Khái niệm và vai trò của hoạt động tín dụng tại các NHTM

Một phần của tài liệu Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Điện Biên về hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thương mại (Trang 28 - 31)

1.1.1.1. Khái niệm tín dụng Ngân hàng

“Tín dụng là một giao dịch về tài sản (tiền hoặc hàng hoá) giữa bên cho vay (ngân hàng và các định chế tài chính khác) và bên đi vay (cá nhân, doanh nghiệp và các chủ thể khác). Trong đó, bên cho vay chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng một thời gian nhất định theo thoả thuận, bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện vốn gốc và lãi cho bên cho vay khi đến hạn thanh toán” (Trích dẫn: Hồ Diệu, Giáo trình tín dụng ngân hàng, NXB Thống kê, 2001, trang 20).

Vốn

Vốn + Lãi

Hình 1.1: Khái quát định nghĩa hoạt động tín dụng

(Nguồn: Khái quát từ định nghĩa Hồ Diệu, Giáo trình tín dụng ngân hàng NXB Thống Kê, 2001, Trang 20)

Như vậy, có thể hiểu tín dụng thực chất phản ánh mối quan hệ giao dịch về tài sản giữa hai bên trên nguyên tắc có thời hạn và hoàn trả.

Tín dụng ngân hàng là quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp khác trong xã hội. Nó là quan hệ dịch chuyển vốn từ nơi tạm thời thừa vốn sang nơi tạm thời thiếu vốn thông qua một tổ chức trung gian, đó là ngân hàng. Tín dụng ngân hàng là một hình thức phát triển cao của tín dụng tuy nhiên nó vẫn giữ nguyên được bản chất ban đầu của tín dụng, đó là quan hệ vay mượn có hoàn trả vốn và lãi sau một thời gian nhất định. Đây là quan hệ bình đẳng 2 bên cùng có lợi.

1.1.1.2. Vai trò của hoạt động tín dụng ngân hàng

- Đối với dân cư:

Đối với dân cư, đặc biệt là thế hệ trẻ và người thu nhập thấp, tín dụng ngân hàng giúp họ có được một cuộc sống ổn định từ khi còn trẻ, thông qua việc mua trả góp những gì cần thiết (mua nhà, xe ô tô, các đồ dùng khác trong gia đình…), tạo động lực để họ làm việc, tiết kiệm và nuôi dưỡng con cái.

- Đối với doanh nghiệp:

Ngân hàng chính là cầu nối giữa những người tạm thời có nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế với những người cần vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…. Trên cơ sở huy động vốn từ dân cư, các tổ chức kinh tế khác, ngân hàng tiến hành cho vay với các cá nhân, tổ chức kinh tế đang cần vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhờ nguồn vốn vay được từ ngân hàng, các doanh nghiệp có thể đảm bảo quá trình sản xuất cũng như đẩy nhanh việc mở rộng sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tín dụng ngân hàng cũng góp phần giúp các doanh nghiệp sử dụng vốn có hiệu quả hơn. Khác với việc sử dụng vốn tự có của doanh nghiệp là không phải trả chi phí vốn, khi các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn vay của ngân hàng luôn phải đối mặt với việc hoàn trả gốc và lãi đúng thời hạn thỏa thuận đã ký trong hợp đồng tín dụng. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp vay vốn phải có sự tính toán chi phí sản xuất hợp lý, tốc độ vòng quay vốn nhanh… để đảm bảo trả nợ ngân hàng đúng thời hạn và có lợi nhuận. Mặt khác, khi cho doanh nghiệp vay vốn, ngân hàng sẽ

thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, từ đó giúp doanh nghiệp phát hiện những nhược điểm, sai sót và có các biện pháp khắc phục kịp thời nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra đối với doanh nghiệp cũng như rủi ro có liên quan đối với NHTM.

- Đối với ngân hàng:

Quan hệ tín dụng là quan hệ lớn nhất và quan trọng nhất trong các quan hệ với khách hàng của ngân hàng, nó tạo ra mối quan hệ gắn bó giữa ngân hàng với các chủ thể trong nền kinh tế. Từ đó, tạo uy tín, danh tiếng cho các NHTM. Hoạt động tín dụng góp phần đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của ngân hàng, giúp ngân hàng mở rộng đối tượng, phạm vi đầu tư, làm tăng thu nhập của các ngân hàng, đồng thời giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

- Đối với nền kinh tế:

+ Tín dụng ngân hàng giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Ở nước ta tỷ trọng ngành nông nghiệp vẫn còn quá lớn trong khi tỷ trọng các ngành khác còn thấp so với các nước trên thế giới. Bởi vậy, chúng ta cần có những biện pháp để thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch… Để làm được điều này chính sách tín dụng đóng một vai trò hết sức quan trọng, chú trọng vào công tác tín dụng sẽ là một biện pháp để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Khi muốn khuyến khích một ngành nghề hoặc thành phần kinh tế nào phát triển, ngân hàng sẽ thực hiện ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp này dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng, trở thành đòn bẩy giúp ngành nghề đó phát triển.

+ Tín dụng ngân hàng là đòn bẩy kinh tế quan trọng, thúc đẩy quá trình mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế quốc tế. Thực hiện chủ trương mở rộng hợp tác kinh tế, tăng cường các quan hệ đối ngoại, ngân hàng với tư cách là tổ chức kinh doanh tiền tệ, thông qua hoạt động cấp tín dụng cho các nhà đầu tư kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá sẽ trở thành đòn bẩy thúc đẩy quá trình mở rộng, giao lưu kinh tế quốc tế.

Tóm lại, Tín dụng ngân hàng không những là hoạt động quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển của ngân hàng mà còn có vai trò to lớn đến sự phát triển

của nền kinh tế xã hội, là phương tiện, công cụ Nhà nước sử dụng để quản lý, kiểm soát nền kinh tế, thực hiện các chủ trương của Nhà nước.

Một phần của tài liệu Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Điện Biên về hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thương mại (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w