Nghệ thuật miêu tả hành động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nhân vật trong truyện ngắn của tống ngọc hân (Trang 75 - 79)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Nghệ thuật miêu tả hành động

Bên cạnh việc miêu tả ngoại hình phải kể đến việc khắc họa hành động nhân vật. Khi miêu tả hành động của nhân vật, nhà văn luôn luôn phải tôn trọng sự phát triển thống nhất, tạo nên những bước đột phá có tính chất then chốt trong sự phát triển của cốt truyện. Xây dựng được những nhân vật sống động với một chuỗi các hành động thống nhất, biểu hiện trên cơ sở một thế giới nội tâm phong phú, thì nhà văn đã bước được một nửa chặng đường đi tới đích của mình.

Sở trường, tài năng sáng tác của Tống Ngọc Hân được thể hiện qua nghệ thuật miêu tả hành động nhân vật. Qua đó, nhà văn giúp độc giả hiểu được bản chất, tâm trạng của nhân vật. Đọc truyện ngắn của Tống Ngọc Hân, chúng ta

khó có thể quên được các hành động của Mai trong truyện Con rể. Mai là một cô gái bị câm bẩm sinh nên không ai dám lấy Mai vì nghĩ cô bị ma ám. Mai bị gả bán làm vợ thằng gù Hạng Chử. Từ khi trở thành vợ Hạng Chử “quái vật” Mai luôn khiến bố mẹ lo lắng. Hiểu được điều đó, Hạng Chử quyết đem cái chết để chứng minh mình cũng là con người “Hạng Chử lảo đảo, mắt tím đen, đưa tay giật toang cái áo chàm, để phơi ra một tấm thân gớm ghiếc. Chử lè nhè, đập cái chai vào bậc cửa, cái chai vỡ. Chử cầm cái mảnh dài nhọn giơ lên và gầm gừ: “Tao cũng chả thiết sống. Mai mà bỏ tao, tao không sống nữa. Tao sẽ chết bằng cái này, để mày nhìn xem máu tao là máu thú hay máu người? Hạng Chử giơ cái vật sắc nhọn lên, dùng sức định chọc nó vào bụng mình thì bất ngờ Mai ở đâu chạy đến. Cô hét lên một tiếng hoang dã từng câm nín suốt mười bảy năm trời– Khôông!” [3, tr.229 - 230]. Tiếng hét của cô chứng minh cô đang cố gắng bảo vệ người chồng của mình dù người chồng ấy xấu xí và bị mọi người xa lánh. Tiếng hét của cô khiến mọi người sửng sốt và hiểu rằng Mai đã yêu và đã hạnh phúc bên người đàn ông có hình hài xấu xí nhưng hết lòng yêu mình. Hành động của Mai đã xóa tan những mối nghi ngờ, dằn vặt của ông Sở bấy lâu nay.

Hành động giết người chồng độc ác, thú tính để bảo vệ đứa con gái bé bỏng của người mẹ khổ đau trong truyện ngắn Thiếu ơi khiến chúng ta không khỏi ám ảnh day dứt. Người mẹ ấy cả một đời có thể chịu đựng nỗi đau về thể xác từ những trận đòn chồng của lão chồng vũ phu. Nhưng người mẹ ấy không thể chịu đựng nổi nỗi đau tinh thần khi tận mắt chứng kiến cảnh đứa con gái dại khờ, tội nghiệp của mình bị bố cưỡng hiếp. Sự hận thù, nỗi đau, tình thương con trỗi dậy khiến người mẹ ấy đã vung cái kéo đâm vào lão chồng khi lão đang dở trò đồi bại với chính đứa con ruột của lão. “Tôi chạy vào buồng của mẹ. Vẫn cái cảnh ấy, cái trò chơi bổn phận mà em gái tôi từng phải làm thay mẹ từ khi nó mới mười ba, mười bốn tuổi với cha. Nhưng hôm nay, dường như đã chán ngấy với cái trò đó, nó phản ứng bằng cách gọi người ứng cứu “Mẹ tôi lao vào buồng như cơn lốc. Bà sững lại mấy giây rồi bình tĩnh rút kéo ra khỏi người. Hai tay bà nắm chặt cây kéo và vung lên, xọc thẳng xuống cái lưng gầy đang nhấp nhô của cha tôi. Máu chảy xuống ngực em tôi. Cha tôi vật xuống đất. Người ông vẫn trần như nhộng. Em gái tôi buông rơi chiếc điện thoại đồ chơi”[ 10, tr.88,89]. Hành động của người mẹ dẫu biết là vi phạm pháp luật

nhưng có lẽ đó là việc làm ý ngĩa nhất của người mẹ dành cho đứa con gái dại khờ. Hành động đó thể hiện tình yêu thương con sâu sắc của người mẹ.

Khi miêu tả hành động của người phụ nữ, Tống Ngọc Hân đã dành cho họ những ưu ái, sự thấu cảm. Nhưng khi miêu tả hành động của những nhân vật nam, Tống Ngọc Hân đã thẳng thắn thể hiện thái độ phê phán bản chất vũ phu, sự gia trưởng của họ. Những nhân vật nam trong truyện ngắn của Tống Ngọc Hân phần lớn là những người ít học. Họ ít nhiều ảnh hưởng bởi môi trường gia đình và xã hội dẫn đến tha hóa.

Một nét đặc sắc, rất đáng chú ý trong truyện ngắn của Tống Ngọc Hân là thông qua hành động của các nhân vật, nhà văn không chỉ khắc họa được tính cách, số phận của nhân vật đó mà còn thể hiện được những nét văn hóa đầy bản sắc thông qua thái độ ứng xử của các nhân vật với thiên nhiên và con người. Đọc truyện ngắn Tống Ngọc Hân, người đọc được biết thêm nhiều nét văn hóa, phong tục lâu đời của người dân vùng cao như phong tục tổ chức sinh nhật cho người Dao, phong tục bắt vợ, phong tục lưu giữ kỉ vật của người chết. Những nét văn hóa, phong tục ấy được nhà văn tái hiện trong những không gian rất gần gũi với con người.

Qua truyện ngắn Kiều mạch trắng của Tống Ngọc Hân, người đọc dần tiếp thu văn hóa, phong tục tín ngưỡng của người dân tộc Dao, người dân tộc Tày ngay trong chính không gian căn nhà của anh trai Liều và Sò. Theo phong tục của người Dao, ngày sinh là ngày hệ trọng của họ vì khi chết người Dao không được cúng giỗ. “Đàn bà con gái Dao ta, sống có ngày sinh, chết không có ngày giỗ. Em biết mà. Sao em nỡ lòng ghen tỵ với chị dâu em, với các cháu của em, những người chết không bao giờ cúng giỗ” [9, tr.19]. Chính vì vậy mà trong ngày sinh nhật, người Dao tổ chức rất linh đình. “Năm nào anh cũng làm sinh nhật chu đáo cho vợ anh, các con gái anh” [9, tr.19]. Không gian căn nhà của anh trai Liều và Sò vang lên những tiếng chúc tụng rền rĩ khi tổ chức sinh nhật cho chị dâu đã phản ánh rất sinh động một nét văn hóa, phong tục của người Dao. “Tối mịt, hai anh em mới thất thểu trở về nhà. Thấy anh trai đang chúc tụng mọi người. Mọi người chúc tụng chị dâu. Bụng chị dâu to kềnh càng. Cái xà tích bạc từ cổ sà xuống, vắt sang hẳn một bên. Anh trai phải uống cả phần chị nên say quá” [9, tr.18].

Nhưng cũng chính trong không gian căn nhà của anh trai Liều và Sò còn tồn tại một phong tục khác đó là phong tục làm ma của người Tày. Mẹ của Liều và Sò là người Tày. Theo quan niệm của người Dao, người phụ nữ Tày được gọi là người mặc áo trắng, là người ngoại tộc “Là đứa người ngoại tộc. Không biết trồng lanh xe sợi. Không biết nhuộm vải. Không biết thêu thùa. Chỉ biết đem tiền của chồng lên chợ mua quần áo đẹp mà mặc. Những đứa ấy, nếu không tự may quần áo mặc, thì chết đi, thần linh cũng không nhận. Nếu muốn được tổ tiên tha thứ, thì khi chết, phải mặc nguyên đồ trắng và chôn theo một ít lá chàm” [9, tr.17]. Chính vì vậy mà khi mẹ của Liều và Sò chết chỉ được mặc áo trắng “Mẹ chỉ được mặc áo trắng thôi. Mẹ là người Tày mà. Chứ không được mặc lồng ra ngoài bộ quần áo chàm nữa như những người đàn bà Dao bình thường khác vẫn mặc khi chết. Liều hỏi tiếp. Thế nhà ta đã cúng chay cho mẹ chưa? Anh cả lắc đầu. Chưa em ạ. Cả bố và mẹ chúng ta đều chưa được cúng chay. Nghĩa là, chưa ai được giải thoát khỏi ngục tối. Cũng chưa ai được tắm thơm, được phục sức và đưa về quê cũ Dương Châu” [9, tr.18].

Sự khác biệt về văn hóa, phong tục khiến cho thân phận con người cũng có sự khác biệt. Liều cảm nhận rõ sự khác biệt đó và Liều cảm nhận rõ sự thiệt thòi của mẹ so với chị dâu. Liều thấy thương mẹ vô cùng. Hình ảnh người phụ nữ mặc áo trắng ngòi bên bờ suối mà Liều gặp phải chăng là hình ảnh của mẹ? Hình ảnh đó cứ ám ảnh Liều về thân phận người phụ nữ Tày, người phụ nữ ngoại tộc lấy chồng người Dao.

Có thể thấy được những nét văn hóa, phong tục rất riêng biệt của từng dân tộc. Chính sự riêng biệt đó đã tạo nên những mảng màu sinh động trong không gian bức tranh văn hóa, phong tục của người vùng cao. Cũng là phong tục dành cho người chết, trong truyện Mây rừng Bà Thồ, Tống Ngọc Hân lại tái hiện một không gian văn hóa, phong tục qua hình ảnh chiếc hộp “một cái hộp màu tròn có nắp đậy hình vuông rất đẹp và cài khuy hẳn hoi. Trên nắp có một chữ thập bằng sơn đen” [9, tr.81]. Theo phong tục của dân tộc cụ Khơi khi xưa “nhà nào cũng có những cái hộp như thế này. Hộp đan bằng mây hoặc tre nứa, để cất giữ kỉ vật của người đã khuất, thường là những món đồ trang sức bằng kim loại quý” [9, tr.81]. Nhân vật mẹ Cơm trong truyện đã cất giữ cẩn thận kỉ vật của người chồng đã chết của chị trong chiếc hộp do chính tay chị đan đó là chiếc vòng bạc. Tống Ngọc Hân đã khéo léo thu nhỏ không gian văn hóa, phong tục của dân tộc cụ

Khơi qua hình ảnh chiếc hộp nhỏ bé. Chiếc hộp nhỏ bé nhưng lại lưu giữ cả một nền văn hóa, phong tục lâu đời của dân tộc.

Có thể thấy trong thế giới nhân vật của Tống Ngọc Hân, mỗi nhân vật dù làm bất cứ điều gì, hành động như thế nào trong hoàn cảnh nào cũng thể hiện một phần tính cách, bản chất, tâm trạng và số phận của mình. Nếu những người phụ nữ trong văn xuôi của Tống Ngọc Hân thể hiện hành động chở che, yêu thương thì phần lớn những người đàn ông trong truyện ngắn của chị lại có những hành động thể hiện bản chất vũ phu, độc ác. Mặc dù vậy, những những nhân vật của Tống Ngọc Hân vẫn có một quá trình đấu tranh tư tưởng để nhìn lại những hành động của mình để tự điều chỉnh hành vi, tính cách. Có lẽ đó chính là quan điểm, là cách nhìn của nhà văn về con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nhân vật trong truyện ngắn của tống ngọc hân (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)