Mặc dù không thể phủ nhận được những đóng góp và vai trò của DNNN trong những năm qua, nhưng kết quả đạt được về mặt hiệu quả kinh tế của các DN này còn chưa tương xứng. Nguyên nhân chính là do cơ chế quản lý lỏng lẻo trong khi hoạt động SXKD của DN còn lẫn lộn chức năng kinh doanh với việc đảm nhiệm các nhiệm vụ công ích. Báo cáo của các DNNN trong nhiều năm gần đây cho thấy, kết quả kinh doanh tính theo tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu luôn ở mức thấp nhất trong các thành phần kinh tế. Đơn cử riêng với các tập đoàn, tổng công ty trong các năm 2010 tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu chỉ đạt 16,5%, năm 2011 là 18,5%, với mức đó cũng chỉ tương đương với lãi suất ngân hàng trong cùng năm. Nhưng tỷ lệ lợi nhuận đó cũng không được phân đều ở các DN mà có tới 80% lợi nhuận sau thuế nằm chủ yếu ở một số đơn vị như Dầu khí, Viễn thông quân đội, Bưu chính viễn Thông, Than khoáng sản, Công nghiệp cao su. Trong khi thực trạng huy động quá nhiều vốn để đầu tư đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, thành lập mới nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề mà không tính đến năng lực quản lý, điều hành và khả năng tài chính, dẫn tới hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cao. Điển hình cho tình trạng này là trong vòng 5 - 7 năm gần đây, hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty đã huy động vốn, mở rộng ngành nghề kinh doanh để đầu tư vào các ngành bất động sản, chứng khoán, bảo
hiểm, ngân hàng với số vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi vốn dành cho hoạt động SXKD chính đang thiếu, làm phân tán, giảm hiệu quả sử dụng vốn tại các DNNN (Tổng giá trị các khoản đầu tư vào chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, ngân hàng tính đến cuối các năm: năm 2006 (6.114 tỷ đồng); năm 2007 (14.441 tỷ đồng); năm 2008 (19.840 tỷ đồng); năm 2009 (14.991 tỷ đồng); năm 2010 (21.814 tỷ đồng); năm 2011 là 23.744 tỷ đồng). Thực trạng rất đáng báo động nữa là, tình hình tài chính tại nhiều tập đoàn, tổng công ty đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất cân đối. Tính đến đầu năm 2012, cả nước có tới 30/92 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gấp trên 3 lần, trong đó có 12 đơn vị gấp 3 - 5 lần; 10 đơn vị gấp 5 - 10 lần và đặc biệt có 8 đơn vị số nợ gấp trên 10 lần vốn chủ sở hữu. Chỉ tính riêng năm 2011, có 5 tập đoàn, tổng công ty có số lỗ hợp nhất 5.823 tỷ đồng; 5 công ty mẹ lỗ phát sinh 3.104 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của 13 tập đoàn, tổng công ty đến hết 31/12/2011 là 48.988 tỷ đồng; 9 công ty mẹ lỗ lũy kế là 12.800 tỷ đồng. Theo phân tích, đánh giá, nhận định của các chuyên gia và cả sự thừa nhận của cơ quan quản lý, trong nhiều năm qua, Nhà nước đã duy trì quá nhiều DN 100% vốn Nhà nước và chỉ coi DNNN là phương tiện chủ yếu để thực hiện việc đầu tư. Điều này gây hệ quả làm tăng gánh nặng bộ máy Nhà nước trong việc thực thi quản trị DN, tự hạn chế khả năng trong sử dụng các công cụ và phương tiện kinh doanh vốn đa dạng và phong phú trên thị trường. Việc duy trì mục tiêu ưu tiên tăng trưởng nhanh trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của nền kinh tế, trong đó có các DNNN. Các tập đoàn, tổng công ty quá thiên về hướng mở rộng sản xuất, đầu tư theo chiều rộng cần nhiều vốn, sử dụng nhiều lao động, mà không chú trọng đầu tư theo
chiều sâu đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, đầu tư quá khả năng thu xếp vốn, dẫn đến hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.
Trong khi đó, chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm của từng tập đoàn, tổng công ty còn bất cập, yếu kém, thiếu sự liên kết, tầm nhìn xa, gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thực hiện lộ trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN còn chậm, mới tập trung ở các DNNN quy mô nhỏ, chưa thực hiện cổ phần hoá những DNNN lớn để từ đó tạo ra bước đột phá về cơ cấu các thành phần kinh tế trong nền kinh tế. Cơ chế, chính sách về quản lý DNNN chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty như chưa phân tách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích, nên chưa rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, chức năng đại diện chủ sở hữu còn chồng chéo, phân tán, chưa phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản của DNNN. Cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của các DNNN cũng chưa có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa việc sử dụng, quản lý yếu kém vốn và tài sản nhà nước.
Tạp chí