tục ngữ trên cho thấy: con người sống theo dạng bản năng chứ không phải xuất phát từ tình hay nghĩa. Cách so sánh bồ bịch giống như nước hay như sao hôm sao mai của tác giả dân gian làm nổi bật về độ vô lượng không định số. Người đọc không thấy rõ thực tế có bao nhiêu gái trai trong mối quan hệ trên thì lại càng xót xa hơn khi con người sống trong cảnh loạn dâm. Thực tế của xã hội trên đã dẫn đến một thực trạng hôn nhân tồn tại không chỉ ở xã hội thời trước mà còn kéo dài truyền kỳ đến tận xã hội ngày nay và mai sau, đó là tình trạng hôn nhân gắn liền với tiền bạc:

- Còn tiền còn duyên còn nợ Hết tiền hết vợ hết chồng - Còn tiền vợ vợ chồng chồng

Hết tiền chồng đông vợ đoài

Hình ảnh vợ chồng giống như những sinh vật ký sinh với nhau và một khi dinh dưỡng hết thì tất cả lại trở về vạch xuất phát. Hai câu tục ngữ không chỉ cho thấy tình trạng mua bán, gán ghép, rẻ rúng hôn nhân mà còn phản ánh sự phát triển của lịch sử con người cũng như sự liên kết văn hóa theo chiều dài lịch sử của một dân tộc. Có thể nhận thấy, tục ngữ là những văn bản cổ xưa nhưng trong nó hàm chứa lượng kiến thức không chỉ phù hợp với thời quá khứ, với hiện tại mà còn phù hợp cho đến tương lai mãi về sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tục ngữ người việt và tục ngữ người hán về văn hóa ứng xử trong gia đình (Trang 51 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)