Trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia, tổ chức, các viện nghiên cứu, các trường đại học lớn, đã tiến hành nghiên cứu về các dạng tồn tại và hàm lượng KLN trong đất, đặc biệt là sự ảnh hưởng của chất thải trong ngành khai khoáng đến môi trường cũng như sức khỏe của con người.
Trong nghiên cứu “Ô nhiễm KLN trong đất và rau quả và đánh giá rủi ro sức khỏe cư dân ở Đại Dã, Trung Quốc” bằng phương pháp phổ khối plasma cảm ứng (ICP-MS), nhóm tác giả đã đưa ra kết luận nồng độ các KLN như Cu, Pb, Cd, As trong đất và rau ở khu khai thác mỏ cao hơn so với khu xa khai thác mỏ, cho thấy đất trong khu vực ô nhiễm bị ảnh hưởng lớn bởi hoạt động khai thác và luyện kim [41].
Tác giả Chun Ling Luo và các cộng sự khi nghiên cứu “Ô nhiễm KLN trong đất và rau gần một địa điểm xử lý chất thải điện tử, phía Nam Trung Quốc” bằng phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử plasma cảm ứng (ICP-AES), đã kết luận đất ở những nơi rác thải điện tử được đốt ngoài trời bị nhiễm Cd, Cu, Pb, Zn. Trong các mô ăn được của rau, nồng độ Cd và Pb trong hầu hết các mẫu đều vượt quá mức cho phép đối với thực phẩm ở Trung Quốc [42].
Trong nghiên cứu “Đánh giá những nguy hiểm đến sức khỏe của các KLN trong đất tại thung lũng khai thác vàng Witwatersrand, Nam Phi”, tác giả Caspah Kamunda, và các cộng sự đã rút ra kết quả nồng độ trung bình của KLN trong đất từ khu vực khai thác vàng thay đổi đáng kể và giảm theo thứ tự Cr > Ni > As > Zn > Cu > Co > Pb > Hg > Cd. Trên cơ sở kết quả của nghiên cứu này, có thể kết luận rằng các loại đất xung quanh khu vực khai thác vàng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi KLN và cần đưa ra các quy định khai thác để bảo vệ người dân, đặc biệt là trẻ em do ô nhiễm KLN trong môi trường [43].
Như vậy, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên Thế giới (đặc biệt là các nước đang phát triển và kém phát triển), hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản cũng đã để lại nhiều hậu quả môi trường, gây suy thoái môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
1.6. Phương pháp đánh giá mức độ ô nhiễm kẽm trong đất và trầm tích
1.6.1. Tiêu chuẩn Việt Nam đánh giá ô nhiễm kẽm trong đất và trầm tích
Ở Việt Nam, tại khu vực các khu công nghiệp, các nơi khai thác quặng và các làng nghề tái chế, đặc biệt là tái chế kim loại, thì môi trường đất đã có nguy cơ bị ô nhiễm và ngày càng được quan tâm nghiên cứu.
Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 03-MT:2015/BTNMT), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất đưa ra giới hạn tối đa cho phép hàm lượng tổng số của Zn trong đất dùng cho mục đích khác nhau ở Việt Nam được trình bày trong bảng 1.5.
Bảng 1.5. Giới hạn tối đa cho phép hàm lượng tổng số đối với Zn trong đất [44]
Đơn vị: mg/Kg khô Thông số Đất nông nghiệp Đất lâm nghiệp Đất dân sinh Đất công nghiệp Đất thương mại, dịch vụ Kẽm (Zn) 200 200 200 300 300
Để đánh giá mức độ ô nhiễm kẽm trong mẫu trầm tích, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 43: 2012/BTNMT) về chất lượng trầm tích đưa ra giới hạn kim loại kẽm trong trầm tích nước ngọt là 315 mg/kg quy về khối lượng khô, trong trầm tích nước mặn, nước lợ là 271 mg/kg khối lượng khô [45].