Bắt đầu từ năm 2011, mục tiêu kiềm chế lạm phát đã được Quốc hội đề ra và nhấn mạnh trong các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. (Chính phủ, Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24/02/2011). Năm 2011 cũng là cột mốc mà công tác điều hành CSTT đã có tính thống nhất cao và đạt được mục tiêu đề ra về kiểm soát lạm phát. Trong giai đoạn này, khi lạm phát được duy trì ở mức thấp và tương đối ổn định thì các điều kiện thực hiện LPMT mới dần được định hình một cách rõ nét hơn so với giai đoạn 2005-2010. Mặc dù theo khuyến cáo của IMF (IMF 2006 “ Inflation targeting and the IMF), từ những năm 2006 thì Việt Nam đã nằm trong số 43 quốc gia có thể thực hiện CSLPMT, nhưng rõ ràng giai đoạn 2005-2010, các điều kiện để thực hiện chuyển đổi sang CSLPMT là khá mờ nhạt, mục tiêu kiềm chế lạm phát không được ưu tiên, nhường chỗ cho mục tiêu phát triển kinh tế.
- Giai đoạn từ 2005 đến 2010: Thời kỳ đầu, tiền tệ lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Điều này cho thấy, có thể đã có sự đánh đổi nhất định trong điều hành CSTT, hy sinh mục tiêu lạm phát để đạt được mục tiêu về tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2008-2010, tỷ lệ lạm phát vẫn cao nhưng tốc độ tăng trưởng lại giảm.
- Giai đoạn từ 2011 đến 2015: Đây là giai đoạn mà tỷ lệ lạm phát đã được kéo xuống thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù còn thấp song đã cho thấy xu hướng hồi phục. Điều đó cho thấy sự thay đổi về chất trong công tác điều hành CSTT khi mà mục tiêu ưu tiên về lạm phát đã liên tục được đảm bảo, duy trì mức lạm phát thấp và hướng tới kiểm soát được lạm phát ở mức thấp và ổn định.