7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Kiểu nhân vật có số phận bi kịch
Thế giới nhân vật của nhà văn Tống Ngọc Hân chủ yếu là những người nông dân sống ở các vùng núi phía Bắc của Việt Nam. Cuộc đời của họ quanh năm đối mặt với cái đói, cái nghèo và cả những hủ tục lạc hậu… Mỗi nhân vật của Tống Ngọc Hân có một hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng điểm chung của những nhân vật trong sáng tác của chị đó là họ sinh ra đã mang trong mình nỗi đau. Có những nỗi đau lên đến tột cùng mà không có sự giải thoát để rồi trở thành bi kịch, mỗi nhân vật mang một bi kịch, không ai giống ai.
2.2.2.1. Bi kịch bởi những giá trị văn hóa truyền thống đã lỗi thời
Tống Ngọc Hân đã từng sống trên Lào Cai nên chị đã được nghe những câu chuyện hãi hùng, được chứng kiến những nỗi đau khổ của những nạn nhân của hủ tục lạc hậu. Một trong những biểu hiện của hủ tục lạc hậu của người vùng cao trên Lào Cai đó chính là tục cưới hỏi thói mê tín dị đoan, tục tảo hôn…
Viết về những nhân vật người vùng cao, nhà văn đã đã giúp chúng ta khám phá về phong tục, tập quán của các vùng, miền khác nhau. Đồng thời nhà văn cũng giúp chúng ta thấu hiểu nỗi trăn trở của họ trước một hủ tục đang còn âm thầm, dai dẳng tồn tại trên mảnh đất vùng cao, đó là tục cưới hỏi. Sự tồn tại của tục cưới hỏi lạc hậu kéo theo sau cả một hệ lụy khiến cuộc sống của người dân vùng cao lâm vào cảnh nợ nần, thiếu ăn, thiếu mặc. Trong truyện Áo tết, Tống Ngọc Hân đã viết về câu chuyện nhà Lùng “Con trai Lùng là thằng Lèng. Cái thằng chả tài cán gì hơn người nhưng được cái nết giống bố là mê gái đẹp. Nó yêu say đắm con Mo, con gái trưởng bản Chu Lin đến ba năm, tuyệt thực đến mấy lần, cuối cùng thì Lùng cũng vay mượn đủ trăm đồng bạc để cưới về cho nó. Giờ, con của chúng nó, đứa bé nhất cũng vào lớp một rồi, nhà vẫn chưa hết nợ. Tết đến nơi rồi mà nhà Vìn đánh tiếng đòi bạc về để chuẩn bị mua trâu. Ờ, khi khó, người ta cho vay thì giờ người ta gọi mình phải thưa thôi. Thưa rồi nhưng nghĩ xù cả tóc vẫn chưa ra bạc’’[10, tr.3]. Năm hết Tết đến, bần cùng Lùng phải ‘nhét cái vòng vào trong nách, kẹp lại, Lùng đi sang nhà Vìn’’ [10, tr.3] để
gán nợ. Lùng biết việc làm đó là việc khó chấp nhận. Lùng cảm thấy tội lỗi. Vì cái vòng vía là của ông nội cho Lèng khi nó bảy tuổi. Cũng chỉ vì món nợ vay để cưới vợ cho Lèng mà hai bố con Lùng và Lèng buộc phải làm cái việc khó chấp nhận đó.
Thói mê tín dị đoan tin vào lời thầy cúng, tin vào những tập tục mà thần linh, tổ tiên quy ước của người dân vùng cao đã gây nên bi kịch cho bao chàng trai cô gái yêu nhau mà không lấy được nhau. Dẫu có cố lấy nhau cũng phải sống trong đau khổ. Trong truyện Con đường chưa đi, nhà văn Tống Ngọc Hân đã viết về bi kịch, về nỗi đau của người con trai tuổi lợn lấy vợ tuổi hổ vì “Chẳng biết từ bao giờ, người Mông vùng này lại sinh ra cái thói kiêng kị là không cưới con dâu tuổi hổ cho con trai tuổi lợn, tuổi khỉ” [8, tr.39]. Nhân vật Dín trong truyện là một người trai vừa câm, vừa thọt, vừa nghèo. Dín tuổi lợn lấy vợ tuổi hổ. Trong đêm tân hôn của Dín, thầy cúng đã treo dao, búa, kiếm, gậy và dán lên màn bao nhiêu mặt nạ ma quỷ để hạn chế sự nguy hiểm của nàng dâu “vía hổ”. Kinh hoàng trước sự đón tiếp kì dị, người vợ mười bốn tuổi của Dín đã lao vào cào cấu những mặt nạ và cắn xé Dín khiến cái hốc mắt của Dín bùng nhùng nhoe nhoét máu. Dín “đã mất một con mắt ngay đêm chồng vợ đầu tiên” [8, tr.40]. Từ sau đêm tân hôn Dín trở thành một người đàn ông vừa câm, vừa thọt lại chột một con mắt. Cũng từ sau đêm tân hôn đó vợ Dín mang tiếng là “con hổ bị bệnh thần kinh, bệnh viện nhà nước đã trả về và các thầy cúng cũng không chữa được” [8, tr.40]. Cũng vì những lời dị nghị đó mà vợ Dín “tự bỏ về nhà đẻ. Thằng Dín không đi đón vợ. Thế là chúng nó tan vỡ. Giờ cả hai đứa ở không, không dám mon men đến gần nhau” [8, tr.40]. Có lẽ nào, chính cái hủ tục khiến con người ta khốn khổ?
Một cuộc hôn nhân chồng tuổi lợn, vợ tuổi hổ lại lặp lại trong nhà Dín khi cháu trai Dín là Phù tuổi lợn yêu và đòi lấy Sủi tuổi hổ. Vì mẹ Sủi trót sinh Sủi vào cái giờ oái oăm nên “Người người, nhà nhà chê con Sủi là cái giống hổ vồ chết chồng con. Họ bảo Sủi má hây hây đỏ như quả đào, mắt long lanh như thú rình mồi, tóc đen như bóng đêm và da trắng như bánh khoải trên mâm cúng” [8,
tr.38]. Các thầy cúng đều bảo Phù và Sủi không lấy được nhau. Nếu lấy nhau phải làm phép. Vậy là trong phòng cưới đêm tân hôn của Phù và Sủi là một cảnh tượng hãi hùng khiến Sủi sợ hãi mà ngất lịm đi “con lợn to, phanh đôi, treo lủng lẳng ngay trên cột, cách cô chỉ một với tay, máu đã se lại, bầm tím. Xa hơn là cái đầu dê với hai con mắt nhìn Sủi thao láo. Cả căn buồng toàn mùi máu tanh ngòm” [8, tr.41]. Khi biết được đó là cách người nhà của Phù nghe lời thầy cúng để giữ mạng sống cho Phù, Sủi đã òa khóc nức nở. Liệu rằng bi kịch hôn nhân của Dín có lặp lại với cuộc hôn nhân của Phù?
Qua câu chuyện đó, nhà văn đã đặt ra một vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ: Cuộc chiến đấu giữa con người với tập tục mà thần linh và tổ tiên quy ước thật không dễ dàng. Cuộc chiến chỉ kết thúc khi con người có những suy nghĩ tích cực, có những hành động đứt khoát bài trừ cái lạc hậu.
Song song tồn tại với thói mê tin dị đoạn là tục tảo hôn của người dân miền núi. Trong truyện ngắn Dải vải chàm bịt mắt tục tảo hôn đã được Tống Ngọc Hân tái hiện chân thực qua câu chuyện bi ai của nhân vật Mắn ở Sài Cang. Sài Cang là một bản sâu hun hút, cheo leo còn tồn tại tục tảo hôn. Nơi đây, dường như pháp luật cũng chỉ tồn tại cho có lệ. Bởi thế, ở Sài Cang, con gái mười ba tuổi đã phải sớm lo lắng cho cuộc sống gia đình. “Mười ba mà có ai hỏi cũng gả tạm được rồi. Còn sau đấy, chúng mày muốn mưa, muốn nắng thế nào cũng mặc” [8, tr.54].
Mắn trong câu chuyện là một nạn nhân của tục tảo hôn. Đang theo học cái chữ cùng bạn bè, Mắn bỏ học để lấy chồng. Tuổi thơ của Mắn khép lại, cuộc đời của Mắn sang một trang khác. Cuộc sống vợ chồng không hề hạnh phúc. Về làm dâu, Mắn làm việc quần quật liền tay mà vẫn bị mẹ chồng chửi. Bi kịch bắt đầu khi Mắn sinh hạ một đứa trẻ bệnh tật. Đứa con của Mắn bị bệnh bạch tạng do hôn nhân cận huyết. Đứa con của Mắn còn bị bệnh viêm gan B dẫn đến sơ gan. Từ lúc sinh con, nụ cười trên khuôn mặt của Mắn không còn mà thay vào đó là những nỗi buồn đau không diễn tả được bằng lời. Mắn phải sống trong nỗi đau của người mẹ khi sinh ra một đứa trẻ không bình thường. Vì thiếu hiểu biết,
thiếu kinh nghiệm nuôi con, Mắn chỉ biết nghe theo lời bố mẹ chồng chữa bệnh bạch tạng và bệnh sơ gan cho con bằng việc cúng ma và cho uống thuốc lá. Con trai mấy tháng tuổi của Mắn bị bệnh mà Mắn không còn nghìn nào để xuống Hà Nội chữa cho con. Tận cùng lòng thương con, tận cùng sự bất lực Mắn địu đứa con trong nước mắt “Mắn cắn răng, chân bấm chặt xuống đất mà bước. Đồng hành với cô là bình minh không có ánh mặt trời. Hơi thở gấp gáp, nóng hổi của đứa con nhỏ dội vào lưng Mắn, ngấm qua da thịt lọt vào tim, gan như một lới oán trách” [8, tr.59]. Câu chuyện để lại trong mỗi chúng ta một nỗi buồn chất chứa về nỗi khổ đau của người mẹ trẻ, của những đứa trẻ bạch tạng do hôn nhân cận huyết ở Sài Cang.
2.2.2.2. Bi kịch bởi gánh nặng của cuộc mưu sinh
Nhân vật của Tống Ngọc Hân chủ yếu sống ở miền núi phía Bắc. Khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp, nhân vật của chị thường phải đối mặt với cái đói, cái nghèo. Chính cái nghèo đói đeo đẳng là nguyên nhân gây ra cho người dân vùng cao bao nỗi đau khổ, bi kịch dai dẳng.
Viết về bi kịch của họ, Tống Ngọc Hân đã thể hiện thái độ thương cảm, xót xa, đồng thời nhà văn cũng đi đến một khẳng định: đói nghèo, lạc hậu là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất hạnh của con người vùng cao, đặc biệt là người phụ nữ. Nhân vật Phấn trong Vá đồng vì đói nghèo mà phải đi lừa lọc đàn ông trong bản để lấy tiền trang trải cuộc sống “Ông trưởng bản sau khi cho Phấn vay hai triệu bạc còn hứa hẹn rằng Phấn có khó khăn gì thì cứ sang, đừng ngại. Người đàn bà mới hăm hai tuổi, thấy người dưng tốt thế, không nỡ từ chối một bàn tay vừa đặt trên vai mình” [9, tr.4]. Vẫn bằng thủ đoạn quyến rũ mà Sợi đã chỉ cho Phấn, Phấn đi lừa không biết bao gã đàn ông dại gái. Những gã đàn ông mất tiền mà không chiếm đoạt được thân xác của Phấn nên uất ức thề sẽ vật cho tơi tả nếu gặp Phấn trong rừng một mình. Còn những người đàn bà trong bản thì nguyền rủa Phấn là “đẹp nhưng mà đĩ”. Họ không muốn Phấn giúp và cũng không muốn giúp Phấn cấy lúa. Khi không thể lừa gạt được ai nữa, đường cùng Phấn đã làm
cái việc loạn luân là quan hệ với Tàm, anh rể Phấn để có tiền trả nợ. Vừa phải làm người tình của anh rể một cách bất đắc dĩ, vừa phải sống trong nỗi đau khổ, uất hận vì người chồng bạc nhược, Phấn vùng vẫy muốn thoát khỏi cuộc sống bế tắc nhưng không có lối thoát.
Gia đình nhà Páo trong truyện Đợi mùa nắng ấm là một gia đình đông con, triền miên sống trong sự thiếu ăn, thiếu mặc. Sống ở vùng đất sỏi đá thì nhiều mà đất thì ít, để có đất tra ngô vợ chồng Páo phải đi mất một ngày đường. Nhà Páo có đến chín miệng ăn, đông con, mẹ lại ốm đau bệnh tật. Để có tiền chữa bệnh cho mẹ, vợ Páo đã phải bán đi chiếc dây lưng, chiếc xà cạp… của mình cho người Tây. Bao nhiêu cố gắng của Páo và Dâu cũng không đuổi được cái nghèo, cái đói ra khỏi nhà.
Cái nghèo, cái đói hiện hữu trong bữa cơm thảm hại nhà Páo. Những đứa trẻ nhà Páo bằng bản năng đã cố gắng chống chọi cái đói, cái rét: “Đứa gái lớn bảy tuổi, xúc nhoay nhoáy, thìa nào ra thìa ấy, đưa vào mồm nhanh như thể nuốt chửng. Đứa trai năm tuổi còn đái dầm nên chỉ có áo mà không có quần, nhưng lại biết xấu hổ, cứ cúi xuống, chổng mông xúc một thìa vơi lại vội vàng đứng lên ngay ngắn, rồi mới cho vào mồm. Một tay cầm thìa, tay giữ vạt áo chàm, che chỗ ấy. Đứa gái lên bốn, mũi thò lò vừa ăn vừa gà gật vì bị gọi dậy sớm quá. Áo nó vấy đầy cơm canh, phần dưới từ đùi trở xuống cũng bám đầy cơm. Cũng như anh, nó chả có quần mặc, nhưng chưa biết xấu hổ, cứ hồn nhiên khoe ra mọi sản phẩm của ông tạo... Đứa gái ba tuổi cũng tô hô, cầm thìa lanh chanh ngồi sụp xuống, vạt áo nó sắp trùm lấy tô cơm chung. Nó xúc đi xúc lại mấy lần mới được đầy một thìa cơm nhão, ngửa cổ, há to miệng đút vào khá gọn. Thằng bé tuổi rưỡi tay cầm cán, tay điều chỉnh hướng thìa, đưa thìa cơm vơi vào miệng. Một phần ba từ chỗ cơm ít ỏi lại rơi ra đùi nó.Cũng như chị, nó ở truồng, cái chim bằng quả ớt gió tím lịm vì rét” [7, tr.42]. Những đứa trẻ thơ đói rét, nhếch nhác trong bữa cơm đạm bạc đã chạm khắc nên một bức tranh cái nghèo nheo nhóc đến tội nghiệp.
2.2.2.3. Bi kịch bởi tình yêu, hôn nhân không trọn vẹn
Trong những sáng tác của mình, Tống Ngọc Hân viết nhiều về bi kịch đau đớn của nhân vật trong tình yêu, hôn nhân. Chị viết về họ bằng tình cảm yêu mến và sự thấu cảm, sẻ chia.
Trong truyện Bến trăm năm, Tống Ngọc Hân viết về bi kịch của người phụ nữ nghèo hèn, mang thai trước khi cưới không được mẹ chồng ưng thuận. “Mẹ đã nghèo lại hoàn cảnh mồ côi bố từ lúc lên hai, bà ngoại con thì đau yếu liên miên. Hoàn cảnh đã hèn kém, nhan sắc cũng không có mà đòi quyến rũ và lấy ông trưởng họ tương lai, đứa con bà kì vọng nhiều nhất, thì sao bà có thể chấp nhận” [4, tr.75]. Trong ngày cưới, cái nghèo hiện hữu trong bộ trang phục của người con dâu khiến bà mẹ chồng tỏ rõ sự khinh bỉ “Ngày cưới mẹ mặc chiếc áo sơ mi trắng may từ năm sinh viên thứ nhất mà bố con cắt xén từ những bữa ăn cơm sinh viên một nghìn để mua tặng mẹ... quần cưới của mẹ là chiếc quần mẹ vẫn mặc đi chợ bán rau mỗi buổi sáng... chưa bao giờ mẹ biết đến những thứ xa xỉ như son phấn, gương lược, kem sáp hay nước hoa, túi xách. Ngày cưới, mẹ vẫn đi đôi dép xuồng tàu bị đứt một nhánh quai nhỏ mà mẹ khéo léo dùng mũi liềm nung đỏ để hàn lại” [4, tr.73]. Còn ông bà nội diện đúng bộ mặt đi đưa tang để đón con dâu, mọi người đến chúc mừng ông bà lên chức ông bà nội, bà nội bảo rằng “vui vẻ gì mà chúc tụng” [4, tr.74]. Thái độ ghẻ lạnh, khinh bỉ của bà mẹ chồng khiến nàng dâu mới càng tủi hổ.
Nhân vật người phụ nữ trong Bến trăm năm vì mang thai trước khi cưới nên bà mẹ chồng luôn nghi ngờ, thậm chí bà còn yêu cầu con trai đưa người yêu đi nạo thai. “Có khéo thằng ăn ốc, thằng đổ vỏ, nó thiếu gì thằng ngòm ngó? Đưa nó đến bệnh viện, nạo đi” [4, tr.72]. Ngăn cản con trai không được, bà mẹ chồng cay nghiệt không cho người đi đón con dâu. “Ngày về nhà chồng, không ai đón mẹ cả, mẹ ôm con ngồi sau xe đạp của bố trên đoạn đường đê dài bốn mươi cây số lộng gió, chỉ có mình bố con đi đón mẹ” [4, tr.74]. Bao nhiêu thiệt thòi, người phụ nữ ấy vẫn cắn răng chịu đựng vì biết thân phận mình nghèo hèn. Chị nhớ như in cái đêm đầu tiên về nhà chồng “trong kí ức mẹ là bóng đêm của căn
buồng cũ kỹ, mọt rượp và tối đen vì không được lắp bóng điện. Chiếc giường cũ ọp ẹp, cái màn đen kịt...bị thủng cả mấy chục lỗ. Đêm đầu tiên đi làm dâu, mẹ ôm con trong cái giá rét của mùa đông, hun hút gió thổi qua cánh cửa sổ… muỗi vo ve hàng đàn trong màn” [4, tr.74].
Rõ ràng, cuộc hôn nhân của chị là xuất phát từ tình yêu, tình yêu mãnh liệt từ thời anh chị còn là sinh viên, và tình yêu ấy đã ra quả ngọt. Nhưng vì bà mẹ chồng cay nghiệt, luôn khinh bỉ con dâu nên cuộc đời của chị chìm đắm trong đau khổ. Không chịu đựng được, chị đã phải bế con bỏ về nhà đẻ. Chị buộc phải lựa chọn giữa một bên là sự tự do, một bên là chồng và con. “Hồi con còn bé tý, bà nội đã giằng con khỏi tay mẹ và bảo “Con hòn máu, cháu hòn mủ”, cháu tao tao bắt về, mày theo về thì có mẹ có con, có vợ có chồng, chứ bướng bỉnh chỉ thiệt thân. Con trai tao, tao đón về quê. Về quê nó vẫn là trai tân, nó cưới đâu chẳng được gái mười tám” [5, tr.75].
Đối với mỗi người phụ nữ, niềm hạnh phúc lớn lao nhất là được thực hiện