Năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn đối với kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Kinh tế thế giới được dự báo suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều giảm sâu do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng với tốc độ tăng GDP ước tính đạt 2,91%.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm gián đoạn hoạt động kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới; xung đột thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn. Trong nước, thiên tai, dịch bệnh tác động không nhỏ tới các hoạt động của nền kinh tế và cuộc sống của người dân; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực với việc duy trì tăng trưởng. Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2020 đạt thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì đó là một thành công của nước ta với tốc độ tăng thuộc nhóm nước cao nhất thế giới. Cùng với Trung Quốc và Myanmar , Việt Nam là một trong ba quốc gia ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực trong năm nay; đồng thời quy mô nền kinh tế nước ta đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Singapo (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD; Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philipin 367,4 tỷ USD).
Bên cạnh đó, năm 2020 được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát. Bình quân năm 2020, CPI tăng 3,23% so với năm 2019; trong đó: CPI khu vực thành thị tăng 2,91%, khu vực nông thôn tăng 3,53% so với năm 2019. Lạm phát cơ bản năm 2020 tăng 2,31% so với năm 2019. Kết thúc năm 2020, kinh tế Việt Nam đã có điểm sáng với tốc độ tăng trưởng khả quan, các chỉ số vĩ mô được đảm bảo.
Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP và kiềm chế lạm phát đã được khống chế ở mức tăng dưới 4% như Quốc hội đã đề ra từ đầu năm.
Dưới tác động của nền kinh tế dẫn đến sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, các sự kiện lớn và sự phục hồi kinh tế đã thúc đẩy hầu hết các doanh nghiệp trong thị trường tăng ngân sách quảng cáo. Điều này giúp doanh thu hoạt động bán hàng của công ty Cổ phần Truyền thông Quốc tế Sao Mai duy trì ổn định và có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, do lạm phát nên mức chi phí về giá vốn hàng bán mà công ty bỏ ra còn tương đối cao dẫn đến lợi nhuận thấp.