thương mại điện tử của các nước Thành viên?
“Sản phẩm số”
Các “sản phẩm số” thuộc phạm vi điều chỉnh của các chính sách thương mại điện tử trong CPTPP bao gồm các chương trình máy tính, văn bản, video, hình ảnh, ghi âm hoặc sản phẩm khác được mã hóa bằng kỹ thuật số, sản xuất vì mục tiêu kinh doanh/phân phối thương mại, và có thể được truyền đưa bằng điện tử.
Tuy nhiên, các cam kết về thương mại điện tử đối với sản phẩm số trong CPTPP sẽ không áp dụng cho các loại tiền kỹ thuật số hoặc các dạng công cụ tài chính được số hóa.
Về chính sách đối với vấn đề chứng thực điện tử và chữ ký số
Liên quan tới chứng thực điện tử và chữ ký số, CPTPP yêu cầu các nước Thành viên CPTPP phải bảo đảm các nghĩa vụ sau:
Không phủ nhận giá trị pháp lý của một chữ ký chỉ vì lý do chữ ký đó là ở dạng điện tử, ngoại trừ các trường hợp cụ thể mà pháp luật nội địa có quy định khác
Không áp dụng hoặc duy trì các biện pháp theo hướng ngăn cấm các chủ thể trong một giao dịch điện tử (i) tự thống nhất về phương pháp chứng thực phù hợp với giao dịch đó; hoặc (ii) có cơ hội chứng minh trước các cơ quan hành chính/tư pháp rằng giao dịch của mình tuân thủ các quy định về chứng thực. Tuy nhiên, các nước CPTPP vẫn có quyền quy định một giao dịch nhất định nếu chứng thực điện tử thì phải đáp ứng những tiêu chuẩn cụ thể về hiệu suất, hoặc phải được công nhận bởi một cơ quan có thẩm quyền.
Hiện pháp luật Việt Nam đã ghi nhận giá trị pháp lý của các chữ ký số theo hướng như trong cam kết CPTPP, quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.
Về mã nguồn
CPTPP yêu cầu một nước Thành viên CPTPP không được bắt buộc một chủ thể của nước Thành viên khác phải chuyển giao hoặc cho phép truy cập đến mã nguồn phần mềm (ngoại trừ phần mềm hạ tầng trọng yếu) mà họ sở hữu như là điều kiện để được cấp phép nhập khẩu, phân phối, bán hoặc sử dụng trong lãnh thổ phần mềm hoặc các sản phẩm sử dụng phần mềm đó.
Cam kết nói trên sẽ không áp dụng trong các trường hợp sau: Các cam kết, điều khoản và điều kiện liên quan đến việc cung cấp mã nguồn trong các hợp đồng thương mại giữa các bên Yêu cầu sửa đổi mã nguồn để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật nội địa không trái với Hiệp định này
Các yêu cầu liên quan đến việc đăng ký, bảo hộ sáng chế phù hợp quy định pháp luật liên quan
Liên quan tới việc bảo vệ các quyền và lợi ích của người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử, CPTPP có một số cam kết đáng chú ý về nghĩa vụ của các nước CPTPP như sau:
Phải có các quy định pháp luật để ngăn cấm các hành vi gian lận và lừa đảo thương mại gây tổn hại (hoặc có nguy cơ gây tổn hại) cho người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử
Phải có khung pháp lý quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng thương mại điện tử.
Kèm theo còn có yêu cầu khi soạn thảo pháp luật về vấn đề này, các nước cần tham khảo các nguyên tắc và hướng dẫn của các tổ chức quốc tế liên quan. Tuy nhiên Việt Nam bảo lưu không phải tuân thủ nghĩa vụ này cho đến trước khi pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân người dùng trong thương mại điện tử của Việt Nam có hiệu lực
Phải có các quy định về tin nhắn điện tử thương mại không mong muốn (“tin nhắn rác”) theo một trong các hướng sau:
Nhà cung cấp “tin nhắn rác” phải cho người nhận khả năng từ chối việc tiếp tục nhận tin nhắn rác
Phải có sự chấp thuận của người nhận về việc đồng ý nhận các “tin nhắn rác” (như thế nào là đồng ý thì theo quy định pháp luật cụ thể)
Phải quy định việc giảm thiểu tối đa các “tin nhắn rác”