Đất nước ta trong quá trình mở cửa và hội nhập, về đối nội thực hiện cải cách bộ máy nhà nước và dân chủ hóa trong toàn xã hội; trong đó hệ thống pháp luật nói chung và hộ tịch nói riêng, từng bước được xây dựng theo hướng mở rộng dân chủ về quyền nhân thân của mọi công dân, bởi vì đăng ký hộ tịch phát sinh từ quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Giải pháp này không chỉ áp dụng cho quản lý nhà nước về hộ tịch ở cấp phường, mà còn là giải pháp quan trọng để hoàn thiện quản lý nhà nước về hộ tịch trong phạm vi cả nước nói chung.
Luật hộ tịch đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (Khóa XIII) ngày 20/11/2014 gồm VII chương, 77 điều, luật Hộ tịch là đạo luật trực tiếp liên quan đến phạm trù quyền con người, quyền công dân, thể hiện tập trung và sinh động mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Thông qua hoạt động quản lý hộ tịch có thể đánh giá việc thực hiện chức năng xã hội và bản chất dân chủ của nhà nước. Quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa đặt ra hai yêu
cầu cơ bản đối với nhà nước: một là, tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật thể hiện ý chí chung và bảo đảm đầy đủ các quyền công dân của nhân dân lao động; hai là, mở rộng dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc ban hành Luật hộ tịch đã góp phần làm rõ bản chất dân chủ của nhà nước và pháp luật Việt Nam.
Việc ban hành Luật hộ tịch còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở chỗ, nó tạo cho mọi người dân những cơ hội ngang nhau trong việc thụ hưởng tốt nhất dịch vụ đăng ký hộ tịch trong một nền hành chính phục vụ.
Tuy nhiên sau khi luật hộ tịch ban hành thì vẫn còn chưa thống nhất giữa quy định của Luật Hộ tịch và các Luật, văn bản quy phạm pháp luật khác gây khó khăn vướng mắc cho cán bộ tư pháp, chính quyền địa phương khi thực hiện. Sự thống nhất giữa các văn bản pháp lý sẽ tạo điều kiện quản lý tốt hơn nữa công tác hộ tịch.