4. Những đóng góp mới, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài luận văn
1.3. Tổng quan một số công trình nghiên cứu có liên quan
Ở Việt Nam, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về làng nghề và ngành chè. Nhìn chung các nghiên cứu này cũng có thể chia theo các nhóm nghiên cứu như sau: các nghiên cứu về kinh tế làng nghề, nghiên cứu về xã hội làng nghề, nghiên cứu về môi trường làng nghề, nghiên cứu về thể chế cho phát triển làng nghề và các nghiên cứu liên quan đến ngành chè.
Theo tác giả MacAulay và cs, 2006 (trích theo Vũ Quỳnh Nam, 2017), ứng dụng lý thuyết về kinh tế làng xã (villages economices) và mô hình cân bằng không gian để đánh giá sự phân bổ nguồn lực tại các làng nghề. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam chỉ ra rằng, các yếu tố tác động tới tổng lợi nhuận/thu nhập của tất cả các hộ trong 1 làng bao gồm: giá và khối lượng sản phẩm sản xuất ra; lượng đầu vào sử dụng; tổng cung và tổng cầu sản phẩm hàng hóa của từng hộ trong tổng các hộ,… Hạn chế của nghiên cứu này là chưa đi phân tích các tổ chức kinh tế trong làng nghề và mối liên kết giữa các tổ chức kinh tế trong làng nghề.
Phương pháp phân tích nhân tố khám phá đã được Lê Thị Thế Bửu và cs (2015), sử dụng để phân tích ảnh hưởng của các yếu tố đến phát triển làng nghề truyền thống tỉnh Bình Định, gồm 7 yếu tố: yếu tố thị trường; yếu tố lao động;
yếu tố vốn; yếu tố khoa học công nghệ; yếu tố thể chế, chính sách; yếu tố cơ sở hạ tầng; yếu tố nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa đề cập đến liên kết trong sản xuất kinh doanh của làng nghề.
Tác giả Nguyễn Thị Phương Hảo (2014), trong công trình nghiên cứu “Ảnh hưởng của biến động tăng giá đầu vào đến hiệu quả kinh tế sản xuất chè của các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”, tác giả đã phân tích tác động của các yếu tố đầu vào tới hiệu quả kinh tế sản xuất chè của nông hộ, liên kết hợp tác trong sản xuất và kinh doanh chè, phân tích về chuỗi giá trị ngành chè, chuỗi cung ứng mặt hàng chè tỉnh Phú Thọ, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chè của tỉnh Phú Thọ.
Còn theo tác giả Trần Chí Thiện và Vũ Quỳnh Nam (2017), trong bài báo “Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia hợp tác xã của hộ dân trong các làng nghề chè tỉnh Thái Nguyên” đã cho biết: Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia HTX chè của hộ dân trong các làng nghề của tỉnh Thái Nguyên như: môi trường đầu tư, chính sách HTX, sự minh bạch trong quản lý tổ chức sản xuất của HTX, kế hoạch sản xuất kinh doanh của HTX, sản phẩm HTX, thị trường tiêu thụ sản phẩm,… Các HTX chè cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư máy móc, công nghệ cho sản xuất sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho HTX và cho các thành viên tham gia HTX. Cần nâng cao trình độ quản lý cho Ban giám đốc HTX: Hiệp hội làng nghề cần phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, với các chương trình, các dự án, các trung tâm giáo dục,...