4.2.2.1. Nâng cao chất lượng tín dụng và quản lý tín dụng
Nợ xấu được phát sinh từ hoạt động tín dụng, quản lý tín dụng tốt sẽ giảm thiểu rủi ro phát sinh nợ xấu. Chất lượng tín dụng phụ thuộc vào quá trình thẩm định tín dụng, tuân thủ đúng quy trình tín dụng. Việc thẩm định tín dụng phải được thực hiện một cách nghiêm túc, trung thực và có hiệu quả.
Các thông tin thu thập về khách hàng vay phải đầy đủ và chính xác, nguồn thu thập thông tin cần khai thác từ nhiều nguồn để có thể nắm bắt được khách hàng, đặc thù từng ngành nghề, nắm bắt được xu hướng kinh doanh. Việc thẩm định khách hàng vay không những chỉ thẩm định trên hồ sơ giấy tờ, báo cáo tài chính do khách hàng cung cấp mà cần nắm rõ về tình hình tài chính thực tế của khách hàng, dòng tiền, nguồn thu… Trước khi phê duyệt tín dụng Ngân hàng phải nắm bắt được một cách tổng thể về khách hàng vay, đánh giá được rủi ro có thể xảy ra để có những biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Đánh giá TSBĐ: TSBĐ được coi như là phao cứu sinh của khoản vay, do đó cần phải thẩm định, đánh giá thật chính xác giá trị TSBĐ, tình trạng pháp lý, khả năng phát mãi… Để có thể đánh giá được khách quan giá trị TSBĐ Chi nhánh cần thành lập tổ định giá độc lập với phòng tín dụng. Thường xuyên đánh giá lại giá trị của TSBĐ cho phù hợp với giá trị thị trường. Yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm cho tài sản đối với những TSBĐ mà pháp luật và Agribank Việt Nam quy định. Thuê công ty định giá độc lập để định giá những tài sản có giá trị lớn (những tài sản có giá trị trên 200 tỷ đồng), tài sản khó xác định giá trị, tài sản là máy móc thiết bị chuyên dụng.
Nâng cao trình độ cán bộ tín dụng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ trong chi nhánh. Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ, các buổi hội thảo nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm và cập
nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới. Trong phạm vi chi nhánh có thể thực hiện luân chuyển công tác cán bộ tại các vi trí nhằm nâng cao trình độ cán bộ, việc luân chuyển vị trí phải được thực hiện một các khách quan và công tâm.
Thực hiện chấm điểm, xếp hạng khách hàng vay một cách nghiêm túc. Kết quả của việc xếp hạng tín dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc phân loại nợ và ngăn ngừa nợ xấu. Để đảm bảo quản lý nợ xấu có hiệu quả, Chi nhánh cần quán triệt việc thực hiện công tác chấm điểm và xếp hạng tín dụng khách hàng vay một cách chuẩn xác nhất.
4.2.2.2. Nâng cao hoạt động kiểm tra, kiểm soát
Chi nhánh cần kiện toàn bộ máy kiểm tra, kiểm soát nội bộ, thành lập bộ phận kiểm tra giám sát tín dụng độc lập. Hiện nay, việc kiểm tra sau khi cho vay đều do cán bộ tín dụng trực tiếp thực hiện. Để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát môt cách khách quan, hạn chế rủi ro phát sinh cần thiết phải có sự hoạt động hiệu quả của bộ phận kiểm soát rủi ro độc lập. Chức năng của bộ phận kiểm soát: thường xuyên kiểm tra, đánh giá chấp hành quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng nhằm kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm trong hoạt động tín dụng, đồng thời đưa ra những khuyến nghị để chỉnh sửa, điều chỉnh kịp thời.
Chi nhánh cần xây dựng được một bộ quy chế kiểm tra. Hàng năm phải xây dựng được kế hoạch kiểm tra định kỳ để giám sát và cảnh báo và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động tín dụng của chi nhánh. Ngoài chương trình kiểm tra định kỳ, còn có thể tổ chức công tác kiểm tra bất thường theo sự chỉ đạo của ban lãnh đạo hoặc trong những trường hợp đặc biệt cần thiết.
Thực hiện việc gắn trách nhiệm đối với cán bộ tín dụng và cán bộ kiểm tra trong việc để xảy ra rủi ro dẫn đến phát sinh nợ xấu.