2.5.1.1. Quan điểm.
- Cây trồng phải gắn với điều kiện lập địa và các biện pháp kỹ thuật cụ thể nên trong quá trình đánh giá phải chú ý đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội và kỹ thuật gây trồng.
- Các giải pháp kỹ thuật lâm sinh tác động là nhân tố quyết định đến sự thành công hay thất bại trong quá trình gây trồng cây bản địa.
2.5.1.1. Phương pháp luận.
- Sinh trưởng của từng loài cây rừng có mối quan hệ chặt chẽ với điều kiện nơi mọc của chúng. Với đối tượng nghiên cứu ở đây là cây bản địa trồng đồng thời trên đất trống, đồi núi trọc, nó chịu sự chi phối trực tiếp của lớp cây bụi, thảm tươi và các điều kiện khác. Trong quá trình sinh trưởng lâu dài, sự thay đổi của cây tái sinh, cây bụi, thảm tươi sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
- Khi đánh giá sinh trưởng của một loài cây nếu xem các nhân tố khí hậu, tuổi cây là đồng nhất thì mức độ biến động các nhân tố không đồng nhất (ánh sáng, dinh dưỡng) chính là những nhân tố tạo ra sự sai khác về năng lực sinh trưởng của chúng. Sự ảnh hưởng tích cực của các nhân tố chủ đạo ở một mức độ nhất định sẽ tạo ra cho cây trồng dưới tán sinh trưởng tốt nhất và có chất lượng cao nhất, tại đó gọi là giá trị tối ưu.
- Trong mối quan hệ chồng chéo của các nhân tố môi trường đến các loài cây khác nhau, ta có thể tìm được khoảng thích hợp của chúng. Vì vậy, nhiệm vụ chính của các nhà lâm sinh là tìm ra khoảng thích hợp đó nhằm đưa ra hướng tác động phù hợp để cây trồng sinh trưởng, phát triển trong điều kiện thuận lợi nhất.