Đồng bào các dân tộc các xã vùng đệm của Khu Bảo tồn có truyền thống gắn liền với rừng, sống phụ thuộc vào rừng, nhờ rừng. Phong tục tập quán đời sống hàng ngày của họ gắn liền với rừng, đặc biệt là gắn liền với các loài thực vật. Một số phong tục tập quán của người dân ảnh hưởng đến suy giảm đa dạng thực vật của Khu Bảo tồn.
- Du canh du cư: Các xã vùng đệm phần lớn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc ít người như H’Mông, người Dao đỏ; đồng bào các dân tộc này có truyền thống du canh du cư để phát rừng làm nương rẫy. Tập quán du canh du cư đã tồn tại từ lâu đời, chính vì vậy tập quán du canh, du cư cần phải xoá bỏ. Tuy đã có nhiều hộ dân người H’Mông tại địa phương đã bỏ tập quán sinh hoạt này nhưng người dân từ Lào Cai, các huyện lân cận vẫn du canh, du cư đến Khu Bảo tồn phá rừng làm nương rẫy gây suy giảm đa dạng thực vật. Chính quyền địa phương các cấp cùng với Ban quản lý Khu Bảo tồn phải có những chính sách phù hợp hỗ trợ về phương tiện sản xuất, giao đất giao rừng cho những người dân yên tâm sống định canh, định cư sản xuất.
- Khai thác các loài thực vật làm lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, thuốc phục vụ cho đời sống sinh hoạt của đồng bào địa phương. Người Dao đỏ địa phương có ngày Lễ Lập tỉnh, làm lễ trưởng thành cho người Đàn ông, nhiều người nghèo, không có tiền phải vào rừng khai thác gỗ bán để có tiền làm cỗ, tiền nộp cho thầy mo làm lễ Lập tỉnh. Lễ Lập tỉnh là ngày lễ truyền thống cần được lưu giữ lại trong cộng đồng người Dao đỏ, tuy nhiên cần phải giảm bớt những thủ tục, lễ lạt phiền hà trong nhân dân.
Hình 4-15: Khao làng trong lễ Lập tỉnh - Người Dao đỏ Nà Hẩu