5. Bố cục luận văn
1.1.6. Chức năng của nông thôn mới
- Chức năng sản xuất nông nghiệp hiện đại
Sản xuất nông nghiệp cần diện tích lớn, nhất là ngành trồng trọt như sản xuất lương thực, cây công nghiệp và trồng rừng. Do đó, nông thôn là nơi diễn ra phần lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp của các quốc gia.
Có thể nói nông nghiệp là chức năng tự nhiên của nông thôn. Chức năng cơ bản của nông thôn là sản xuất dồi dào các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Khác với nông thôn truyền thống, sản xuất nông nghiệp của nông thôn mới bao gồm cơ cấu các ngành nghề mới, các điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện đại hoá, ứng dụng phổ biến khoa học kỹ thuật tiên tiến và xây dựng các tổ chức nông nghiệp hiện đại.
- Chức năng giữ gìn văn hóa truyền thống
Trải qua lịch sử phát triển hàng ngàn năm, các làng xóm ở nông thôn thường được hình thành dựa trên những cộng đồng có cùng phong tục, tập quán, họ tộc. Người dân trong các làng xóm thường cư xử với nhau dựa trên quan hệ huyết thống và phong tục, tập quán.
- Chức năng sinh thái
Nói đến nông nghiệp là nói đến cây trồng. Cây trồng, một mặt cung cấp cho con người những nông sản cần thiết, một mặt có tác dụng cải tạo môi trường, làm đẹp cảnh quan… do đó, nông nghiệp nói riêng và nông thôn nói chung có chức năng sinh thái.
1.1.7. Nội dung xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới không phải chỉ nhằm xây dựng con đường, kênh mương, trường học, hội trường... mà cái chính là qua cách làm này sẽ tạo cho người nông dân hiểu rõ được nội dung, ý nghĩa và thúc đẩy họ tự tin, tự quyết, đưa ra sáng kiến, tham gia tích cực để tạo ra một nông thôn mới năng động hơn. Phải xác định rằng, đây không phải là đề án đầu tư của Nhà nước mà là việc người dân cần làm, để cuộc sống tốt hơn, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần. Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng thôn về tiềm năng, lợi thế, năng lực của cán bộ, khả năng đóng góp của nhân dân… hướng dẫn để người dân bàn bạc đề xuất các nhu cầu và nội dung hoạt động của đề án. Xét trên khía cạnh tổng thể, những nội dung sau đây cần được xem xét trong xây dựng mô hình nông thôn mới.
* Đào tạo nâng cao năng lực phát triển cộng đồng
- Nâng cao năng lực cộng đồng trong việc quy hoạch, thiết kế, triển khai thực hiện, quản lý, điều hành các chương trình, dự án trên địa bàn thôn.
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở và đội ngũ cán bộ các cấp về phát triển nông thôn bền vững.
- Nâng cao trình độ dân trí của người dân.
- Phát triển mô hình câu lạc bộ khuyến nông thôn để giúp nhau ứng dụng TBKT vào sản xuất, phát triển ngành nghề, dịch vụ để giảm lao động nông nghiệp.
* Tăng cường và nâng cao mức sống cho người dân
- Quy hoạch lại các khu dân cư nông thôn, với phương châm: Giữ gìn tính truyền thống, bản sắc của thôn, đồng thời đảm bảo tính văn minh, hiện đại, đảm bảo môi trường bền vững.
- Cải thiện điều kiện sinh hoạt của khu dân cư: Ưu tiên những nhu cầu cấp thiết nhất của cộng đồng dân cư để triển khai thực hiện xây dựng: Đường làng, nhà văn hoá, hệ thống tiêu thoát nước…
- Cải thiện nhà ở cho các hộ nông dân: Tăng cường thực hiện xoá nhà tạm, nhà tranh tre nứa, hỗ trợ người dân cải thiện nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, hầm biogas cho khu chăn nuôi…
* Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất hàng hoá, dịch vụ nâng cao thu nhập
Căn cứ vào các điều kiện cụ thể của mỗi thôn để xác định một cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả, trong đó:
- Sản xuất nông nghiệp: Lựa chọn tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi là lợi thế, có khối lượng hàng hoá lớn và có thị trường, đồng thời đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy khả năng về đất đai, nguồn nước và nhân lực tại địa phương.
- Cung ứng các dịch vụ sản xuất và đời sống như: Cung ứng vật tư, hàng hoá, nước sạch cho sinh hoạt, nước cho sản xuất, điện, tư vấn kỹ thuật chuyển giao tiến bộ khoa học, tín dụng…
- Hỗ trợ trang bị kiến thức và kỹ năng bố trí sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý.
- Củng cố, tăng cường quan hệ sản xuất, tư vấn hỗ trợ việc hình thành và hoạt động của các tổ chức: Tổ hợp tác, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… tạo mối liên kết bốn nhà trong sản xuất, chế biến, và tiêu thụ sản phẩm.
* Xây dựng nông thôn gắn với phát triển ngành nghề nông thôn tạo việc làm phi nông nghiệp
- Đối với những thôn chưa có nghề phi nông nghiệp: Để phát triển được ngành nghề nông thôn cần tiến hành "cấy nghề" cho những địa phương còn "trắng" nghề.
- Đối với những thôn đã có nghề: Củng cố tăng cường kỹ năng tay nghề cho lao động, hỗ trợ công nghệ mới, quảng bá và mở rộng nghề, hỗ trợ xử lý môi trường, hỗ trợ tư vấn thị trường để phát triển bền vững.
* Hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất
- Tư vấn hỗ trợ quy hoạch giao thông, thuỷ lợi nội đồng, chuyển đổi ruộng đất, khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển kinh tế trang trại với nhiều loại hình thích hợp.
- Hỗ trợ xây dựng mặt bằng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, chế biến sau thu hoạch, giao thông, thuỷ lợi nội đồng.
* Xây dựng nông thôn gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở nông thôn
Vấn đề bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường từ việc quản lý nguồn cấp nước, thoát nước đến quản lý thu gom rác thải ở nông thôn cũng đã trở nên đáng báo động. Đã đến lúc cơ quan địa phương cần có những biện pháp quản lý môi trường địa phương mình như: Xây dựng hệ thống xử lý rác thải, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, xây dựng hệ thống quản lý môi trường ở khu vực mình một cách chặt chẽ.
* Phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ở nông thôn
Thông qua các hoạt động ở nhà văn hoá làng, những giá trị mang đậm nét quê đã được lưu truyền qua các thế hệ, tạo nên những phong trào đặc sắc mang hồn quê Việt Nam riêng biệt, mộc mạc - chân chất - thắm đượm tình quê hương.
Xã hội hoá các hoạt động văn hoá ở nông thôn, trước hết xuất phát từ xây dựng làng văn hoá, nhà văn hoá làng và các hoạt động trong nhà văn hoá làng. Phong trào này phải được phát triển trên diện rộng và chiều sâu.
Căn cứ vào từng điều kiện cụ thể mà vai trò của từng nội dung đối với mỗi địa phương là khác nhau, tuy nhiên những nội dung trên cần được song song thực hiện, tạo điều kiện cho sự phát triển đồng bộ, toàn diện trong một mô hình nông thôn mới.
1.1.8. Đơn vị nông thôn mới
Khoản 3 điều 23 Thông tư 54/2009/TT-BNN&PTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới quy định: Ban chỉ đạo nông thôn mới Trung Ương kiểm tra việc công nhận xã nông thôn mới ở các tỉnh để xét công nhận huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới cho các huyện có 75% số xã trong
huyện đạt nông thôn mới và tỉnh có 75% số huyện trong tỉnh đạt nông thôn mới.
Như vậy đơn vị nông thôn mới có 3 cấp:
- Xã nông thôn mới (đạt 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới); - Huyện nông thôn mới (khi có 75% số xã nông thôn mới);
- Tỉnh nông thôn mới (khi có 75% số huyện nông thôn mới).
1.1.9. Nguyên tắc và các bước xây dựng nông thôn mới
a. Nguyên tắc xây dựng nông thôn mới
Điều 2 Thông tư liên tịch số 26/2012/TTLT-BNNPTNT-BKHDT-BTC, ngày 13 tháng 4 năm 2012 (liên bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính) về hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đã đề ra 6 nguyên tắc trong xây dựng nông thôn mới như sau:
(1). Các nội dung, hoạt động của Chương trình xây dựng nông thôn mới phải hướng tới mục tiêu thực hiện 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành tại Quyết định số 491/Q Đ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
(2). Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, chính sách, cơ chế hỗ trợ, đào tạo cán bộ và hướng dẫn thực hiện. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện.
(3). Kế thừa và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn nông thôn.
(4). Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, có quy hoạch và cơ chế đảm bảo thực hiện các quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cấp có thẩm quyền xây dựng.
(5). Công khai, minh bạch về quản lý, sử dụng các nguồn lực; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã quản lý và tổ chức thực hiện các công trình, dự án của Chương trình xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò làm chủ của người dân và cộng đồng, thực hiện dân chủ cơ sở trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát đánh giá.
(6). Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch, và tổ chức thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
b. Các bước xây dựng nông thôn mới
Điều 3 Thông tư liên tịch số 26/2012/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2012 của BNNPTNT, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính quy định các bước xây dựng nông thôn mới như sau:
Bước 1: Thành lập hệ thống quản lý, thực hiện.
Bước 2: Tổ chức thông tin tuyên truyền về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bước 3: Khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
Bước 4: Xây dựng quy hoạch nông thôn mới của xã.
Bước 5: Lập, phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới của xã. Bước 6: Tổ chức thực hiện đề án.
Bước 7: Giám sát đánh giá và báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình.
1.2. Kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng nông thôn mới
1.2.1. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở một số nước trên thế giới
Trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới phát triển như vũ bão, để nông nghiệp và nông thôn nước ta phát triển mạnh mẽ sánh bước cùng các nước trên thế giới thì việc tham khảo học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp,
nông thôn của các nước trên thế giới là một yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển kinh tế nước ta hiện nay.
a. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Hàn Quốc
Vào những năm đầu của thập kỷ 60, Hàn Quốc vẫn là nước chậm phát triển, nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính với khoảng 2/3 dân số sống ở khu vực nông thôn, nông dân quen sống trong cảnh nghèo nàn, an phận, thiếu tinh thần trách nhiệm. Do vậy nhiều chính sách mới về phát triển nông thôn ra đời nhằm khắc phục tình trạng trên.
Bài học của Hàn Quốc về phát triển nông thôn đáng để nhiều nước quan tâm và suy ngẫm. Cùng với nhiều biện pháp quan trọng khác, Hàn Quốc đã đặt mục tiêu là làm thay đổi suy nghĩ thụ động và tư tưởng ỷ lại của phần lớn người dân nông thôn. Từ đó sẽ làm cho nông dân có niềm tin và tích cực với sự nghiệp phát triển nông thôn, làm việc chăm chỉ, độc lập và có tính cộng đồng cao. Trọng tâm của cuộc vận động phát triển nông thôn này là phong trào xây dựng "làng mới" (Saemoul Undong).
Tổ chức phát triển nông thôn được thành lập chặt chẽ từ trung ương đến cơ sở. Mỗi làng bầu ra "Uỷ ban Phát triển Làng mới" gồm từ 5 đến 10 người để vạch kế hoạch và tiến hành dự án phát triển nông thôn.
Nguyên tắc cơ bản của phong trào làng mới: Nhà nước hỗ trợ vật tư, nhân dân đóng góp công của. Nhân dân quyết định loại công trình nào ưu tiên xây dựng và chịu trách nhiệm quyết định toàn bộ thiết kế, chỉ đạo thi công, nghiệm thu công trình. Sự giúp đỡ của Nhà nước trong những năm đầu chiếm tỷ lệ cao, dần dần các năm sau, tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước giảm trong khi quy mô địa phương và nhân dân tham gia tăng dần. Nội dung thực hiện của chương trình:
Thứ nhất là, phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng
nông thôn. Bao gồm: Cải thiện cơ sở hạ tầng cho từng hộ dân như ngói hoá nhà ở, lắp điện thoại, nâng cấp hàng rào quanh nhà... và kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của nông dân.
Thứ hai là, thực hiện các dự án nhằm tăng thu nhập cho nông dân như tăng năng suất cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh, thúc đẩy hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển chăn nuôi, trồng rừng, đa canh.
Kết quả đạt được, 12 loại dự án mở rộng đường nông thôn, thay mái lá cho nhà ở, lắp đặt cống và máy bơm, xây dựng các trạm giặt công cộng cho làng và sân chơi cho trẻ em đã bắt đầu được tiến hành. Sau 8 năm, đến năm 1978, toàn bộ nhà nông thôn đã được ngói hoá (năm 1970 có gần 80% nhà ở nông thôn lợp lá), hệ thống giao thông nông thôn đã được xây dựng hoàn chỉnh. Sau 20 năm, đã có đến 84% rừng được trồng trong thời gian phát động phong trào làng mới. Sau 6 năm thực hiện, thu nhập trung bình của nông hộ tăng lên 3 lần từ 1025 USD năm 1972 lên 2061 USD năm 1977 và thu nhập bình quân của các hộ nông thôn trở nên cao tương đương thu nhập bình quân của các hộ thành phố. Đây là một điều khó có thể thực hiện được ở bất cứ một nước nào trên thế giới.
Thông qua phong trào nông thôn mới, Hàn Quốc đã phổ cập được hạ tầng cơ sở ở nông thôn, thu nhỏ khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao trình độ tổ chức của nông dân, chấn hưng tinh thần quốc dân, cuộc sống của người nông dân cũng đạt đến mức khá giả, nông thôn đã bắt kịp tiến trình hiện đại hóa của cả Hàn Quốc, đồng thời đưa thu nhập quốc dân Hàn Quốc đạt đến tiêu chí của một quốc gia phát triển.
b. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc
Từ năm 1978, Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách cải cách ở nông thôn. Đến năm 2009, thu nhập bình quân của cư dân nông thôn, lần đầu tiên đạt mức trên 5.000 NDT, tăng 8,5% so với năm trước. Cũng trong năm 2009, Trung Quốc đầu tư làm mới và sửa chữa khoảng 300.000 km đường bộ nông thôn; hỗ trợ trên 46 triệu người nghèo đảm bảo đời sống tối thiểu; triển khai thí điểm ở 320 huyện về bảo hiểm dưỡng lão xã hội nông thôn. Việc chỉ đạo của Chính