Kỷ niệm 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 10/10/2013)

Một phần của tài liệu TC87 (Trang 37 - 39)

Ảnh: internet

Hà Nội, chỉ những ai sinh ra, lớn lên ở nơi này mới cảm nhận hết sự khát khao trở về mỗi khi đi xa. Đó là tâm trạng chung của những cán bộ, chiến sĩ và người dân cách đây 6 thập kỷ trên chiến trường rừng núi trở về giải phóng Thủ đô. “Năm cửa ô xòe năm cánh rộng, đoàn quân về nhấp nhô như sóng, những ngôi nhà dường muốn cao thêm. Tháng Mười ấy là khúc ca vang, khúc ca của những chiến công này…”. Cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp bằng các nốt nhạc đầy hào sảng chiến thắng. Sức mạnh của lòng yêu nước, của chính nghĩa, lời hứa danh dự của người chiến binh Thủ đô quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hiến dâng tuổi xuân đẹp nhất cho nhịp đập trái tim Thủ đô không ngừng nghỉ. Cảm ơn các thế hệ vàng son của dân tộc đã gìn giữ Thủ đô yêu dấu còn tương đối vẹn nguyên như lịch sử vốn có.

Hà Nội hôm nay khác xưa rất nhiều, người ở khắp tỉnh, thành trong cả nước hội tụ về đây, an cư lạc nghiệp, sinh con đẻ cái. Bất cứ ai đó trong số họ cũng “dám” tự cho mình là người Hà Nội vì được sinh ra ở nơi này. Lại nữa, Hà Nội từ ngày mở rộng, người nói ngọng, người chưa một lần đặt chân đến Thủ đô, bỗng dưng được công nhận là công dân Thủ đô. Sự đa dạng (và có phần hỗn tạp) ấy, vừa làm phong phú về văn hóa, về tính cách, lối sống,

nếp nghĩ và hành động, đan xen giữa tiến bộ, văn minh với lạc hậu, trì trệ. Không biết đó có phải là những nguyên nhân để Hà Nội kém đi phần sang trọng, cổ kính, lịch thiệp như những năm của thế kỷ trước?. Một số lượng không quá lớn người Hà Nội gốc vẫn giữ được cốt cách của người Tràng An xưa: học thức, am tường, bình dị, lịch lãm, sống điềm đạm, ung dung tự tại, không đua chen, không ham hố làm giàu vô lối. Cuộc sống, lối sống ấy cần được bảo tồn như những gì vốn có trong lịch sử Thủ đô ngàn năm tuổi.

Những ai không phải là người Hà Nội gốc nhưng được sống nhiều thập kỷ ở Thủ đô, càng tìm hiểu, suy ngẫm cho thấu mọi lẽ mới nhận ra mình không thể sánh với người Hà Nội đích thực, cho dù mình đang là công dân Thủ đô thực thụ. Cái Gốc (nơi chôn rau cắt rốn) và cái Ghé (nơi khác đến ngụ cư) khác nhau rất nhiều. Có một thực tế là, nhiều người gốc Hà Nội, đang sinh sống nơi phố cổ, nay vì những lí do khác nhau lại đang phải giãn ra xa trung tâm. Người ở ngoại thành, tỉnh lẻ có điều kiện kinh tế lại vào nội thành sinh sống. Hơn thế, người ở chốn ồn ào đô thị nay lại ẩn dật nơi ngoại ô thôn dã. Sự dịch chuyển khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về công cuộc bảo tồn lịch sử Thủ đô đang còn bao cam go, khó nhọc ở phía trước.

Một thời đạn bom đã qua đi, Hà Nội những ngày chiến tranh, khói lửa, đổ nát hoang tàn, mất mát hi sinh chỉ còn trong kí ức, ẩn chứa trong những chứng tích, bia tưởng niệm. Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ trong thế kỷ mới để bứt tốc trở thành đô thị hiện đại, văn minh. Công cuộc kiến thiết Thủ đô nghìn năm tuổi không hề bằng phẳng, giản đơn. Trái lại, cũng nhọc nhằn, thách đố như chiến tranh vậy: đó là những lực cản thuộc tầm nhìn chiến lược, năng lực quản lý, lợi ích nhóm, sự nôn nóng, thiếu hiểu biết về chiều sâu lịch sử mảnh đất này.

Mỗi khi nhắc nhớ về Hà Nội, người Hà Nội thường hoài niệm, luyến tiếc một thời xa xưa. Ngỡ tưởng đó là suy nghĩ lạc hậu, cổ hủ. Không phải, các nhà quy hoạch đô thị chớ coi thường lí lẽ về quy hoạch Hà Nội của người đi trước. Sự hợp lý trong phân bố dân cư, quy hoạch kiến trúc, không gian đô thị sẽ tránh được hệ lụy nhãn tiền hôm nay: Ngập úng, ô nhiễm môi trường, phá vỡ kiến trúc đô thị cổ, đối lập bảo tồn và phát triển...

Nghĩ về thời đã qua để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho Thủ đô yêu dấu là sự đồng cảm của những ai yêu Hà Nội. Đi đâu xa cũng luôn mong ngóng sớm trở về với trái tim hồng của mình./.

Ảnh: internet

Tạp chí

Một phần của tài liệu TC87 (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(48 trang)