2. Mục tiêu nghiên cứu
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1.Vị trí địa lý
Bình Xuyên là một huyện có địa hình đồng bằng, trung du và miền núi, nằm gần trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc, trung tâm huyện cách thành phố Vĩnh Yên 7 km dọc theo QL2, có diện tích tự nhiên là 14847,81 ha, được giới hạn bởi toạ độ địa lý từ 21012’57” đến 21027’31”độ vĩ Bắc và 105036’06”đến 105043’26” độ kinh Đông. Ranh giới hành chính tiếp giáp như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Tam Đảo và tỉnh Thái Nguyên; - Phía Đông giáp thị xã Phúc Yên;
- Phía Nam giáp huyện Yên Lạc và huyện Mê Linh - TP. Hà Nội; - Phía Tây giáp huyện Tam Dương và thành phố Vĩnh Yên.
Sơ đồ 3.1: Bản đồ hành chính, Vị trí địa lý huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
Bình Xuyên nằm giữa hai trung tâm kinh tế - chính trị lớn của tỉnh là Vĩnh Yên và Phúc Yên; có đường sắt Hà Nội-Lào Cai, QL2 song song và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua là những điều kiện rất thuận lợi để huyện phát triển một nền kinh tế đa dạng (nông - lâm nghiệp, dịch vụ, công nghiệp) và hình thành các khu công nghiệp: Bình Xuyên, Bá Thiện 1 và 2, Thăng Long, Sơn Lôi, các trung tâm dịch vụ; đồng thời có cơ hội tiếp cận nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá của huyện.
3.1.1.2. Địa hình, địa mạo.
Bình Xuyên có ba vùng địa hình khá rõ rệt: đồng bằng, trung du, miền núi. Nhìn chung địa hình phân bố thấp dần từ Bắc xuống Nam.
- Vùng núi: Tập trung ở phía Bắc của huyện là những ngọn núi cao từ 300- 1.500m chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, đất thích hợp với mục đích lâm nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu và du lịch nghỉ dưỡng, phát triển dịch vụ gắn với vùng du lịch sinh thái.
- Vùng trung du: Phần lớn là đồi trọc bị xói mòn, vùng này ngoài mục đích lâm nghiệp còn có thể phát triển nông lâm kết hợp, cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp tập trung, xây dựng cơ bản và nhiều mục đích chuyên dùng khác. Khai thác, sử dụng một cách hợp lý quỹ đất hiện có, ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp và giao thông.
- Vùng đồng bằng: Địa hình tương đối bằng phẳng, có nhiều ưu thế trong sản xuất nông nghiệp, có cơ sở hạ tầng thuận lợi, dân cư tập trung, giao thông thuận tiện hơn vùng đồi núi và trung du, do vậy vùng này cũng là mục tiêu của các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
3.1.1.3. Khí hậu
Bình Xuyên nằm trong tiểu vùng khí hậu thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, bị chi phối bởi dãy núi Tam Đảo, là vùng khí hậu chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, thường chịu tác động không tốt từ các cơn bão, gây mưa to, lốc lớn. Khu vực có hai mùa chính là mùa đông lạnh, khô, và mùa hè nóng, ẩm. Mùa hạ nóng ẩm và mưa nhiều, thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9. Mùa đông lạnh và khô hanh kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.
3.1.1.4. Thuỷ văn
- Nguồn nước mặt
Nguồn nước mặt của huyện khá phong phú, phụ thuộc nhiều vào nguồn nước từ các suối nhỏ thuộc dãy Tam Đảo chảy vào ở xã Trung Mỹ (hồ Thanh Lanh).
Hệ thống sông Cà Lồ: là sông tiêu tự nhiên duy nhất trên địa bàn huyện, mực nước cao nhất 9,14m, lưu lượng lớn nhất 268m3/s. Vào mùa mưa lũ tập trung, nước sông Cầu dâng cao không tiêu kịp gây úng lụt cục bộ tại khu vực trũng trong huyện.
- Nguồn nước ngầm:
Nguồn nước ngầm của huyện không lớn, chất lượng nước không cao. Theo đánh giá sơ bộ về tài nguyên môi trường của tỉnh Vĩnh Phúc thì trên địa bàn huyện có thể khai thác 200.000 m3/ngày đêm nhưng việc xử lý cung cấp cho sinh hoạt khá tốn kém. Cần cải tạo nâng cấp và xây mới các hồ chứa để tăng nguồn nước dự trữ cho sản xuất và tiêu dùng.
3.1.1.5. Thổ nhưỡng
Theo phân loại đất mới của FAO-UNESCO, trên địa bàn huyện có 21 loại đất bao gồm 7 nhóm chính. Trong đó đất bằng có diện tích khoảng 6.692,91 ha, chiếm 44,99% diện tích đất tự nhiên, gồm các nhóm đất chính là đất phù sa, đất glây chua điển hình, đất mới biến đổi, đất loang lổ và đất cát. Đất đồi núi có diện tích khoảng 8.181,4 ha, chiếm 49,03% diện tích đất tự nhiên gồm 2 nhóm đất chính là đất xám feralit và đất xám mùn. Nhìn chung, điều kiện thổ nhưỡng của huyện Bình Xuyên rất thích hợp cho việc canh tác nông nghiệp đặc biệt là trồng trọt các loại rau màu tại các khu vực như Bá Hiến, Thanh Lãng, Hương Canh.